Ngày 28/5, Trường THCS Phú Đông (Ba Vì, Hà Nội) đã tổ chức lễ tổng kết năm học 2021-2022. Thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, là một trường học thuộc khu vực nông thôn, đời sống kinh tế của nhân dân còn chưa cao. Tuy nhiên, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương cùng các bậc phụ huynh để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19, thầy trò nhà trường vẫn cố gắng hết mình để hoàn thành chương trình năm học đã đề ra.
Theo đó, công tác tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc, tuyển sinh đúng tuyến và đạt chỉ tiêu huyện giao với 3 lớp với 95 học sinh lớp 6. Năm học 2021-2022, nhà trường làm tốt công tác phát triển số lượng, duy trì sĩ số đúng kế hoạch đề ra. Toàn trường hiện có 10 lớp với 317 học sinh. Công tác giáo dục đại trà và mũi nhọn được chú trọng và triển khai quyết liệt.
Nhờ sự nỗ lực của cả thầy và trò, tại cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện đã có 10 em của trường đạt giải. Cụ thể, học sinh giỏi văn hóa lớp 9 có 1 giải Nhất; cuộc thi Olympic lớp 8 có 6 giải (1 giải Nhì, 3 giải Ba), tăng so với năm trước 2 giải; thi Đấu trường toán học cấp huyện đạt 3 giải (1 giải Nhì, 1 giải Ba). Thi học sinh giỏi cấp thành phố có 1 giải. Câu lạc bộ STEM của trường đã đạt giải Ba cấp Quốc gia cuộc thi “Khí tượng thủy văn trong em” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Cũng theo thầy Hùng, thông qua hoạt động sinh hoạt chuyên môn đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên phát triển năng lực, kỹ năng giảng dạy và đổi mới phương pháp dạy học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời giúp củng cố và phát triển mối quan hệ cộng tác, học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên trong nhà trường.
Các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề, nghiên cứu bài học không tiến hành đánh giá, xếp loại giờ dạy mà tập trung vào hỗ trợ giáo viên các kỹ năng quan sát, phân tích việc học của học sinh, tìm hiểu nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp giúp các em học tập hiệu quả.
"Bên cạnh đó, mô hình giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy 4 môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Học sinh rất hứng thú khi tham gia vào mô hình này" - thầy Hiệu trưởng Chu Quang Hùng nói.
Mô hình dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới giúp học sinh hứng thú, đam mê với môn học. Qua đó giúp phát triển trí thông minh, khả năng sáng tạo của học sinh, góp phần tạo được không gian sư phạm sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm sinh lý học sinh, tạo cơ hội cho các em tham gia các hoạt động và hoàn thành tốt yêu cầu bài học. Đồng thời khơi gợi, bồi dưỡng và phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh, đáp ứng được các yêu cầu mục tiêu đổi mới của giáo dục hiện nay.