Đổi mới sáng tạo: Hành trình giáo viên vượt lên chính mình

GD&TĐ - Giờ học của nhiều thầy cô lôi cuốn học trò bằng phương pháp mới, công nghệ hấp dẫn.

Cô Đinh Thị Thái Hà trong giờ dạy.
Cô Đinh Thị Thái Hà trong giờ dạy.

Điều này không ngẫu nhiên có được. Đó là cả hành trình gian nan để thay đổi, vượt lên chính mình của nhà giáo và mục tiêu cuối cùng là đem lại điều tốt nhất cho học trò.

Thay đổi nhận thức đến hành động

5 năm tuổi nghề, cô Nguyễn Kiều Oanh - Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã gặt hái nhiều thành tích: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chu kỳ 2020 -2024, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2022 - 2023, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp thành phố 2022 - 2023, giải Ba thi thiết kế bài giảng E-learning cấp thành phố 2021 - 2022, UBND TP Bắc Giang tặng Giấy khen có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022...

Những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ còn bỡ ngỡ, lúng túng, lo lắng, chưa định hướng được phương pháp giảng dạy. Đây cũng là thời điểm ngành Giáo dục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, đề cao vai trò chủ đạo, sáng tạo người học. Nội dung này được Trường Tiểu học Dĩnh Trì triển khai tới toàn thể giáo viên qua sinh hoạt chuyên môn.

Tuy nhiên, cô Oanh băn khoăn và cho rằng đó là lý thuyết xa vời thực tế, chưa phù hợp với học sinh. “Giáo viên truyền đạt đầy đủ kiến thức học sinh còn chưa hiểu hết bài, nói gì đến việc hướng dẫn để các em tự học, khám phá kiến thức, hỗ trợ lẫn nhau.

Nghĩ vậy nên mỗi giờ học tôi giảng giải hết nội dung trong SGK với suy nghĩ học sinh sẽ nắm đủ chương trình. Tuy nhiên, như vậy, các em vẫn quên, thụ động, không khí giờ học căng thẳng, gò bó. Nhưng vì chưa nhiều kinh nghiệm nên tôi càng cố gắng tìm hiểu nguồn kiến thức để giảng giải nhiều hơn cho học sinh”, cô Kiều Oanh nhớ lại.

Mọi thứ đổi khác nhờ sự truyền cảm hứng, động lực từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Khôi. Trong một lần dự giờ, khi cô Oanh áp dụng phương pháp truyền thống, thầy Nguyễn Văn Khôi đã đứng lên gợi mở, hướng dẫn học sinh thảo luận vấn đề. Bất ngờ, nhiều em mạnh dạn chia sẻ ý tưởng độc đáo, sáng tạo mà chính cô cũng chưa nghĩ đến.

Các em hứng thú đưa ra thắc mắc rất tự nhiên về bài học, hào hứng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau chứ không chỉ ngồi im nghe, ghi chép, tạo ra không khí lớp học khác hoàn toàn. Từ đó, cô giáo trẻ bắt đầu có cái nhìn khác về đổi mới phương pháp dạy học.

“Qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu bài học, chia sẻ từ đồng nghiệp, tôi nhận thấy nếu tổ chức cho học sinh học tập cộng tác, các em sẽ tích cực chủ động, sáng tạo. Tôi đã mạnh dạn áp dụng vào lớp mình và hiệu quả giờ học nâng lên rõ rệt. Tôi nhận ra rằng, người dạy cần hướng dẫn trên tinh thần tôn trọng, yêu thương và thấu hiểu người học.

Trước khi nhận xét việc gì đó, tôi luôn nhìn vào điểm tốt trước để khích lệ, sau đó nhấn mạnh điều chưa hài lòng để các em cố gắng. Hơn nữa, tôi mạnh dạn “bắt trend” trên mạng xã hội để những bài học của mình vừa thực tế, dễ hiểu và tạo sự hứng thú cho học sinh. Sau mỗi giờ giảng bài, tôi thấy mình tự học được những điều mới mẻ”, cô Kiều Oanh chia sẻ.

Cô Nguyễn Kiều Oanh và học trò.

Cô Nguyễn Kiều Oanh và học trò.

Vượt lên chính mình

Với ngành Giáo dục Hòa Bình, tên cô giáo Đinh Thị Thái Hà có lẽ rất quen thuộc. Khi còn là giáo viên Trường THPT Lương Sơn (huyện Lương Sơn), cô Hà đã đi đến các trường xa, khó khăn nhất của tỉnh để hỗ trợ ôn tập tiếng Anh cho học sinh.

Trong năm 2021, cô dạy miễn phí bằng hình thức trực tuyến cho học sinh tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Thời điểm ấy, 2 địa phương này là tâm dịch, nhiều trường có học sinh F0, thầy và trò phải đi cách ly tập trung. Năm học này, cô đã xin lên dạy tăng cường môn Tiếng Anh tại Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc), nơi còn nhiều khó khăn của tỉnh Hòa Bình.

Cô Hà cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin chính là yếu tố quan trọng giúp mình phát huy tốt nhất hiệu quả bài dạy. Tuy nhiên, làm được điều này là cả hành trình không ngừng học hỏi từ giảng viên, chuyên gia và tự mày mò áp dụng vào tiết giảng.

Cô cũng tham gia các khóa đào tạo về công nghệ giáo dục, phương pháp giảng dạy mới, giúp nắm bắt xu hướng và ứng dụng hiệu quả trong lớp học. Thậm chí có lúc cô học từ học trò tư duy người học để không chỉ cập nhật kiến thức mà còn hiểu rõ hơn quá trình học của các em, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp.

“Để học, ứng dụng công nghệ, giáo viên mất nhiều thời gian - với tôi thời gian này là 6 năm và hầu như học vào buổi đêm. Có những bài trên trang Mec của Microsoft phải học mấy lần mới hiểu vì dạy toàn bằng Tiếng Anh, nhiều từ học thuật, hoa mắt vì tra từ điển. Vất vả, nhưng kết quả và niềm vui có được khi công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng”, cô Thái Hà bày tỏ.

Chạy đua với phát triển của công nghệ thông tin thực sự là khó khăn, thử thách. Chia sẻ điều này, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo - giảng viên cao cấp Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cho rằng: Sự ra đời của phần mềm, thiết bị thông minh… luôn đặt giáo viên, giảng viên vào thế “bị động”, “lạc hậu”.

Đôi lúc, thầy cô nhận ra nhiều ý tưởng, cách sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học… ở chính học sinh. Từ việc sử dụng máy tính là chủ yếu, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo cho biết bản thân đã tìm hiểu các mô hình dạy học như Blearning, Mlearning… và triển khai thành công sử dụng Mlearning để dạy học, bồi dưỡng giáo viên.

“Tích hợp hiệu quả tính trực quan, tính động của phần mềm với phương pháp dạy học tích cực là quá trình lâu dài, mày mò, tích lũy, tích cực trao đổi với đồng nghiệp.

Có những tiết học, tôi phải nhờ học sinh thử nghiệm, sau đó rút kinh nghiệm, thử nghiệm tiếp… Khi tương đối yên tâm mới báo cáo nhà trường, bộ môn để giảng dạy. Tôi cũng quay video lại giờ giảng, để sau đó cùng bộ môn mổ xẻ, rút kinh nghiệm. Chỗ nào sử dụng bảng, phần mềm... đều được phân tích kỹ để rút ra bài học cho lần tiếp theo”, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo chia sẻ.

Giáo viên trong thời kỳ mới, ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học đều có thách thức không nhỏ. Do đó, thầy cô phải tự học hỏi từ điều nhỏ nhất để thay đổi bản thân, suy nghĩ, nhận thức, thái độ, tư duy. Thầy cô cần hiểu sâu sắc rằng, mình không chỉ là người truyền đạt kiến thức, còn hướng dẫn và tạo điều kiện cho học sinh tự khám phá tri thức. - Cô Đinh Thị Thái Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.