Đổi mới sáng tạo: Nhân rộng 'trường học không tường'

GD&TĐ - Mô hình “trường học không tường” không dừng lại ở bậc đại học mà nhen nhóm hình thành trong các trường phổ thông.

Tiết học kết nối giữa lớp 4C Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) với các bạn Trường công lập Maharaja Agarsain (Ấn Độ). Ảnh: Ngọc Sơn
Tiết học kết nối giữa lớp 4C Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) với các bạn Trường công lập Maharaja Agarsain (Ấn Độ). Ảnh: Ngọc Sơn

Những lớp học xuyên biên giới, liên tỉnh, trường; giờ học không bảng đen phấn trắng đã giúp trò dù ở nơi đâu cũng có cơ hội học ngoại ngữ, tin học; tiếp cận cách học - kiểm tra đánh giá hoàn toàn mới ở môn học cũ như: Lịch sử, Toán, Ngữ văn…

Tiết học kết nối quốc tế

Ngày đầu tiên tháng 11, học sinh lớp 4C Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) có tiết học đầy thú vị với các bạn Trường công lập Maharaja Agarsain (Ấn Độ). Đó là tiết học kết nối và giáo viên, học sinh của 2 trường cùng giao lưu, trò chuyện qua màn hình tivi nối Internet.

Tại buổi học này, học sinh Trường Tiểu học Lê Mao giới thiệu những món ăn truyền thống của người Việt. Còn học sinh Trường công lập Maharaja Agarsain chia sẻ nét văn hóa đặc trưng về lễ hội nổi tiếng ở Ấn Độ. Cuối buổi học, cô giáo tổ chức trò chơi để học sinh hai đầu cầu cùng tham gia, tranh luận, khám phá chủ đề được nhắc đến.

“Mong muốn của tôi là kết nối nhiều trường học thuộc các nước châu Âu hoặc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất. Qua đó nâng cao kỹ năng nói, giao tiếp cho học sinh nhà trường.

Tuy nhiên, múi giờ các nước này chênh lệch lớn với Việt Nam, nên không thể triển khai với tiết học chính khóa. Việc kết nối chủ yếu với các nước Trung Á hoặc có múi giờ tương đồng Việt Nam”, cô Giang chia sẻ thêm.

Cô Phan Hương Giang - giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học Lê Mao chia sẻ, chỉ trong 1 tiết học, nhưng các bạn nhỏ đã khám phá và học hỏi nhiều điều ý nghĩa. Các em hào hứng, tích cực và chủ động nói chuyện, phát biểu ý kiến dù tiết học bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước đó.

Theo cô Hương Giang, tiết học kết nối nằm trong kế hoạch đầu năm học của nhà trường. Giáo viên tiếng Anh xây dựng ít nhất 2 bài học kết nối với trường học nước ngoài. Cô Giang thông qua nhóm giáo viên tiếng Anh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã liên hệ với Trường công lập Maharaja Agarsain (Ấn Độ).

“Tôi trao đổi với giáo viên bên Ấn Độ, chuẩn bị nội dung bài học và cho một số bạn trong lớp 2 ngày để tìm hiểu, chuẩn bị bài thuyết trình. Với học sinh lớp 4C khi bắt đầu giờ học, cô giáo giới thiệu thì mới biết sẽ được học cùng các bạn Ấn Độ. Chính vì thế, các em vui, háo hức, cảm xúc tự nhiên. Phía trường học bên kia, giáo viên cũng chia sẻ rất hài lòng với tiết học và các bạn nhỏ Việt Nam”, cô Giang cho biết.

Trước đó, cô Hương Giang đã có tiết học tương tự cùng một trường tiểu học công lập của Hàn Quốc. Với trường này, kế hoạch dài hơi hơn và còn nhiều buổi học triển khai thời gian tới.

Học sinh Trường THCS Quế Phong (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) trải nghiệm làm tua bin gió tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Quế Phong (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) trải nghiệm làm tua bin gió tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Khai thác tối đa lợi thế công nghệ

Nguyễn Văn Phúc – học sinh lớp 7D là 2 trong hơn 40 học sinh của Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) tham gia chương trình Tiếng Anh tăng cường do nhà trường phối hợp với một trung tâm Anh ngữ tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Phúc và các bạn được học, tương tác với giáo viên nước ngoài (thầy Lohan Puren – người Nam Phi) nhưng không phải đi đâu xa mà ở tại trường, trong phòng học quen thuộc hằng ngày. Còn thầy giáo của các em ở nửa bên kia Trái đất… gặp gỡ học sinh qua phương thức online.

Tuy cách trở nửa vòng Trái đất, nhưng những giờ học online vẫn hào hứng, hiệu quả. Sau câu trả lời đúng, thầy giáo lại động viên bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh khiến các em thích thú, vui vẻ.

Được học tiếng Anh với thầy giáo nước ngoài là ước mơ mà cậu học trò nông thôn chưa từng nghĩ tới, nhất là trong hoàn cảnh bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình khó khăn. Đặc biệt, với lớp học trực tuyến nhà trường tổ chức, em chỉ phải đóng mức học phí nhỏ, những bạn hộ nghèo còn được miễn.

Học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thực hành gấp quần áo từ dụng cụ tự thiết kế qua bài học STEM. Ảnh: Hà Nguyên

Học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thực hành gấp quần áo từ dụng cụ tự thiết kế qua bài học STEM. Ảnh: Hà Nguyên

Đây là năm thứ 4 Trường THCS Lý Nhật Quang tổ chức chương trình Tiếng Anh tăng cường. Hiện khóa học sinh lớp 9 đã hoàn thành mục tiêu, cam kết đầu ra để tập trung việc dạy học – chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10. Các khối lớp khác vẫn tiếp tục triển khai.

Chương trình tăng cường gồm liên kết với một trung tâm Anh ngữ trên địa bàn, giáo viên của trung tâm trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó là việc kết nối học trực tuyến với giáo viên nước ngoài qua trung tâm khác tại Hà Nội hỗ trợ. Mô hình lớp học không biên giới, học sinh có nhiều cơ hội học với giáo viên ngoại quốc, bản ngữ mà không phải đi lại, di chuyển xa, tiết kiệm chi phí.

Để chuẩn bị cho lớp học này, trung tâm hỗ trợ nhà trường phòng học trực tuyến, máy tính bảng tương tác cho từng học sinh, phần mềm cung cấp tài liệu, hệ thống bài tập và chấm điểm để đánh giá kết quả học tập, giúp nâng cao năng lực tự học. Trong giờ học, giáo viên nhà trường trực tiếp đứng lớp để hỗ trợ kết nối và quan sát, đánh giá kết quả học sinh.

Cô Trần Thị Kim Anh - giáo viên Tiếng Anh Trường THCS Lý Nhật Quang cho biết: “Các nội dung tăng cường tiếng Anh của nhà trường có nhiều ưu điểm. Về phía học sinh được tiếp cận với giáo viên có năng lực, kinh nghiệm, phương pháp dạy học tốt.

Qua đó, giúp các em cải thiện khả năng giao tiếp, rèn kỹ năng phát âm, nghe, nói và góp phần khắc phục những hạn chế trong học tiếng Anh của học sinh nông thôn. Với giáo viên, chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp nước ngoài về nội dung, phương pháp dạy học cũng như cách tương tác với học sinh sao cho hiệu quả, sinh động”.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam với các bạn Ấn Độ. Ảnh: Hồ Lài

Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam với các bạn Ấn Độ. Ảnh: Hồ Lài

Học đi đôi với hành

Với chủ đề “Dụng cụ gấp áo”, học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa có tiết học STEM đầy thú vị để ôn và vận dụng kiến thức các hình phẳng. Từ kiến thức đã học kết hợp với nguyên vật liệu sẵn có như: Bìa carton, băng keo, kéo, giấy màu, hồ dán… các nhóm cùng nhau thử tài lắp ghép, xếp hình và trang trí sản phẩm để tạo ra những “Dụng cụ gấp áo” thật xinh xắn và đáng yêu. Cuối tiết học, các em được tham gia trải nghiệm thú vị là dùng chính “Dụng cụ gấp áo” nhóm mình tạo ra để gấp nhanh, gọn, đều đẹp những chiếc áo của từng thành viên trong nhóm qua trò chơi “Tiếp sức”.

Nhìn gương mặt rạng rỡ, tươi vui, hứng khởi của các em trong hoạt động học tập và nhất là được tự tay gấp áo từ sản phẩm nhóm tạo ra cho thấy sự thành công của tiết học; hiệu quả mà giáo dục STEM mang lại cho học sinh - tạo điều kiện tốt để phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Tương tự, hơn 300 học sinh các trường THPT tại Đà Nẵng và một số học sinh THCS trường vùng khó khăn huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã có cơ hội trải nghiệm tiết học STEM tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng). Với 4 chủ đề: Tái chế giấy; Tái chế nhựa; Năng lượng tái tạo (gió); Dấu chân nước (water footprint), học sinh có cơ hội tìm hiểu các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua bài học.

Học sinh Trường THCS Quế Phong (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã khám phá kiến thức thú vị về tua bin gió, nguyên lý hoạt động và tầm quan trọng của năng lượng gió.

Các em tham gia vào việc thiết kế, lắp ráp và tối ưu hóa mô hình tua bin gió nhỏ để làm sáng đèn LED, qua đó hiểu rõ hơn về ứng dụng thực tế của năng lượng tái tạo. Những trải nghiệm thú vị từ việc tự thiết kế, lắp ráp mô hình tua bin gió; cách thao tác các loại dụng cụ tại Không gian sáng chế - VNUK là hình thức trải nghiệm để hướng nghiệp. Học sinh sẽ có những những ý niệm ban đầu về nghề nghiệp trong tương lai, biết được mình phù hợp với lĩnh vực nào.

Lần đầu tiên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền (TP Đà Nẵng) tìm hiểu về thực trạng nước nhiễm mặn trên địa bàn. Từ thí nghiệm hóa học để tìm hiểu sâu hơn khái niệm tài nguyên nước, nước ảo (virtual water) và dấu chân nước (water footprint) áp dụng vào thực hành truyền thông nhận thức cộng đồng.

Nguyễn Sơn – học sinh Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: “Lần đầu tiên, em biết cách tính ‘dấu chân nước’ để biết lượng nước tiêu thụ ở mỗi hoạt động của con người. Nước dùng trong nhà vệ sinh hơn 40 lít; dùng trong thời trang còn nhanh hơn; để sản xuất 1 chiếc áo cần 2.700 lít nước… Đây là những con số giật mình. Em có ý thức sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm hơn sau buổi học trải nghiệm tại VNUK”.

Cùng với triển khai chương trình – sách giáo khoa mới, các trường học đang phát triển giờ học ngoài thiên nhiên, lớp học không vách ngăn, bục giảng, khuyến khích gắn học với hành… Đồng thời, thông qua hoạt động học tập sẽ tạo cho học sinh sự chủ động học tập, hình thành kỹ năng xã hội, kỹ năng mềm.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay, để tổ chức một tiết học trong không gian mở ngoài lớp học truyền thống, đòi hỏi giáo viên có khả năng bao quát tốt, cách tổ chức chặt chẽ và đặc biệt không quá ôm đồm.

Đơn cử như không thể sử dụng quá nhiều tranh ảnh mà phải tận dụng vật dụng xung quanh làm dụng cụ trực quan. Ví như, với giờ học văn hóa giao thông, giáo viên có thể linh hoạt sử dụng chậu cây cảnh “làm” bùng binh, băng keo dán để phân biệt ngã tư, vỉa hè…; phải có quy ước chặt chẽ thời gian mỗi hoạt động để không “cháy” giáo án…

Với tiết học được tổ chức bên ngoài lớp học, theo cô Thu Nguyệt, học sinh dễ dàng làm việc nhóm và có điều kiện để tương tác với nhiều bạn khác mà với không gian ở lớp học khó có thể thực hiện. Để hỗ trợ giáo viên trong các tiết học bên ngoài lớp học, trường cần cung cấp những điều kiện tối thiểu như bảng đẩy, bàn ghế rời, loa, mic, giá vẽ…

Tùy theo điều kiện thực tế các trường để tăng cường hoạt động ngoại khóa cũng như giờ học thực địa, thực nghiệm. Các chương trình lớp học ngoài trời giúp học sinh gần gũi thiên nhiên, chú trọng rèn luyện một số kỹ năng như thể chất, xã hội, tự phục vụ, bảo vệ bản thân… Đặc biệt, các em có cơ hội tốt để vận dụng kiến thức từ bài học vào cuộc sống. - Bà Lê Thị Bích Thuận (Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.