Đổi mới sáng tạo phù hợp xu thế quốc tế và mục tiêu Giáo dục

GD&TĐ - Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cần được kế thừa, phát huy và bổ sung, bảo đảm phù hợp với xu thế thế giới và mục tiêu GD.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Ông Lê Tuấn Tứ (đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa): Gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW

Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được phát động từ năm 2016. Những năm qua, chúng ta không thể phủ nhận thành quả đạt được từ phong trào này. Tôi ấn tượng với chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng có nhiều chuyển biến.

Cụ thể, nội dung giảng dạy và kiến thức của học sinh phổ thông tiến bộ, toàn diện hơn và tiếp cận với phương pháp học tập mới. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ và tin học… không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giữa chừng giảm đáng kể.

Ông Lê Tuấn Tứ.

Ông Lê Tuấn Tứ.

Nhiều năm trực tiếp làm quản lý ngành Giáo dục của địa phương và qua theo dõi, tôi nhận thấy, thời gian qua, không ít cơ sở giáo dục đã đổi mới sinh hoạt chuyên môn và xây dựng kế hoạch nhà trường đáp ứng yêu cầu thực tiễn Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, một trong những điểm nổi bật đáng được hoan nghênh là, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn ngành Giáo dục đã chủ động thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”; ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II năm học 2019 - 2020 để các địa phương thực hiện.

Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến, dịch bệnh, áp dụng sinh động, hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Qua đó, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy, cô giáo được nâng lên rõ rệt. Trong thời gian dịch Covid-19, gần 80% học sinh Việt Nam tiếp cận các hình thức dạy học trực tuyến.

Theo sát từng bước đi của ngành Giáo dục trong suốt thời gian dài tôi nhận thấy, đâu đó việc triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” vẫn còn hình thức, chiếu lệ và làm theo kiểu “trả bài”… Vì thế, tôi mong mỗi nhà trường nói riêng, ngành Giáo dục nói chung nhìn nhận thấu đáo về ý nghĩa nhân văn của phong trào này để khắc phục hạn chế. Bởi suy cho cùng, chúng ta làm tất cả vì học sinh và vì nền giáo dục của nước nhà.

Tôi cũng mong ngành Giáo dục tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại trong giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 chất lượng giáo dục, đào tạo có chuyển biến rõ nét.

Theo đó, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập cần tiếp tục gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các cơ sở giáo dục cũng cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện; đổi mới trong dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá; đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập…

Bà Châu Quỳnh Dao (Đoàn đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Kiên Giang): Đi vào thực chất

Bà Châu Quỳnh Dao.

Bà Châu Quỳnh Dao.

Là người làm trong ngành Giáo dục, tôi nhận thấy phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” đã, đang có sức lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu ứng tích cực.

Đơn cử như Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang, thời gian qua, các thế hệ thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực, cố gắng thi đua dạy tốt, học tốt. Hằng năm, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt luôn đạt 100%, số học sinh lên lớp đạt 99%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% nhiều năm liền và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng từ 80% trở lên.

Nhà trường đã tăng cường thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh. Thực hiện hiệu quả việc đổi mới hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Hiện, cơ sở vật chất của nhà trường được trang bị khá đầy đủ, đảm bảo phục vụ cho công tác dạy và học, nhất là nhu cầu sinh hoạt ăn ở nội trú của học sinh.

Thời gian tới, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy - học” cần tiếp tục phát huy và khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.

Với trường nội trú, các chương trình, phong trào thi đua cần gắn với phát triển kỹ năng, giúp các em tự tin trong học tập và giao tiếp. Theo đó, các trường có thể xây dựng một số mô hình theo hướng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh nội trú; mô hình “khơi nguồn khởi nghiệp, phát huy tinh thần tự lực, tự chủ vượt khó học tập”, đổi mới dạy tiếng dân tộc thiểu số và giáo dục địa phương.

Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, ban hành, bổ sung chế độ chính sách cho nhân viên công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú. Đẩy mạnh dân chủ trong nhà trường, tạo nên sự đoàn kết trong tập thể.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa Hà Nội): Cần có “kiềng ba chân”

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh.

Để đổi mới sáng tạo trong dạy - học, mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo cần có chiến lược riêng dựa trên tầm nhìn, thế mạnh của nhà trường. Bất cứ đơn vị nào cũng phải sẵn sàng giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên trở thành công dân toàn cầu.

Muốn vậy, người học phải được giáo dục về toàn cầu, đồng thời cung cấp công cụ về số hóa. Các trường cần thiết lập quan hệ đối tác, tạo ra mạng lưới trường đại học để trao đổi tri thức, chia sẻ chương trình, giáo trình...

Để giảm bớt khoảng trống giữa những gì trường dạy cho học sinh, sinh viên và xã hội đòi hỏi, cần có kiềng ba chân, cụ thể là: Học thuật (chương trình, phương pháp) - thực tiễn - nghiên cứu.

Mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trong ngành phải là tấm gương về đạo đức, tự học tập, rèn luyện; có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giáo dục, giảng dạy. Từ đó “truyền lửa” cho học sinh chủ động, tích cực trong học tập và rèn luyện. - Ông Lê Tuấn Tứ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ