Đổi mới quản trị nhà trường - yếu tố quan trọng trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Đổi mới quản trị trong nhà trường là xu thế phát triển quan trọng. Đây cũng là biện pháp quan trọng để thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là những chia sẻ của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo tại Hội thảo quốc tế “Quản trị trong nhà trường phổ thông” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Đổi mới quản trị nhà trường - yếu tố quan trọng trong đổi mới giáo dục

Kinh nghiệm quản trị trong nhà trường tự chủ

Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 791 khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động, sáng tạo trong phát triển chương trình dạy và học. Đây được coi là những vấn đề mấu chốt để nâng cao năng lực chủ động của các trường, vốn được xác định là yếu tố quan trọng giúp thực hiện thành công chương trình, sách giáo khoa mới.

Trong lá phiếu khảo sát được gửi đến từng người, các hiệu trưởng đều cho rằng tự chủ là chính sách cần thiết cho sự phát triển của trường học trong giai đoạn đổi mới; có tính khả thi, phù hợp với việc phát triển của xã hội. Nhiều hiệu trưởng đánh giá đó còn là một trong những chính sách quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, tự chủ tạo áp lực và động lực cho mỗi cán bộ giáo viên, mỗi nhà trường thay đổi để phát triển. “Nó là chính sách khả thi của đổi mới nhưng cần được thực hiện đúng nghĩa”.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - trường công lập tự chủ chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội chia sẻ: "Mỗi năm chúng tôi lấy ý kiến học sinh và cán bộ giáo viên 2 lần, để tham khảo ý kiến về những gì đã làm được hay chưa. Đối với học sinh, sau mỗi học kì, nhà trường đều lấy ý kiến đánh giá của học sinh và phụ huynh về sự hài lòng đối với nhà trường. Về chương trình, nhà trường cũng không áp dụng bất biến mà có thay đổi cho phù hợp".

Vai trò quan trọng của hiệu trưởng

Quan điểm mới về quản lý nhà trường là quan điểm hiện đại và phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và phát triển giáo dục trong thời đại hội nhập, kinh tế tri thức và phát triển KH&CN. Vậy đâu là cơ chế để thu hút nhân tài vào ngành nếu không phải là sự trao quyền tự chủ để những người lãnh đạo được chịu trách nhiệm.

Mô hình mới thể hiện rõ hơn các vai trò của hiệu trưởng là tập trung vào lãnh đạo để phát triển nhà trường, quan tâm đến tầm nhìn sứ mạng, tạo giá trị, xây dựng và thực hiện các chương trình hành động phát triển nhà trường, phải tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình về các vấn đề cơ bản: Xây dựng các mục tiêu kế hoạch, tổ chức và nhân sự, dạy học và giáo dục, tài chính và tài sản, huy động cộng đồng với luồng thông tin đa chiều, nhiều luồng.

Chia sẻ kinh nghiệm của trường mình về công tác quản lý và hướng tới môi trường giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học, ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Victory cho biết, trường ông hiện xây dựng chương trình nhà trường một cách mạnh dạn trên khung chương trình của Bộ và cập nhật, bổ sung những yếu tố tích cực; mục đích để đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo nhu cầu của xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận: “Cách tổ chức dạy học cứ học trò ngồi thầy giảng thì rất khó có thể phát triển năng lực cho các em. Nhưng khi được tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ học tập, cùng với nội dung đó nhưng học sinh được làm việc với nhau, giao tiếp với nhau và với thầy cô, qua đó phát triển được năng lực”.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, Học viện Quản lý Giáo dục, hiện nay quản lý trường học có những thay đổi cơ bản, đó là: Tự chủ và chịu trách nhiệm; Học tập và giảng dạy là những mục tiêu chính của hoạt động QLGD; Phong cách lãnh đạo dân chủ, công bằng và có trách nhiệm; Chia sẻ quản lý; Trường học là nơi để học tập.

Những thay đổi trên đòi hỏi người hiệu trưởng cần có những năng lực mới để đáp ứng yêu cầu: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả; Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục; Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các nhà trường; Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ