(GD&TĐ) - Kết luận của Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp bách của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta trong giai đoạn hiện nay…”. Để làm rõ vấn đề này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh việc đổi mới quản lý giáo dục trong xu thế phát triển của thời đại.
Thưa ông, ông có thể cho biết, để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, chúng ta phải chú trọng đến những khâu nào?
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến |
Vấn đề này đã được bàn thảo nhiều. Cụm từ “căn bản, toàn diện” đã nói rõ rằng chúng ta phải đổi mới từ điểm xuất phát là tư duy giáo dục, mục tiêu giáo dục đến những thành tố tạo nên giáo dục bao gồm nhà trường, nhà giáo, chương trình giáo dục, quản lý giáo dục, cơ chế tài chính, môi trường giáo dục v.v... Như thế đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân sẽ là một giai đoạn phát triển mới về chất trong tiến trình đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, dù tiếp cận ở bất cứ góc độ nào, giải pháp đổi mới quản lý giáo dục (QLGD) luôn được coi là khâu đột phá. Nghĩa là tập trung giải quyết tốt việc đổi mới QLGD sẽ tạo cú hích làm chuyển động toàn hệ thống, phát huy hiệu quả đồng bộ của hệ thống giải pháp, tạo thế và lực để giáo dục nước ta tiến lên, tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Giải pháp đổi mới quản lý giáo dục có phải là vấn đề mới không? Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Thực ra, ý tưởng này không mới. Vai trò đột phá của đổi mới QLGD đã được nhấn mạnh từ khi bắt đầu triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, tức là cách đây hơn 10 năm, có điều nó chưa được làm rõ. Đã đến lúc cần phát biểu thật rõ bài toán đổi mới QLGD trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước ta.
Điểm yếu căn bản trong đổi mới giáo dục thời gian qua là sự chắp vá, chúng ta sẽ gọi đó là đổi mới giáo dục 1.0 với các phiên bản 1.1, 1.2, 1.3... Điểm yếu đó đã dẫn tới sự luẩn quẩn trong đổi mới và vì vậy cần phải thay thế bằng đổi mới căn bản và toàn diện, tức là đổi mới giáo dục 2.0, với một mô hình phát triển mới, trong một tiếp cận tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Với tiếp cận toàn hệ thống thì đổi mới quản lý nhà nước (QLGD) cũng phải là một tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện, liên quan đến mọi bộ phận của hệ thống QLGD, bao gồm: Đổi mới tư duy quản lý, đổi mới công cụ QLNN, đổi mới cơ chế QLNN, hoàn thiện bộ máy QLNN và đội ngũ cán bộ quản lý.
Trong đó, quan trọng nhất là đổi mới tư duy quản lý. Cụ thể chúng ta cần phải tiếp tục củng cố, phát triển tư duy quản lý theo pháp luật đã và đang được triển khai nhưng có sự đổi mới mạnh mẽ về định hướng, từ chỉ huy và kiểm soát sang trao quyền và giám sát. Nếu trước kia, QLNN về giáo dục đặt trọng tâm vào chủ thể quản lý thì giờ đây trọng tâm là đối tượng quản lý, cụ thể là nhà trường, người dạy, người học, lấy sự thành công của nhà trường, sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng và hiệu quả quản lý.
Giáo dục hiện nay lấy nhu cầu người học làm trung tâm. Ảnh: T.Thanh |
Vấn đề quan trọng là chuyển từ đổi mới tư duy quản lý sang hành động quản lý. Ông có thể cho biết định hướng của bước chuyển này?
Đó là định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Các định hướng này xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục 2.0, từ nhà trường đến cơ quan quản lý giáo dục, từ các điều kiện bảo đảm chất lượng đến thể chế giáo dục, cơ chế đánh giá, từ đổi mới chương trình giáo dục đến đổi mới QLNN về giáo dục.
Trong đó chuẩn hóa là định hướng nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng QLNN về giáo dục. Đó là chuẩn hóa về công cụ quản lý, bộ máy quản lý và người quản lý. Việc làm rõ vai trò của Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, việc hoàn thiện cơ chế phân cấp và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục, cùng việc hoàn thiện bộ máy quản lý và người quản lý theo hướng chuyên nghiệp hóa là những nội dung quản lý cần được tiến tới chuẩn hóa về mặt thể chế.
Về hiện đại hóa, thực tế cho thấy thể chế hiện đại đòi hỏi cơ chế trao quyền và giám sát phải đi liền với cơ chế trách nhiệm giải trình. Cơ chế giải trình là cơ chế để Nhà nước vẫn giữ được quyền kiểm soát của mình khi giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục. Cơ chế này bao gồm ba thành phần: giải trình với cơ quan quản lý, giải trình với công chúng, giải trình nội bộ. Với việc giao quyền tự chủ thì nội dung và cách thức giải trình với cơ quan quản lý thay đổi về cơ bản. Nội dung giải trình tập trung vào chất lượng đào tạo và sự cam kết với Nhà nước về kết quả đầu ra. Cách thức giải trình chủ yếu dựa vào kết quả đánh giá khách quan của cơ quan kiểm toán và cơ quan kiểm định chất lượng.
Bức tranh XHH giáo dục nước ta đã trở nên rất phức tạp và sẽ ngày càng phức tạp trong bước chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng các đơn vị này có quyền chủ động và được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia thị trường. Vì thế, về mặt QLNN, để có những quy định pháp lý phù hợp đối với các loại hình cơ sở giáo dục khác nhau hình thành từ quá trình XHH, cần tiếp cận theo quan điểm đối tác công-tư, trong đó khu vực công và khu vực tư là đối tác bình đẳng của nhau trong phát triển giáo dục.
Đổi mới QLNN theo hướng dân chủ hóa nghĩa là xây dựng khung pháp lý, cùng cơ chế và chính sách, để giáo dục trở thành lĩnh vực mà bất kỳ ai cũng có quyền và cơ hội tiếp cận. Các cơ sở giáo dục phải được đặt trong bối cảnh xây dựng hệ thống giáo dục mở, trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được dỡ bỏ. Đó là hệ thống giáo dục tập trung vào cầu, lấy nhu cầu người học làm trung tâm. Sự thay đổi này về tiếp cận cho phép mở rộng không gian giáo dục, khuyến khích các hình thức học tập đa dạng, phát huy các kho tài nguyên giáo dục mở, đẩy mạnh giáo dục trực tuyến, đặc biệt là các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC), tạo điều kiện cho mọi người được đến với giáo dục có chất lượng với chi phí thấp.
Vậy trong vấn đề về hội nhập quốc tế, chúng ta phải tính tới những khả năng nào?
Đổi mới QLNN về giáo dục, ở bất kỳ nước nào, luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của công tác quản lý. Đó là vì để thực sự là công cụ hữu hiệu mở đường cho sự phát triển đúng hướng của giáo dục, QLNN về giáo dục phải có chuyển động đón đầu, phù hợp với chuyển động của thực tế giáo dục. Ở nước ta, hiển nhiên đang có khoảng cách lớn giữa QLNN về giáo dục với thực tế phát triển giáo dục. Nguyên nhân thường được giải thích là do chúng ta mới ở giai đoạn đầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cần có thời gian để xây dựng và ban hành các văn bản luật đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của thực tế giáo dục.
Tuy nhiên, có một nguyên nhân nữa, đến nay vẫn chưa được nhận thức rõ ràng và quan tâm thấu đáo. Đó là sự hình thành của một thực tế giáo dục mới do tác động của quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục. Các biểu hiện của thực tế này khá đa dạng và phức tạp, nhưng các đặc trưng cốt lõi của nó quy về hai hoạt động đối lập nhau và bổ sung cho nhau. Một là thương mại dịch vụ giáo dục nhằm góp phần phát triển giáo dục theo cơ chế thương mại.
Hai là hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế về giáo dục nhằm xây dựng không gian giáo dục chung theo cơ chế phi thương mại. Thực tế mới này đòi hỏi thể chế giáo dục trong QLNN phải được bổ sung và hoàn chỉnh. Vì vậy, trong việc đổi mới QLNN về giáo dục nước ta, bên cạnh định hướng quen thuộc về việc xây dựng và ban hành các văn bản luật còn thiếu, cần nhận dạng, nghiên cứu và đánh giá thực tế giáo dục mới một cách thấu đáo để có sự bổ sung kịp thời trong giải pháp và lộ trình hoàn thiện thể chế, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới nảy sinh từ quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục.
Nói cách khác, với chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, cơ chế quản lý theo nguyên tắc trao quyền và giám sát cần được cụ thể hóa một cách tương ứng để một mặt có sự ưu tiên trong hợp tác quốc tế theo cơ chế phi thương mại, mặt khác đảm bảo thực hiện tốt các cam kết về GATS trong giáo dục trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng giáo dục và bảo vệ người học.
Xin cảm ơn ông!
Minh Châu