Đây là một hoạt động chào mừng 50 năm thành lập các khoa tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức của nhà trường; mục đích nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà giáo có cơ hội phổ biến kết quả nghiên cứu và thành quả sáng tạo của cá nhân mình; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như phản biện về các vấn đề lý thuyết và thực tiễn trong dạy và học ngoại ngữ trên thế giới, tại Việt Nam, cũng như ở từng trường đại học hay từng cơ sở đào tạo ngoại ngữ.
Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng từ hơn 40 nhà khoa học, nhà giáo của nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp cả nước với 80 tham luận khoa học.
Theo thạc sĩ Đoàn Quang Trung - Quyền Trưởng khoa tiếng Anh – với nội dung chủ yếu là đổi mới phương pháp và kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ; đổi mới phương pháp và kinh nghiệm trong đánh giá ngoại ngữ, hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng từ hơn 40 nhà khoa học, nhà giáo của nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp cả nước với 80 tham luận khoa học.
Thạc sĩ Đoàn Quang Trung cũng cho biết: Trong lĩnh vực dạy học ngoại ngữ, để việc dạy và học trở nên hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học, của xã hội và phù hợp với môi trường dạy – học cụ thể của mình, các nhà khoa học, nhà giáo đã luôn không ngừng nỗ lực để đổi mới.
Chính vì vậy, theo thời gian, chúng ta đã chứng kiến nhiều cách tiếp cận và phương pháp dạy học ngoại ngữ khác nhau, tiêu biểu như thời kỳ đầu thì có phương pháp Ngữ pháp – dịch (Grammar – Translation), rồi đến phương pháp Trực tiếp (Direct Method), phương pháp Nghe – Nói (Audiolingual Method), phương pháp Phản xạ toàn thân (Total Physical Response), phương pháp Tiếp cận tự nhiên (Natural Approach), hay gần đây thì có phương pháp Tiếp cận giao tiếp (Communicative Approach)…
Do đó, có thể nói các lý thuyết và phương pháp dạy học ngoại ngữ luôn không ngừng thay đổi. Điều này diễn ra tự nhiên nhưng rất cần thiết trong lĩnh vực dạy học ngoại ngữ.
PGS.TSKH Nguyễn Đình Luận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Cho rằng mỗi nhà giáo lại có cách tiếp cận giảng dạy của riêng mình, theo thạc sĩ Đoàn Quang Trung, mỗi người đều có sự sáng tạo sư phạm riêng. Do vậy, dù có thể theo đuổi cùng một lý thuyết, cùng một phương pháp, nhưng việc dạy học thực tế của mỗi nhà giáo lại không một ai giống ai.
Do đó, việc đổi mới phương pháp không chỉ dừng lại ở phạm vi lí thuyết, mà việc đúc rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm dạy học thực tế và cụ thể ở trên lớp của mỗi nhà giáo cũng vô cùng quan trọng để giúp chúng ta dạy học hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, PGS.TSKH Nguyễn Đình Luận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – đã nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết ngành Ngoại ngữ phải thay đổi nội dung, cách tiếp cận, kể cả biên soạn sách, cách tiếp cận về phương pháp,… trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, đặc biệt là công nghệ. “Nếu không thay đổi, nội dung giảng dạy của chúng ta sẽ rất nhanh chóng bị lạc hậu” - PGS.TSKH Nguyễn Đình Luận nhấn mạnh.