Đổi mới phương pháp truyền tải giảng dạy phòng, chống tham nhũng

GD&TĐ - Đến nay, việc triển khai giảng dạy phòng chống tham nhũng khá đa dạng về nội dung, hình thức. 

Học sinh Hà Nội hào hứng tham gia các hoạt động tìm hiểu kiến thức pháp luật, trong đó có nội dung phòng chống tham nhũng. Ảnh: Vân Anh
Học sinh Hà Nội hào hứng tham gia các hoạt động tìm hiểu kiến thức pháp luật, trong đó có nội dung phòng chống tham nhũng. Ảnh: Vân Anh

Phương pháp truyền tải cũng linh hoạt thông qua các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và cả những trò chơi, sân khấu hóa.

Học trò hào hứng

Từ năm học 2013 - 2014, Hà Nội triển khai đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy trong tất cả các trường THPT. Qua 10 năm triển khai thực hiện đạt được một số kết quả bước đầu như: Xây dựng và triển khai mô hình điểm tại 2 trường THPT; nội dung phòng, chống tham nhũng được 100% trường THPT tích hợp, lồng ghép vào môn Giáo dục công dân với thời lượng 6 tiết.

Cùng với nội dung chính khóa, các trường cũng chú trọng ngoại khóa như: Báo cáo chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lồng ghép nội PCTN trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm; xây dựng chuyên mục giáo dục về PCTN trên trang thông tin điện tử của trường.

Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì, Hà Nội) nhiều năm qua đã có những cách làm hay giúp học sinh hiểu và nhận thức đầy đủ về các bài học về PCTN trong chương trình học chính khóa và ngoại khóa. Nhờ đổi mới trong phương pháp dạy học, những kiến thức tưởng như khô khan trở nên hấp dẫn và gần gũi với cuộc sống.

Trong giờ học, cô giáo kể và cho học sinh xem video về những vụ án tham nhũng được xét xử gần đây. Sau khi xem video, học sinh hỏi cô thế nào là tham nhũng?, hậu quả của tham nhũng là gì?, cần làm gì để phòng chống tham nhũng?. Ngoài dạy trên lớp, cô giáo tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa để tìm hiểu về các kiến thức này.

Tuyên truyền về phòng chống tham nhũng trong nhà trường. Ảnh minh họa/ INT

Tuyên truyền về phòng chống tham nhũng trong nhà trường. Ảnh minh họa/ INT

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo - dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: Để thực hiện tốt nội dung phòng chống tham nhũng, nhà trường đã có nhiều cách làm hiệu quả. Qua các tiết dự giờ và cuộc thi tìm hiểu về PCTN, nhận thức của học sinh, giáo viên đã được nâng cao.

Các giáo viên giảng dạy thường xuyên tích hợp trong bộ môn Giáo dục công dân, cụ thể trong chương trình ngoại khóa đưa vào 2 tiết ở ba khối 10, 11, 12. Đồng thời tăng các hoạt động ngoại khóa như tổ chức các hội thi tiểu phẩm về phòng chống tham nhũng, hoặc đưa những câu hỏi tuyên truyền về phòng chống tham nhũng trong các bài kiểm tra 15 phút hoặc 1 tiết.

Tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội), từ năm 2012, nhà trường đã tổ chức tập huấn, giảng dạy lồng ghép về phòng chống tham nhũng, tích hợp trong chương trình môn Giáo dục công dân cho giáo viên. Qua đó đề ra cách thức giảng dạy nội dung PCTN tại trường. Thực tế trong 10 năm triển khai, học sinh rất hứng thú khi tiếp thu bài học.

Thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: Nhà trường đã thực hiện lồng ghép nội dung này vào các bài giảng theo đúng hướng dẫn, kế hoạch bảo đảm đủ thời lượng theo quy định. Ngoài ra, ban giám hiệu còn chỉ đạo tổ chuyên môn lồng ghép vào các hoạt động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc làm này đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên được tiếp cận với nội dung giảng dạy mới, hiểu thêm về PCTN, các em học sinh có hiểu biết về hậu quả của tham nhũng đối với xã hội, nhận biết những hành vi, dấu hiệu, hình thức tham nhũng phổ biến hiện nay.

Em Nguyễn Ngọc Trâm - học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ: Từ khi vào trường em được tiếp cận với nhiều nội dung, kiến thức về pháp luật, trong đó có nội dung về PCTN. Qua những buổi học, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp đã giúp em và các bạn hiểu hơn về tham nhũng, từ đó ý thức hơn về trách nhiệm đối với PCTN.

Giờ học môn Giáo dục Công dân tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng của cô trò Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Giờ học môn Giáo dục Công dân tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng của cô trò Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Tháo gỡ khó khăn

Việc đưa nội dung PCTN vào trường học cần thiết và hữu ích học sinh nhận thức và có thái độ đúng về vấn đề, từ đó trở thành công dân có nhân cách tốt, cán bộ tương lai chuẩn mực của đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai học tập nội dung PCTN trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết giáo viên dạy môn Giáo dục công dân các trường không được đào tạo chuyên sâu về pháp luật nên giảng dạy còn hạn chế. Giáo viên mới tiếp cận nội dung tích hợp PCTN nên chưa tìm được phương pháp, cách thức tổ chức giờ dạy hiệu quả nhất. Ở mỗi trường THPT cơ bản chỉ có 1 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân nên không có điều kiện trao đổi chuyên môn khi gặp vấn đề khó.

Cô Nguyễn Thị Kim Nhung, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì cho rằng, tài liệu tham khảo về nội dung PCTN cho công tác giảng dạy còn ít, giáo viên không có nhiều cơ hội tập huấn do vậy phải tự tìm hiểu kiến thức để truyền đạt cho học sinh, đây lại là những kiến thức khó, nên quá trình truyền thụ kiến thức chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Bên cạnh đó, thời lượng 45 phút/tiết học để truyền đạt nội dung PCTN ít, giáo viên chỉ giới thiệu sơ lược, giúp học sinh nắm được khái niệm, những biểu hiện của tham nhũng, không có thời gian đi sâu phân tích về công tác này, những ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận định, nhiều giáo viên chưa thật sự am hiểu về pháp luật. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu bài giảng, giáo viên phải tự tìm tài liệu, cập nhật thông tin mới thường xuyên, liên tục qua nhiều kênh khác nhau.

Đặc biệt, nếu muốn bài giảng hấp dẫn, tránh khô khan khiến học sinh không chú tâm, giáo viên phải tích cực đưa vào những dẫn chứng sinh động, ví dụ thực tế. Nhưng nếu lồng ghép không khéo léo có thể làm cho học sinh hoang mang, có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng tại các nhà trường, Sở đã phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng chuyên đề “Đẩy mạnh công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố”. Đến nay, tất cả giáo viên các trường THPT được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Học sinh các trường THPT được tiếp cận kiến thức pháp luật về PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trang bị kiến thức cơ bản nhất về vấn đề, có những biểu hiện nhất định để có thể bày tỏ thái độ và cách giải quyết khi gặp vấn đề liên quan đến PCTN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...