Đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu chương trình mới

GD&TĐ - Theo đại diện các nhà trường, dạy học theo Chương trình SGK mới, chất lượng giáo viên và đổi mới phương pháp đóng vai trò rất quan trọng.

Trường Tiểu học Trung Văn là một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) về triển khai tốt Chương trình GDPT 2018 với lớp 1, 2 trong thời gian qua.
Trường Tiểu học Trung Văn là một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) về triển khai tốt Chương trình GDPT 2018 với lớp 1, 2 trong thời gian qua.

Chú trọng đào tạo đội ngũ

Bước vào năm học 2022-2023 với sự chuẩn bị kỹ càng, Trường Tiểu học Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) triển khai nhiều hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học. Cô Giang Thanh Thủy – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, công tác triển khai Chương trình sách giáo khoa mới 2018 với lớp 1, 2 và 3 được thực hiện theo đúng quy định.

Trong năm học trước, khó khăn nhất chính là vấn đề dịch bệnh. Nhà trường chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống để học sinh có nhiều hoạt động trải nghiệm trên lớp. Do thời gian học online dài nên phần trải nghiệm của học sinh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng vì chỉ nhìn nhìn qua màn hình nhỏ.

Cô Giang Thanh Thủy (thứ 2 từ phải sang) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Cô Giang Thanh Thủy (thứ 2 từ phải sang) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Năm học này, học sinh học trực tiếp từ đầu năm học nên công tác bồi dưỡng đội ngũ và kỹ năng công nghệ thông tin được tiến hành khẩn trương để sẵn sàng vào dạy chương trình mới. "Trường cũng có kế hoạch tập huấn và bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên để cập nhật kiến thức. Đội ngũ giáo viên phải hiểu rõ nội dung chương trình và có kỹ năng về tổ chức trải nghiệm cho học sinh vì vai trò của các thầy cô là vô cùng quan trọng", cô Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cô Thủy cho rằng để triển khai tốt Chương trình SGK mới rất cần có sự đồng thuận và phối hợp từ phía các bậc phụ huynh học sinh. Hàng năm nhà trường đều có buổi họp, cung cấp trang web để hướng dẫn phụ huynh cùng con sử dụng sách. Phải hiểu được chương trình để cùng hướng dẫn con khi học ở nhà. Nhiều phụ huynh rất sáng tạo, thiết kế các que tính, bộ đồ dùng cho con khi học Toán...

Trường vùng khó nỗ lực vượt khó

Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Thung Nai.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Thung Nai.

Năm học thứ 3 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Thung Nai (Cao Phong, Hòa Bình) thực hiện dạy học theo chương trình mới với lớp 3. Trong quá trình thực hiện chương trình SGK mới với lớp 1 và 2 ở hai năm học trước, nhà trường đã nỗ lực triển khai và đạt được một số kết quả nhất định.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn, thuận lợi của nhà trường là lãnh đạo địa phương tích cực trong công tác tuyên truyền về Chương trình GDPT 2018, nhờ đó và nhận được sự đồng thuận của nhân dân và phụ huynh. Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT huyện quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo sát sao công tác chuyên môn. Tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyên đề về thực hiện chương trình mới.

Cũng theo thầy Tuấn, hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện tổ chức cho đội ngũ giáo viên cốt cán đến trường thăm lớp dự giờ, hỗ trợ về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. 100% giáo viên được tiếp cận, tập huấn đầy đủ nội dung chương trình SGK, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Đa số học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Thung Nai là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đa số học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Thung Nai là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nội dung chương trình SGK có tính kế thừa và phát triển theo vòng xoáy đồng tâm, được phân chia theo từng chủ đề. Bộ sách có nội dung hay và phong phú, kênh hình đẹp, kênh chữ rõ ràng phù hợp với học sinh. Các chủ đề giáo dục gần gũi với học sinh nên việc tiếp thu kiến thức của các em khá nhanh. Cơ sở vật chất tương đối đầy đủ đảm bảo thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày. Toàn bộ học sinh nhà trường có đủ SGK.

Một trong những điểm khó khăn với thầy trò nhà trường là có 95% học sinh con em dân tộc thiểu số (Mường), nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến con trong việc học tập. Vốn tiếng Việt của học sinh dân tộc còn hạn chế, môi trường giao tiếp tiếng Việt ít, ngoại trừ trong nhà trường. Sau thời gian nghỉ hè, học trò còn quên kiến thức nhiều nên giáo viên phải mất thời gian ôn luyện, bổ sung.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Thung Nai vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Chi nhánh Xăng dầu Hòa Bình) tài trợ công trình lớp học và nhà ở bán trú khang trang, hiện đại.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Thung Nai vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Chi nhánh Xăng dầu Hòa Bình) tài trợ công trình lớp học và nhà ở bán trú khang trang, hiện đại.

Là trường vùng khó khăn, đội ngũ cán bộ giáo viên mỏng nên quá trình nghiên cứu nội dung các môn học và hoạt động giáo dục sách giáo khoa mất nhiều thời gian. Trình độ nhận thức của học sinh phân hóa không đồng đều nên việc phân chia thời lượng nội dung các bài học còn gặp khó khăn, giáo viên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu để lựa chọn nội dung phù hợp.

Ngoài ra, phòng học dạy tiếng Anh chưa có đầy đủ thiết bị chuyên dụng (mới chỉ có Tivi hoặc máy chiếu) và đang thiếu thiết bị nghe. Số máy tính trong phòng học bộ môn Tin học quá ít (có 10 máy) nên gặp nhiều khó khăn cho dạy môn Tin học lớp 3.

"Thiết bị dạy học của lớp 3 chưa được cấp, hiện nhà trường đang sử dụng các thiết bị của chương trình hiện hành để giảng dạy. Trong thời gian tới, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ các cấp cùng nhà hảo tâm để hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất phục vụ dạy học cho học sinh" - thầy Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ