Tháo gỡ tình huống phát sinh khi triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Việc triển khai chương trình SGK mới với lớp 10 có thể sẽ nảy sinh một số tình huống thực tế cần kịp thời tháo gỡ.

Giáo viên Trường Tiểu học Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An kiểm tra kiến thức cũ của học sinh trước khi bước vào năm học mới 2022-2023.
Giáo viên Trường Tiểu học Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An kiểm tra kiến thức cũ của học sinh trước khi bước vào năm học mới 2022-2023.

Ổn định dạy học chương trình SGK mới

Sau 2 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm học 2022-2023 được tựu trường đúng lịch khiến cô trò Trường Tiểu học Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) rất phấn khởi. Theo cô Võ Thị Hòa Bình – Hiệu trưởng nhà trường, mọi hoạt động trở lại bình thường, khối 1 cũng đã có tuần để làm quen với cô giáo, các bạn trong lớp cũng như quy định của trường tiểu học. Đối với dạy học chương trình GDPT 2018 đã đi vào ổn định, và tiếp tục lộ trình thay SGK đối với học sinh khối 3.

Khi bước vào năm học 2022-2023, bên cạnh dạy học chương trình chính khóa, nhà trường sẽ có kế hoạch phụ đạo kiến thức cũ. Nữ Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Việc củng cố kiến thức sẽ được lồng ghép vào các buổi chiều khi dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời dự kiến sẽ có thêm 1 buổi phụ đạo vào sáng thứ 7 hàng tuần. Bởi nếu mất nền tảng sẽ không tiếp thu và theo được kiến thức mới. Nhất là khối 2 và 3, độ tuổi này sau thời gian nghỉ hè các em dễ quên kiến thức cũ và cần được nhắc lại. Nhà trường cũng xác định đây sẽ là năm học vất vả và cô trò sẽ cùng cố gắng để đạt được hiệu quả, chất lượng giáo dục tốt nhất”.

Việc dạy học chương trình SGK mới ở Tiểu học và THCS tại Nghệ An đã từng bước ổn định, hiệu quả.

Việc dạy học chương trình SGK mới ở Tiểu học và THCS tại Nghệ An đã từng bước ổn định, hiệu quả.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Quyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Vinh) cho biết, kế thừa từ 2 năm học trước, khối 3 năm nay sẽ học bộ sách Cánh diều đối với Tiếng Việt và sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho các môn còn lại.

“Điều thuận lợi là năm nay khi các dãy phòng học mới hoàn thành đưa vào sử dụng, thì nhà trường đã đủ 55 phòng học/55 lớp, chấm dứt tình trạng phải học “chạy” nhiều năm qua do thiếu cơ sở vật chất. Các phòng học đều có đầy đủ trang thiết bị, tivi kết nối mạng Internet để khai thác tối đa các tài liệu học tập kể cả sách giáo khoa điện tử”, cô Nguyễn Thị Quyên nói.

Đối với các trường THCS, khi triển khai chương trình mới khó khăn nhất là về đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp, môn mới. Trong khi đào tạo đại học sư phạm của giáo trước đó là đơn môn. Cô Nguyễn Thị Hồng Minh là giáo viên Hóa học, được giao phụ trách dạy tích hợp Khoa học Tự nhiên cùng với 2 giáo viên khác của Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Khi mới đảm nhận môn tích này, cô Hồng Minh có nhiều trăn trở. Trước hết là môn Hóa học theo chương trình cũ chỉ bắt đầu dạy từ lớp 8, nhưng chương trình SGK mới lại triển khai từ năm lớp 6, học sinh có một số bỡ ngỡ nhất định.

Bên cạnh đó, việc phối hợp với 2 giáo viên Sinh học, Vật lý cũng như thống nhất trong kiểm tra, đánh giá còn nhiều vướng mắc. Đến năm học này, cô đã “quen việc” và thuận lợi hơn trong dạy học. Tuy nhiên, cô vẫn mong muốn sẽ được bồi dưỡng, đào tạo thêm về kỹ năng nghiệp vụ dạy tích hợp để đảm bảo dạy học chương trình SGK mới.

Tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 10

Sau khi tổ chức nhập học và triển khai đăng ký lớp tổ hợp theo chương trình GDPT 2018 cho khối 10, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhận được khá nhiều ý kiến của phụ huynh, học sinh muốn… đổi lớp. Ngoài xin đổi lớp trong cùng khối KHXH hoặc KHTN, cũng có những em muốn chuyển từ lớp định hướng tự nhiên sang xã hội và ngược lại.

Theo thầy Hồ Sỹ Nam Thắng – Hiệu trưởng nhà trường, đây là vấn đề phát sinh thường thấy đối với học sinh đầu cấp khi nhập học. Tuy nhiên, khác với những năm học trước, từ năm học 2022-2023 sẽ áp dụng chương trình GDPT 2018 và thay SGK lớp 10. Theo đó, ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh sẽ đăng ký vào các lớp định hướng KHTN hoặc KHXH với các môn lựa chọn tương ứng. Vì vậy, lớp học sẽ mang tính cố định và sẽ theo học sinh đến lớp 12. Trong khi độ tuổi học sinh lớp 10 còn chưa có định hướng rõ ràng và dễ thay đổi.

“Trước đó, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để thông tin về những thay đổi của khối 10 năm nay, tư vấn đăng ký lớp và mua sách giáo khoa tương ứng để chuẩn bị cho năm học mới. Đến nay, cơ bản học sinh đã ổn định lớp học. Về tỷ lệ lớp KHTN và KHXH trong trường cũng cân bằng, không chênh lệch quá nhiều. Việc sắp xếp lớp, ngoài điểm thi tuyển sinh lớp 10, nhà trường còn xem xét kết quả học bạ THCS của học sinh, nên tương đối chính xác và phù hợp”, thầy Nam Thắng cho hay.

Phụ huynh, học sinh khối 10 năm học 2022-2023 khi nhập học được hướng dẫn, tư vấn đăng ký lớp theo định hướng KHTN hoặc KHXH.

Phụ huynh, học sinh khối 10 năm học 2022-2023 khi nhập học được hướng dẫn, tư vấn đăng ký lớp theo định hướng KHTN hoặc KHXH.

Ngoài những phát sinh trong xếp lớp theo đăng ký và nguyện vọng của học sinh đã và đang được nhà giải quyết, thì công tác dạy học chương trình SGK mới lớp 10 tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1 đã sẵn sàng. Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng, cấp THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp, chương trình môn học, năm học được xây dựng chuyên sâu. Vì thế, đây lại là thuận lợi cho giáo viên trong dạy học khi học sinh đã có định hướng.

Tất nhiên, trong phân phối chương trình, sẽ có tình trạng không đồng đều và cố định số tiết cho giáo viên như các năm trước. Nhưng với giáo viên ít tiết, nhà trường sẽ bố trí phụ trách các lĩnh vực hoạt động trải nghiệm, dạy học chương trình địa phương… phù hợp với năng lực, chuyên môn.

Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng đã có sự thay đổi số lượng lớp KHTN, KHXH so với đăng ký với ban đầu. Sự thay đổi này diễn ra sau hội nghị phụ huynh khối 10 kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ, với thông tin, tư vấn, giải đáp kỹ lưỡng của của nhà trường liên quan đến chương trình lớp 10. Sau đó, phụ huynh, học sinh cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp. Đến nay, từ 9 lớp KHTN và 4 lớp KHXH khi mới đăng ký, thì cơ cấu khối 10 của trường đã thay đổi thành 7 lớp KHTN (khối A0, A1, B) và 6 lớp KHXH (khối C, D).

Theo thầy Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh, học sinh lớp 10 năm nay có những lúng túng, bỡ ngỡ là điều dễ hiểu. Bởi chương trình học, cơ cấu môn học thay đổi. Trong khi đó cách thức thi và xét tuyển ĐH dành cho các em sau 3 năm THPT hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể. Vì thế, sự tư vấn, định hướng của nhà trường mang tính chất dự báo và đón đầu. Bao gồm định hướng theo các tổ hợp môn xét tuyển ĐH và bài thi tổ hợp đánh giá năng lực.

Hiện, năm học 2022-2023, nhà trường tổ chức dạy học hoàn chỉnh các môn cơ bản bình thường. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh mới là trường hiện không có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật. Việc tuyển mới khó khăn, do trường đã đủ biên chế, chưa kể nguồn tuyển không có.

“Về vấn đề này, chúng tôi dự kiến nếu học sinh đăng ký, thì sẽ đưa vào chương trình tăng cường. Khi đó sẽ hợp đồng giáo viên ngoài nhưng học sinh phải chấp nhận đóng góp một chút kinh phí để học môn tăng cường này”, thầy Phan Trọng Đông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ