Đổi mới mô hình quản lý trung tâm ngoại ngữ, tin học ở Việt Nam

GD&TĐ - Bên cạnh các thành tựu đạt được trong việc phát triển các trung tâm ngoại ngữ (TTNN) đóng góp rất lớn cho sự phát triển ngoại ngữ ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu Viện ĐH Mở Hà Nội đã phân tích, chỉ ra việc quản lý các TTNN, tin học hiện nay đang gặp khó khăn do các bất cập trong một số quy định, hướng dẫn, rất cần có sự sửa đổi, bổ sung, cập nhật trong thời gian tới.

Cần xây dựng khung pháp lý và chuẩn chương trình đối với các trung tâm ngoại ngữ (ảnh minh họa)
Cần xây dựng khung pháp lý và chuẩn chương trình đối với các trung tâm ngoại ngữ (ảnh minh họa)

Khung pháp lý quy định tiêu chuẩn chương trình, tài liệu

Bộ GD&ĐT đã ban hành các khung pháp lý quy định tiêu chuẩn chương trình, tài liệu là cơ sở hướng dẫn xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và thi kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục thường xuyên (Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Quyết định 66/2008/OĐ- BGDĐT ngày 2/12/2008 về việc quy định Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành và Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 về việc ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam là cơ sở hướng dẫn xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và thi kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục thường xuyên); quy định tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các TTNN là cơ sở để hướng dẫn tuyển dụng, bổ nhiệm và bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ đối với các TTNN (Thông tư 03 điều 30, 31, 32, 33, 34; Nghị định 73 điều 31).

Bên cạnh đó, nhiều Sở GD&ĐT đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý hoạt động của TTNN, cụ thể như ban hành văn bản hướng dẫn quản lý đội ngũ giáo viên nước ngoài tại địa phương; văn bản hướng dẫn quản lý hồ sơ, sổ sách của TTNN; văn bản hướng dẫn công tác kiểm tra, thanh tra hệ thống TTNN, văn bản hướng dẫn công tác tập huấn đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các TTNN; văn bản hướng dẫn chi tiết thủ tục, quy trình cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động đối với TTNN; quy hoạch mạng lưới TTNN đến năm 2020.

Mặc dù vậy, vẫn còn có các khó khăn, bất cập về văn bản, chính sách cần được làm rõ, điều chỉnh.

Bất cập trong quy định cấp phép/cho phép thành lập TTNN tư thục và TTNN có vốn đầu tư nước ngoài

Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT có những quy định cần điều chỉnh, làm rõ và bổ sung để cập nhật, phù hợp hệ thống luật và văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau năm 2011 (Nghị định 73 (2012) Luật Doanh nghiệp (2014) và Luật Đầu tư (2014)...; các quy định tại Thông tư 03 căn cứ trên thực tiễn của các TTNN, tin học công lập, trong khi các TTNN hoạt động chủ yếu hiện nay là trung tâm tư thục.

Nghị định 46/2017/NĐ-CP mới được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn mới về những điểm bất cập liên quan đến quy định cấp phép/cho phép thành lập TTNN tư thục và TTNN có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều này dẫn đến những bất cập, cụ thể như thực trạng một số TTNN do UBND tỉnh/thành phố hoặc Sở GD&ĐT cấp phép thành lập, có tư cách pháp nhân tức là hoạt động độc lập, không trực thuộc doanh nghiệp, tuy nhiên mọi hoạt động của TTNN, cơ sở vật chất, tài chính của trung tâm do doanh nghiệp trực tiếp quản lý và điều hành, nếu xảy ra tranh chấp về tài sản thì TTNN không có tài sản để thực hiện các trách nhiệm theo tư cách pháp nhân đã được cấp. Nhiều ý kiến chuyên gia đã đề nghị bỏ quy định “có tư cách pháp nhân” đối với TTNN tư thục tại điều 2, chương I tại Thông tư 03 để khắc phục tình trạng này.

Nghị định 46 mới ban hành năm 2017 nhưng vẫn thiếu quy định đối với hệ thống TTNN có vốn đầu tư nước ngoài và còn có các điểm cần bổ sung, chỉnh sửa để đáp ứng và bắt kịp nhu cầu của xã hội, phù hợp với luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Nghị định 73 chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết.

Các quy định, hướng dẫn có nội dung mâu thuẫn nhau

Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10//2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định này còn có những điều khoản không hợp lý với Nghị định 73; chưa có hướng dẫn hợp lý cho đối tượng giáo viên, giảng viên và tình nguyện viên nước ngoài nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng ở Việt Nam.

Do thiếu cán bộ chuyên môn và công cụ hỗ trợ công tác quản lý chuyên môn nên chất lượng giám sát việc triển khai kế hoạch đánh giá chất lượng đầu ra theo cam kết của các TTNN hầu như chưa được thực hiện. Đa số các Sở GD&ĐT chưa ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu các TTNN, chậm hoặc không rà soát cập nhật và công khai danh sách hệ thống TTNN trên địa bàn.

Quy định tiêu chuẩn giáo viên nước ngoài làm việc tại TTNN bị mâu thuẫn giữa Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 và Nghị định số 73/2012/NĐ-CP: điểm a, khoản 1, điều 31 Nghị định 73 quy định tiêu chuẩn “ít nhất từ cao đẳng” mâu thuẫn với điểm b, khoản 3, điều 3 Nghị định 11 “có bằng đại học trở lên hoặc tương đương...”; đề nghị điều chỉnh quy định bỏ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm đối với GV nước ngoài dạy tại TTNN tại khoản 6, điều 31, mục 26 Nghị định 73.

Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục không có điều khoản về xử phạt TTNN không được cấp phép; chỉ hướng dẫn quản lý rất chặt đối với cơ sở có phép.

Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định này quy định về chế độ đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhưng ở các địa phương đều chưa áp dụng đối với cơ sở TTNN.

Bất cập trong tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá

Trong tổ chức thực hiện còn tồn tại một số bất cập trong công tác quản lý tổ chức và hoạt động đối với các TTNN: Có hiện tượng giám đốc TTNN không thực sự tham gia điều hành trung tâm, mọi hoạt động của TTNN đều do giám đốc doanh nghiệp điều hành. Sau khi được cấp phép, công tác báo cáo của một số TTNN đối với Sở GD&ĐT chưa thực hiện đầy đủ.

Về giám sát, đánh giá: Một bộ phận cán bộ quản lý các cấp thiếu kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ và chưa thực sự coi trọng chức năng giám sát các TNNN. Nhiều địa phương không tổ chức sơ kết, tổng kết, không xét thi đua hàng năm và không công bố hệ thống TTNN trong hệ thống cơ sở giáo dục của địa phương trên cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT như các nhà trường công lập và tư thục.

Bên cạnh đó, quan điểm quản lý và trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp chưa đồng bộ, chưa bắt kịp với thực tiễn hoạt động. Ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới hệ thống cơ sở TTNN, chưa công nhận hệ thống cơ sở này như hệ thống nhà trường phổ thông: Không được tham gia tập huấn (dù có đóng phí), tổ chức sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng cũng như được giới thiệu trên cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT.

Đội ngũ quản lý và đội ngũ giáo viên giảng dạy ở các TTNN không được tổ chức tham gia các sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ với ngành, chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí đội ngũ như đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo ở hệ thống cơ sở giáo dục công lập. Quan điểm quản lý đối với việc thành lập và phát triển TTNN còn rất đa dạng ở nhiều địa phương/đơn vị và giữa các ngành có liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội, công an, thuế vụ.

Nhiều địa phương chưa kịp thời thành lập Ban kiểm tra liên ngành quận/huyện/thị xã; còn gặp khó khăn, lúng túng khi triển khai theo kế hoạch, tiến độ kiểm tra liên ngành và báo cáo theo quy định; chưa kịp thời thông tin, trao đổi, báo cáo để phối hợp quản lý hệ thống TTNN. Nhiều Sở GD&ĐT còn gặp khó khăn trong việc quản lý chất lượng chương trình/khoá học ở TTNN theo mục tiêu chương trình và chuẩn đầu ra, nên chỉ dừng lại ở quản lý hành chính (cơ sở báo cáo; quản lý các cấp đi kiểm tra hành chính).

____________________

Bài 3: “Bắt mạch” hạn chế, đưa ra các kiến nghị và giải pháp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ