Đổi mới kiểm tra, đánh giá giúp học sinh phát triển kỹ năng nghe – nói tiếng Anh

GD&TĐ - “Hiện nay, ở Lào Cai, các hình thức kiểm tra, đánh giá đang áp dụng tại các trường trung học cho thấy học sinh có cơ hội được thực hành tiếng Anh, được rèn luyện kỹ năng nói và nghe”.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá giúp học sinh phát triển kỹ năng nghe – nói tiếng Anh

Đó là chia sẻ của thạc sỹ Tráng Thị Din – chuyên viên phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Lào Cai).

Đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá

Thạc sỹ Din nhấn mạnh: Tiếng Anh được coi là phương tiện giao tiếp hữu hiệu trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập và tiến tới toàn cầu hóa; vì vậy việc đổi mới kiểm tra, đánh giá giúp đo năng lực của người học càng trở lên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thạc sỹ Din cho biết: thực tế hiện nay, tại các trường từ cấp tiểu học đến THPT đều thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT với các hình thức như: Kiểm tra bằng hỏi – đáp (kiểm tra nói), kiểm tra viết, kiểm tra thực hành; các kỹ năng gồm: nghe, đọc, viết; kiến thức ngôn ngữ (bao gồm cả câu hỏi kiểm tra dưới dạng PISA).

Đồng thời kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua các hình thức như: định lượng (cho điểm), định tính (nhận xét, xếp loại của giáo viên, đánh giá lẫn nhau của học sinh).

Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh theo các hình thức như: thuyết trình, thiết kế áp phích, viết dairy… Đối với những học sinh đang theo học Chương trình tiếng Anh 10 năm thì được quy định chuẩn đầu ra như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT: Hết lớp 5 tương đương với trình độ bậc 1; hết lớp 9 tương đương với trình độ bậc 2; hết lớp 12 tương đương với trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.

Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo quy định chuẩn đầu ra theo tiêu chí riêng của từng đơn vị. Ví dụ trường cao đẳng sư phạm yêu cầu đối với sinh viên Sư phạm tiếng Anh được quy định tốt nghiệp phải đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ giai đoạn 2014 – 2015; sinh viên phải đạt trình độ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ giai đoạn 2016 – 2020. ‘

Đối với các ngành khác (như Địa, Sử, Toán, Lý…) sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ bậc 1 theo khung năng lực ngoại ngữ từ năm 2015 đến năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2018, sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ và từ năm 2019 đến năm 2020, sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ.

Đối với hình thức kiểm tra theo hướng phát triển năng lực học sinh, thì bài thực hành học sinh làm các dự án được tính như bài kiểm tra một tiết, như vậy học sinh có cơ hội gỡ điểm và được đánh giá theo năng lực ở các khía cạnh khác nhau. Học sinh được thỏa sức sáng tạo và rèn kỹ năng giao tiếp nhiều hơn thông qua việc thuyết trình sản phẩm dự án.

Vẫn còn những hạn chế

Tuy nhiên, theo thạc sỹ Din, việc thực hiện các hình thức kiểm tra đánh giá trên là cả một vấn đề bởi giáo viên quen dạy học sinh làm bài kiểm tra ngữ pháp, viết, đọc trả lời câu hỏi (đôi khi trò không hiểu bài đọc đó nói về nội dung gì, học sinh không thuật lại được).

Tư tưởng học sinh dần dần chỉ học để có điểm trên lớp. Giáo viên dạy cũng thường được đánh giá chuyên môn dựa trên kết quả học tập của học sinh.

Một lý do khác khiến giáo viên ngại áp dụng đổi mới kiểm tra đánh giá vì các kỳ thi THPT quốc gia không có kỹ năng nói và nghe. Bởi vậy khi chuyển sang giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện và dạy học theo hướng giao tiếp thì nhiều giáo viên cũng đã đánh mất kỹ năng nghe nói cơ bản.

Mặc khác, nhiều giáo viên chưa hình dung ra được cách thức làm một bài dự án, hướng dẫn học sinh thực hiện các bài thực hành để đảm bảo học sinh được tư duy, sáng tạo và làm việc theo sở trường.

Phát triển kỹ năng nghe – nói thông qua bài thực hành dự án

Từ thực tế trên, thạc sỹ Din chia sẻ một số gợi ý về cách hướng dẫn học sinh làm thế nào để có thể có một bài thực hành hiệu quả và khích lệ học sinh yêu thích môn học hơn, đồng thời có sự tương tác nhóm nhiều hơn cũng như giúp học sinh chủ động sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn.

* Poster designing. Học sinh có thể thực hành dự án ngay trong lớp học, trong trường học hoặc ngoài nhà trường. Học sinh cần được hướng dẫn về mục tiêu dự án, đối tượng áp dụng, ý nghĩa sản phẩm, nội dung, sản phẩm cuối cùng của học sinh, kết quả đạt được.

Ví dụ về một bài kiểm tra thực hành của học sinh lớp 11A2 Trường THPT số 1 TP Lào Cai với tiêu đề hãy minh họa thông tin người nổi tiếng mà em hâm mộ nhất, trình bày dưới dạng “Poster”.

Giáo viên

Học sinh

Ghi chú

Yêu cầu bài tập: Dùng ít nhất 5 tranh hoặc tự vẽ hình ảnh minh họa thông tin của một nhân vật nổi tiếng mà em hâm mộ. Mỗi tranh có một nhận xét hoặc đề thông tin bên dưới. Dán vào tờ giấy Ao và thuyết trình theo nhóm không quá 3 phút

Tiếp nhận chủ đề, lựa chọn nhân vật yêu thích

Sau khi thuyết trình, sảm phẩm được trưng bày quanh lớp học.

Poster ấn tượng sẽ được trưng bày tại câu lạc bộ tiếng Anh

Chia nhóm học sinh có trình độ khác nhau

Bầu nhóm trưởng; chia việc cho các thành viên

Giới hạn thời gian

Hoàn thiện poster đúng thời hạn

Tập thuyết trình không quá 3 phút

Tiêu chí chấm điểm (gồm phiếu điểm của giáo viên, phiếu điểm của học sinh): Dựa trên sự hợp tác nhóm, cách thức trình bày (tư thế, ánh mắt, ngữ điệu và phát âm), nội dung, thời gian cho phép và trả lời các câu hỏi phụ của giáo viên và bạn cùng lớp.

Các nhóm đọc kỹ hướng dẫn cho điểm

“Với yêu cầu trên, học sinh đã rất sáng tạo trong việc trang trí posters và chủ động tìm hiểu thông tin nhân vật bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh. Việc sử dụng tranh như vậy giúp học sinh hứng thú hơn, chủ động về kiến thức, có sự hợp tác giữa trò với trò, giữa thầy với trò.

Học sinh thuyết trình bằng tiếng Anh và sẵn sàng trả lời câu hỏi của các nhóm khác. Cách kiểm tra này giúp học sinh tích cực hơn và học sinh nào cũng được trình bày. Kết quả cho thấy không có học sinh nào bị điểm dưới trung bình.

Sau mỗi một bài như vậy, học sinh được rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc tài liệu và kỹ năng tóm tắt tổng hợp thông tin. Học được nhiều từ vựng và ít mắc lỗi trong văn viết vì tranh minh họa được nhiều điều” – thạc sỹ Din trao đổi. 

Cách kiểm tra theo dự án/ qua các bài thực hành giúp xác định nội dung và phương pháp đánh giá; xây dựng kế hoạch chọn chủ đề; thiết lập công cụ đánh giá; thu thập dữ liệu/ thông tin và xử lý thông tin/dữ liệu; báo cáo/thuyết trình.

Hình thức kiểm tra dưới dạng dự án hiện nay đã và đang nhân rộng trong các trường học. Cách thức này giúp phần nào cải thiện kỹ năng nghe, nói của học sinh.

Rèn kỹ năng nói trước đám đông và tạo sự tự tin trong giao tiếp đồng thời học sinh được thêm nhiều kiến thức từ nhóm bạn và có thêm nhiều thông tin thú vị bổ ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.