(GD&TĐ) - Liên quan đến đổi mới kiểm tra đánh giá giáo dục, phụ huynh lại có góc nhìn riêng. Dưới đây là một vài ý kiến xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Bình - PHHS Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội): Con ngại học Văn có phần lỗi của cô:
Khi con mang bài kiểm tra văn 15 phút về cho xem, vợ chồng tôi chưa hài lòng với lời phê của cô giáo dạy Văn. Bởi lẽ, chúng tôi nghĩ với học trò, cô giáo không nên dùng lời lẽ cộc lốc “Viết thế này mà là văn cảm xúc à” khi chấm bài. Dẫu con trẻ làm bài chưa được hay, chưa được ưng ý, cô giáo cần nhẹ nhàng dạy dỗ, khéo léo dạy cho trẻ biết cách cảm thụ văn học.
Lật tìm trong túi đựng bài kiểm tra của con, vợ tôi cũng đã tìm thấy thêm một bài kiểm tra Văn khác cũng có lời phê của cô giáo với bốn gạch đầu dòng rất khô khan: “Chưa thuộc thơ; Chưa hiểu kĩ bài; Diễn đạt kém; Đoạn văn chưa đúng yêu cầu là đoạn phát biểu cảm nghĩ”.
Hoc sinh rất cần những lời khen, chê khéo léo, tình cảm từ các thầy, cô giáo để các em phấn đấu trong học tập |
Trong khi đó, con trai của tôi không phải là HS dốt văn mà cháu rất thích học Văn. Có lẽ đây là hệ quả năm học đầu tiên chuyển cấp, lớp cháu thay đổi tới 3 GV Văn vì thầy cô nghỉ hưu và nghỉ đẻ.
Thiết nghĩ, với những học trò không thích học văn, ngại học văn mà GV biết cách khơi gợi niềm đam mê cho các em thì đó mới là nghệ thuật của sự nghiệp trồng người. Hơn nữa, văn học là nhân học, nên rất cần lời phê của cô giáo, vừa đáp ứng yêu cầu nhận xét xác đáng, vừa là lời động viên, khích lệ tinh thần học tập của HS.
Bà Doãn Khúc Nga có cháu học lớp 3 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Từ Liêm, Hà Nội): Khen chê khéo léo, tình cảm
Đọc lời phê của cô giáo, tôi thấy cô rất tình cảm, giàu lòng yêu thương, xưng hô cô và gọi học trò là con. Cô khen và chê lỗi của con trẻ rất khéo, tinh tế, rất phù hợp với HS lớp 1, lớp 2 vẫn còn ở tuổi mải chơi, nào là: “Chữ viết của con hôm nay chưa được đẹp nhưng đã có nhiều tiến bộ. Con cần cố gắng nhiều hơn nữa nhé; Cô khen con hôm nay tiếp thu bài học rất nhanh, nhẩm tính giỏi nhưng vẫn còn nói chuyện trong giờ học...”. Nếu hôm nào cháu đạt kết quả tốt cô tặng kèm theo hình mặt cười ngộ nghĩnh, ngược lại sẽ là hình mặt méo, nhìn rất ngộ...
Theo kinh nghiệm cả đời gắn bó với nghề dạy học, tôi thấy rằng: Lời chê, lời khen của thầy cô trên lớp đối với học trò phải thật khéo, đúng chừng mực, rất cần sự động viên. Nhất là lứa tuổi mới lớn, tâm tính đang có nhiều thay đổi, nếu GV không tinh ý trong nhận xét, đoán đọc tâm lý HS, rất dễ đưa ra những nhận định chủ quan.
Do vậy, thầy cô giáo đừng quá khắt khe trong lời phê cũng như tối kỵ đưa ra những lời phê cụt lủn, thiếu cảm xúc dành cho HS.
Lời phê của thầy cô giáo trong các bài thi, kiểm tra của HS hay trong vở dặn dò không chỉ là những lời nhận xét xác đáng về trình độ học và làm bài của các em mà đôi khi rất cần sự động viên, khích lệ bằng những lời “có cánh”. Lời khen còn góp phần giúp các em tự tin, đánh thức niềm đam mê học tập của học trò. |
Hoàng Linh (ghi)
TIN LIÊN QUAN |
---|