Đổi mới không khí sư phạm, kích thích sáng tạo

GD&TĐ - Bảo đảm nguồn lực chuẩn bị tốt cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường học ở ĐBSCL đã chú trọng giảm áp lực sổ sách cho giáo viên. Bên cạnh đó, không khí sư phạm trong nhà trường cũng được cải thiện đáng kể để kích thích tinh thần đổi mới, sáng tạo… 

Giảm gánh nặng hồ sơ, sổ sách giúp giáo viên an tâm công tác	Ảnh: T.G
Giảm gánh nặng hồ sơ, sổ sách giúp giáo viên an tâm công tác Ảnh: T.G

Giảm gánh nặng sổ sách

Khi công nghệ thông tin trở thành công cụ trợ giúp cho quá trình giảng dạy, chỉ vài thao tác giáo viên có thể quản lí số hóa giáo án, sổ điểm cá nhân, học bạ… một cách nhanh chóng, cùng với việc lưu trữ khá dễ dàng.

Đó là một trong những mục tiêu giản tiện các công việc quản lí sổ sách theo xu hướng hiện hành. Điều này không chỉ là cánh tay nối dài của mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lí, mà còn hướng quá trình dạy và học theo định hướng mới. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những điều kiện cần, còn chính yếu vẫn là cốt lõi chương trình thực hiện. Trong đó, nhà trường chủ động giảm gánh nặng sổ sách nhằm giúp giáo viên làm tốt nhiệm vụ, chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận chương trình mới.

Thầy Huỳnh Vũ Lam - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (TP Sóc Trăng, Sóc Trăng), cho biết: “5 năm qua, trường đã thực hiện hồ sơ sổ sách giáo viên đúng với tinh thần Thông tư 12 ban hành điều lệ trường phổ thông, Quyết định 06 về điều lệ trường chuyên. Theo đó, nhà trường không yêu cầu giáo viên soạn giảng theo mẫu nào, giáo án thầy cô soạn dựa trên tinh thần phát triển năng lực, đưa ra các hoạt động và mục tiêu của hoạt động, việc soạn giáo án cũng thay đổi nội dung phù hợp với từng lớp khác nhau”.

Thầy Huỳnh Vũ Lam cũng cho biết thêm, nhà trường luôn tạo không khí thoải mái để giáo viên thực hiện tốt các loại sổ sách cơ bản cần có. Bên cạnh đó, các sổ khác như sổ hội họp, rút kinh nghiệm, sổ dự giờ trường đều cung cấp file mẫu giáo viên có nhu cầu sử dụng thì in ra, có thể ghi trên máy tính sao cho tiện lợi nhất. Nhà trường không kiểm tra sổ dự giờ, vì sổ dự giờ thuộc cá nhân. Sổ hội họp mỗi người có thể dùng phần mềm trên điện thoại hỗ trợ ghi lại vẫn chấp nhận. Chủ trương của nhà trường là miễn sao thầy cô nắm bắt được thông tin và làm đúng chủ trương.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Để giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau, Cà Mau) từ nhiều năm qua cũng triển khai số hóa vào quản lí sổ sách. Được xem là cách đổi mới với xu hướng phát triển, thay đổi tư duy quản lí sổ sách, chỉ tập trung vào phần chương trình dạy và học theo định hướng chủ đề năm học. Thầy Lê Chí Nguyễn - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, chỉ rõ: Nhà trường thực hiện số hóa quản lí sổ sách cho giáo viên.

Thầy cô hoàn toàn có thể nhập và theo dõi sổ điểm, học bạ học sinh, soạn giáo án trên hệ thống thông tin. Nhà trường duyệt giáo án trên email, mỗi email thầy cô cung cấp là địa chỉ xác thực cá nhân cung cấp cho nhà trường, được dùng trong đánh giá năng lực thông qua giáo án điện tử. Trường không bắt buộc theo cách làm cũ, giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc soạn giáo án và thẩm định qua email là bước đi quan trọng trong quá trình tạo dựng niềm tin hai chiều giữa giáo viên và nhà trường.

Xây dựng môi trường sư phạm thân thiện

Theo thầy Lê Chí Nguyễn - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau, Cà Mau), nhà trường xây dựng các buổi đối thoại theo hướng tăng tính dân chủ, cho giáo viên đóng góp ý kiến trên tinh thần trao đổi, xây dựng. Có 2 cấp độ, ở cấp độ Tổ chuyên môn thực hiện 2 buổi/tháng để rà soát chuyên môn và tiến độ thực hiện chương trình. Ở cấp độ trường mỗi tháng có 1 cuộc họp Hội đồng sư phạm trao đổi các chuyên đề dạy học, thực hiện nề nếp giảng dạy. Ngoài ra, khi có sự việc cấp thiết cũng sẽ mở những cuộc đối thoại đột xuất để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề.

Còn tại Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (TP Sóc Trăng, Sóc Trăng), có giải pháp là khi họp nhà trường gửi nội dung thông báo trước, kết thúc buổi họp thư kí sẽ gửi văn bản kết luận của hiệu trưởng đến tất cả giáo viên, các buổi đối thoại sẽ trở nên nhẹ nhàng đầy đủ nội dung hơn. Một trong những động lực thúc đẩy sự nỗ lực, cống hiến cho giáo dục người thầy còn ở việc duy trì thực hiện sáng kiến chuyên môn. Đối với việc công nhận sáng kiến, trường thành lập Hội đồng thẩm định có từ 5 - 7 thành viên là các tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Điểm thành tích là điểm trung bình của thành viên hội đồng, bảo đảm được sự công bằng, tính nhất trí cao trong tập thể.

Nói về hiệu quả, thầy Huỳnh Vũ Lam - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, chia sẻ:

Quá trình đổi mới sổ sách có lợi cho công tác quản lí của hiệu trưởng, thuận tiện kiểm tra trong việc soạn giáo án, tổ chức bài dạy phát triển năng lực bài học theo định hướng hiện nay.

Qua đó còn tiết kiệm thời gian, công sức, vật chất, hỗ trợ cho hoạt động của nhà trường trở nên gọn, hiệu quả, chú trọng thực tiễn, thoải mái, không khệ nệ sổ sách. Giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cũng làm cho giáo viên trở nên tự chủ hơn... Để làm tốt vấn đề này, nhà trường tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đặc biệt là tổ trưởng và các thành viên chuyên môn. Ban Giám hiệu cũng phải tinh tế nắm bắt các thông tin từ phụ huynh học sinh để kịp thời chấn chỉnh trong các khâu thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ