Giáo dục ĐBSCL: Phân luồng HS từ trải nghiệm hướng nghiệp

GD&TĐ - Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm có vai trò quan trọng, đặc biệt là góp phần vào công tác phân luồng học sinh. Để đáp ứng yêu cầu này, các trường học khu vực ĐBSCL đang nỗ lực nâng chất các hoạt động ngoại khóa và giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp…

Các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa đang được các trường tích cực triển khai để đáp ứng Chương trình GDPT mới. Ảnh: Thùy Trang
Các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa đang được các trường tích cực triển khai để đáp ứng Chương trình GDPT mới. Ảnh: Thùy Trang

Thay đổi để thích nghi

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS và cấp THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Thời lượng dành cho Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là 3 tiết/tuần. Phần lớn các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa là quen thuộc ở tất cả các trường phổ thông.

Một số nội dung hoạt động mới trên thực tế cũng đã được triển khai ở các trường từ nhiều năm nay. Thầy Nguyễn Văn Bàng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau, Cà Mau), đánh giá: “Nội dung trải nghiệm rất tích cực, tạo điều kiện cho học sinh của trường rèn luyện về kĩ năng sống. Nhà trường xác định đây là một nội dung quan trọng trong nhiều năm qua, luôn làm tốt công tác giáo dục trải nghiệm dưới nhiều hình thức”.

Hiện nay, Trường THPT Hồ Thị Kỷ đã tổ chức các câu lạc bộ bộ môn, giúp học sinh được trải nghiệm thực hành nhiều hơn, qua đó các em hiểu và nắm vững kiến thức ở chính khóa. Ngoài ra còn tổ chức sinh hoạt dưới cờ, rèn kĩ năng thực tiễn trải nghiệm, tham gia các hoạt động nhân các ngày hội lớn, đi thăm tặng quà trại trẻ em khuyết tật, trại dưỡng lão trên địa bàn tỉnh Cà Mau… Học sinh có thêm cơ hội hiểu rõ về nhau, được bổ túc kiến thức, phát hiện được những cá nhân cần bồi dưỡng thêm kĩ năng sống, kĩ năng học tập nâng cao.

Thầy Trần Minh Hậu - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), nhìn nhận: “Tùy thuộc vào tình hình thực tế, nhà trường linh hoạt trong hoạt động trải nghiệm, tăng cường các câu lạc bộ văn nghệ, vui chơi, giải trí có lồng ghép bài học theo chủ đề. Thúc đẩy tinh thần vì cộng đồng thông qua việc làm ý nghĩa: Hiến máu nhân đạo, quét dọn nghĩa trang tỉnh trên địa bàn huyện, làm sạch các tuyến đường xung quanh… Qua đó công tác giáo dục học sinh tích cực hơn, các em có trách nhiệm với địa phương, với trường học, tác động rất lớn đến tư tưởng nhận thức của các em”.

Theo cô Lê Thị Thúy Hương - giáo viên dạy môn Văn, Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu): “Học sinh nắm bài học, vận dụng trong các bài trải nghiệm có các vấn đề xã hội, hay đi sâu phân tích vào chi tiết tác phẩm cụ thể, đòi hỏi các em tham khảo thêm nguồn tài liệu, tìm hiểu bài học trước để sẵn sàng, do đó học sinh nhớ bài lâu hơn, đặc biệt bổ ích cho Kỳ thi THPT quốc gia”, cô Hương cho biết.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm cho HS

Giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp đạt hiệu quả sẽ có lợi cho cả người học lẫn người tuyển dụng lao động. Ảnh: Thùy Trang
Giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp đạt hiệu quả sẽ có lợi cho cả người học lẫn người tuyển dụng lao động.  Ảnh: Thùy Trang

Trong nội dung trải nghiệm, thì trải nghiệm hướng nghiệp trở thành phần nhất định phải có, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, nhận định công việc phù hợp với năng lực của bản thân rõ nét hơn. Để không là lí thuyết suông, các trường tổ chức những chuyến đi thực tế ở các khu công nghiệp địa phương; hoặc liên kết những buổi tư vấn với sự tham gia của các chuyên gia về nhân sự lao động.

Thầy Trần Minh Hậu - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), nhìn nhận: “Tùy thuộc vào tình hình thực tế, nhà trường linh hoạt trong hoạt động trải nghiệm, tăng cường các câu lạc bộ văn nghệ, vui chơi, giải trí có lồng ghép bài học theo chủ đề. Thúc đẩy tinh thần vì cộng đồng thông qua việc làm ý nghĩa: Hiến máu nhân đạo, quét dọn nghĩa trang tỉnh trên địa bàn huyện, làm sạch các tuyến đường xung quanh…

Thầy giáo Nguyễn Văn Bàng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau, Cà Mau), cho biết: Trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp của trường có tổ chức cho giáo viên, học sinh đi tham quan Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm của tỉnh Cà Mau. Qua các năm, doanh nghiệp phối hợp tốt, thể hiện thiện chí đón nhận học sinh tham quan, tăng quá trình tiếp xúc với ngành nghề trong lĩnh vực. Thực hiện giải pháp này, nhà trường hướng đến triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo dục trải nghiệm sáng tạo và hướng nghiệp cho học sinh.

Thông thường, từ khoảng tháng 2 Trường THPT Hồ Thị Kỷ có kế hoạch cho học sinh khối 12 đi thực tế các nhà máy, xí nghiệp; nhằm khảo sát mức độ yêu thích công việc, phân luồng, định hướng trong học sinh được tốt hơn. Trong đợt sẽ có khoảng 50 - 60 em học sinh di chuyển đến khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm tỉnh Cà Mau, do khoảng cách tương đối gần hầu như học sinh không gặp khó khăn gì. Được tổ chức bài bản, chu đáo nên học sinh hào hứng tham gia, bước đầu cho thấy trải nghiệm hướng nghiệp đang dần trở thành xu hướng mới đem hiệu quả cao của nhà trường. 

Thực tế cho thấy, việc trải nghiệm tại các nhà máy, xí nghiệp thật sự trở thành cách đổi mới trong công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông hiện nay. Khi công tác giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp đạt hiệu quả sẽ có lợi cho cả người học lẫn người tuyển dụng lao động. Nhất là cơ cấu nguồn nhân lực gắn liền với việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, tránh tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn không phải chỉ riêng vấn đề của nhà trường. Cụ thể là khó khăn trong việc liên kết tham quan tại các địa phương, công ty, nhà máy và vấn đề nguồn kinh phí phục vụ công tác hướng nghiệp, ngoại khóa của thầy, trò…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ