Vô vàn lý do làm giảm hiệu quả hoạt động ngoại khóa
Không chỉ đối với học sinh mà thậm chí rất nhiều giáo viên hiện nay vẫn hiểu khái niệm ngoại khóa theo một phạm vi hẹp. Nói đến hoạt động ngoại khóa người ta nghĩ ngay đến các hoạt động như văn nghệ, thăm quan dã ngoại…
Theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ có 3 tiết trong 1 tuần dành cho giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, trong 3 tiết này đã mất 2 tiết dành cho chào cờ và sinh hoạt lớp, tiết còn lại cho phép được tổ chức tháng 1 lần, thường là theo hoạt động chủ điểm của tháng. Bộ GD-ĐT cũng có tài liệu hướng dẫn rất cụ thể hoạt động ngoài giờ lên lớp, tuy nhiên, đến các trường thì việc tổ chức phần nhiều rơi vào hình thức, nguyên nhân chủ yếu do người hướng dẫn tổ chức khô cứng. Nhiều học sinh thường lấy lý do nhà có việc bận hay đi học thêm để tránh tham gia ngoại khóa cũng xuất phát từ tính thiếu hấp dẫn và thiết thực của các hoạt động này.
Một nhóm sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tiến hành khảo sát thăm dò các hoạt động ngoại khóa ở Trường THPT Yên Dũng I (Bắc Giang). Kết qủa cho thấy, mỗi năm, các tổ chuyên môn trong trường đều tổ chức một đến hai buổi ngoại khóa. Tuy nhiên, các hoạt động này thực sự chỉ được tiến hành một cách phong trào, nặng về hình thức và các hoạt động bề nổi như giao lưu, văn nghe … hoặc biến thành một buổi tự sinh hoạt của lớp… chứ không có các hình thức sáng tạo và liên quan trực tiếp đến môn học.
Thầy Phạm Thành Luận, Bí thư chi đoàn Trường THPT Thanh Chăn, Điện Biên băn khoăn: Vẫn biết nhu cầu là rất lớn nhưng việc đi vào hoạt động được hay không lại phụ thuộc vào những cá nhân có vai trò quyết định, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm (người đóng vai trò hướng dẫn) và học sinh – những hạt nhân nòng cốt để thực hiện. Thực tế, nhiều giáo viên chủ nhiệm cho rằng mình không có kinh nghiệm nên bàng quan.... dẫn đến HĐGD ngoài giờ lên lớp rời rạc thiếu thực tế, sinh động ... tạo tâm lí chán nản cho đối tượng tham gia.
![]() |
Hoạt động ngoại khóa tại trường THPT Thanh Chăn (Đện Biên) thi hút được nhiều học sinh tham gia |
Những tìm tòi, sáng tạo
Theo chị Nguyễn Phương Hạnh, Bí thư chi đoàn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, các chương trình hoạt động ngoại khóa do Đoàn Thanh niên đứng ra tổ chức kết hợp với giáo viên chủ nhiệm ở các lớp. Ngay từ đầu năm, nhà trường đều có hướng dẫn sinh hoạt theo chủ đề năm học cho các chi đoàn. Các chi đoàn tự bàn bạc, trao đổi, thống nhất và gửi lại cho BCH Đoàn trường. Đoàn trường sau khi xin ý kiến chỉ đạo của BGH, Đảng ủy nhà trường sẽ lên khung chương trình hoạt động. Cái hay của cách làm này là việc xuất phát từ học sinh, do học sinh làm chủ, giáo viên chỉ là người hướng dẫn nên các hoạt động rất sát với nhu cầu các em. Theo các hoạt động chủ điểm, tất cả các buổi sáng thứ 2 đầu tuần, trường đều có các tiết mục văn nghệ dàn dựng, các cuộc thi.. Kết thúc mỗi đợt của tháng lại có một buổi gala tổ chức tại Hội trường lớn của trường cho phép tất cả học sinh tham gia, có hình thức bình chọn…
Theo chị Hạnh, đây chính là hoạt động thu hút được nhiều học sinh hơn cả và có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả học tập của học sinh. chị Hạnh chia sẻ, những chương trình này có thể kết hợp tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên mới, trao thưởng cho những đoàn viên xuất sắc hoặc trao thẻ đoàn viên cho các khối ngay tại địa điểm đến vui chơi.
Tuy nhiên, chị Hạnh cũng nhấn mạnh: một trong những vấn đề quan trọng để có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa thực sự hiệu quả là kinh phí. Rất nhiều trường có thể đưa ra nhiều hình thức và nội dung hoạt động hay những không thể làm được vì kinh phí hạn chế.
Với kinh nghiệm của một Bí thư đoàn trường, chị Hạnh chia sẻ bí quyết: Để tạo được niềm say mê hứng thú với công việc ngoại khóa thì chính những giáo viên giảng dạy bộ môn cũng phải tham gia vào những buổi ngoại khóa này bằng tất cả nhiệt huyết và cả trí tuệ. Nhà trường có thể tổ chức những buổi tập huấn về công tác tổ chức ngoại khóa cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trẻ chính là lực lượng nòng cốt tham gia vào chương trình này vì họ sẵn có lòng nhiệt tình và say mê. Chính họ sẽ là những người thổi niềm say mê đó vào học sinh, từ đó khơi dậy nên phong trào ngoại khóa trong nhà trường…
Hoạt động ngoại khóa sẽ trở nên đặc biệt hiệu quả nếu gắn với từng môn học cụ thể. Đó là kết luận mà bạn Lê Thị Quỳnh Trang, K55 CLC Khoa Toán tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội rút ra trong thực tiễn thực tập giảng dạy tại trường phổ thông. Bạn Trang cũng cho rằng, công tác đào tạo ở các trường sư phạm nếu chú trọng hơn nữa đến việc bồi dưỡng tri thức và kỹ năng về công tác ngoại khóa sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên khi ra trường làm công tác giảng dạy…
Trong báo cáo khoa học của mình, Lê Thị Quỳnh Trang đã đưa ra nhiều sáng kiến trong tổ chức hoạt động ngoại khóa Toán học ở trường phổ thông. Đó là việc tổ chức các dạ hội toán học với nhiều nội dung hấp dẫn, ví dụ như: giới thiệu lịch sử toán; những phát minh và những ứng dụng toán học; giới thiệu phương pháp học tập; thi giải toán; thi làm đồ dùng dạy học toán; trò chơi và ảo thuật toán học… Dài hơi hơn là việc tổ chức các CLB toán; làm Báo toán… Báo cáo này đã được vận dụng vào thực tiễn Trường THPT Yên Dũng 1 (Bắc Giang) và cho thấy nhiều kết quả tốt.
Có thể thấy, không chỉ Toán học mà các môn học khác trong trường phổ thông cũng có thể tạo ra được sức hấp dẫn với học sinh nếu từng bộ môn có cách tổ chức hoạt động ngoại khóa mang bản sắc riêng của mình.