Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục

GD&TĐ - Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học đề cập nhiều nội dung quan trọng, cốt lõi, hy vọng sẽ tạo đà cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gỡ nút thắt cho hoạt động nghiên cứu khoa học

Theo PGS.TS Phạm Thị Huyền- giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm tháo gỡ nút thắt cho NCKH tại các CSGDĐH nói riêng và hoạt động KH&CN nói chung, song vẫn đang có sự chưa đồng bộ và nhất quán trong chính sách, nhất là chính sách tài chính cho hoạt động NCKH ở CSGDĐH hiện nay.

Thực tế cho thấy, hệ thống GDĐH còn thiếu trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại, thư viện số theo nhóm ngành... Cơ chế đặt hàng đào tạo đã được quy định chung trong Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, ngày 10/04/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, nhưng hầu như chưa được thực hiện.

Cơ chế hợp tác công tư trong GDĐH đã được Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định, nhưng chưa cụ thể để thực hiện, nên một số trường có cơ hội về đầu tư, hợp tác công tư... mà không thể thực hiện do chưa rõ cơ chế. Kinh phí hoạt động của các trường chủ yếu phụ thuộc vào học phí và quy mô tuyển sinh hàng năm và cũng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.

Huy động các nguồn lực cho hoạt động NCKH, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế phối hợp, phân chia lợi ích giữa các bên chưa rõ ràng. Các doanh nghiệp không nhận thấy lợi ích rõ ràng và được đảm bảo của đầu tư vào các dự án NCKH, dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa CSGDĐH và doanh nghiệp.

Thủ tục tài chính cho hoạt động KH&CN, tuy đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn rườm rà, chậm muộn và nặng về mặt hành chính. Các định mức về kinh tế kỹ thuật không phù hợp với thực tế gây khó khăn trong công tác quản lý, thanh quyết toán đề tài. Nhiều nhà khoa học cho biết, để được thanh toán, quyết toán, họ vẫn phải xây dựng định mức nội dung công việc, xác định được người tham gia, thời gian hoàn thành, các khoản chi rõ ràng.

Đối với các trường đại học tự chủ 100%, việc quy định dành 5% nguồn thu hợp pháp cho hoạt động NCKH là không phù hợp do các trường tự chủ có quyền tự quyết định khoản kinh phí này. Hơn thế nữa, khái niệm “nguồn thu hợp pháp” lại không được định nghĩa cụ thể gây lúng túng cho các CSGDĐH khi xác định tổng số tiền thu từ các nguồn được gọi là “hợp pháp”.

Ngoài ra, do không có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, các CSGDĐH cũng lúng túng hoặc có những cách thức khác nhau trong xác định các khoản chi cho NCKH của sinh viên, chi thưởng các bài báo công bố trên các tạp chí ISI, SCI, SCIE, chi hỗ trợ nhóm nghiên cứu xuất sắc, hỗ trợ tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế trong nước và nước ngoài.

Về việc khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc cho hoạt động KH&CN nói chung và các nhà khoa học thực hiện NCKH tại các CSGDĐH nói riêng cũng đang có nhiều vướng mắc.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong CSGDĐH

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong CSGDĐH

Thúc đẩy trường đại học thành trung tâm nghiên cứu

Ông Tạ Ngọc Đôn- Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ hiện nay.

Thực hiện Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2014/NĐ-CP quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT quy định về hoạt động KH&CN trong CSGDĐH.

Các văn bản này là một bộ phận hợp thành then chốt, bước đầu thiết lập cơ sở pháp lí căn bản cho các hoạt động KH&CN, trong đó có đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của CSGDĐH để triển khai các hoạt động KH&CN, thúc đẩy các CSGDĐH trở thành các trung tâm nghiên cứu KH&CN, đồng thời phát huy tác động tích cực, góp phần hình thành đội ngũ các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu mạnh, cải thiện điều kiện nghiên cứu và gia tăng kết quả nghiên cứu được công bố và ứng dụng.

Tuy nhiên, sau khoảng 8 năm thực thi Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT quy định về hoạt động KH&CN trong CSGDĐH và 6 năm thực thi Nghị định số 99/2014/NĐ-CP quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH, các văn bản trên đã bộc lộ những hạn chế và bất cập, một số nội dung trong các văn bản trên không còn phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiện hành cũng như chưa gắn với quá trình thực thi dẫn đến việc thực hiện các nội dung của hoạt động KH&CN chưa hiệu quả.

Đồng thời, Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT chỉ là Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên hiệu lực đối với các CSGDĐH chưa cao, đồng thời nhiều nội dung của Thông tư đã bị lỗi thời. Chính vì những lý do trên, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã nêu tại Khoản 2 Điều 42 là Chính phủ quy định hoạt động KH&CN trong CSGDĐH. Việc xây dựng Nghị định này là rất cần thiết trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay.

Mục đích xây dựng Nghị định nhằm bổ sung quy định về tổ chức KH&CN trực thuộc CSGDĐH; khuyến khích sử dụng phương thức khoán chi khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp, khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp; khuyến khích thành lập Quỹ Phát triển KH&CN; khuyến khích, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho CSGDĐH định hướng nghiên cứu, phục vụ nhóm nghiên cứu mạnh.

Với 7 chương và nhiều điều khoản cụ thể, Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất về hoạt động KHCN trong CSGDĐH, xây dựng hành lang pháp lý để có thể thúc đẩy cán bộ, giảng viên và người học tham gia các hoạt động KHCN, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong CSGDĐH ở Việt Nam, không phân biệt CSGDĐH công lập hay ngoài công lập. Đây là Nghị định đầu tiên đề cập nhiều nội dung quan trọng, cốt lõi về KHCN trong CSGDĐH, hy vọng sẽ “cởi trói” cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Du khách xếp hàng vào thăm quan Bắc Bộ phủ. Ảnh: Bình Thanh.

Trải nghiệm khó quên ở Bắc Bộ phủ

GD&TĐ - Lần đầu tiên di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng Bắc Bộ phủ - Nhà khách Chính phủ mở cửa đón khách tham quan và đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.