Bồi dưỡng, tập huấn giáo viên được ưu tiên hàng đầu
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trưởng khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Trước đòi hỏi cấp bách trong việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GD, các trường sư phạm trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã và đang tích cực tham gia vào việc thiết kế chương trình, triển khai tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên phổ thông.
Điều này không phải bây giờ mới thực hiện, mà đã được triển khai ngay từ khi chương trình GDPT mới được dự thảo và liên tục bồi dưỡng theo tiến độ cập nhật của chương trình. Khi chương trình GDPT tổng thể được ban hành, các nội dung bồi dưỡng càng ngày càng cụ thể hơn, tiến gần hơn tới chương trình chi tiết và kế hoạch thực hiện.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, một điều rất thuận lợi cho các trường sư phạm trong việc xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên là giảng viên của các trường sư phạm, cũng là lực lượng chính tham gia biên soạn Chương trình GDPT mới. Họ là người hiểu rất rõ về chương trình môn học và biết phải làm thế nào để thực hiện chương trình hiệu quả.
SV sư phạm trên giảng đường. Ảnh: Internet |
Xây dựng chương trình bồi dưỡng linh hoạt
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Chương trình mới cho phép giáo viên được tham gia nhiều hơn trong khâu thiết kế và lập kế hoạch thực hiện. Như vậy, năng lực của giáo viên phổ thông không chỉ dừng ở giảng dạy, mà còn là phát triển chương trình. Năng lực giáo viên quyết định rất lớn tới chất lượng cũng như hiệu quả của việc thực hiện chương trình trên thực tiễn.
Để nâng cao năng lực của giáo viên phục vụ chương trình GDPT mới, bản thân các giảng viên sư phạm phải cập nhật và bám sát diễn biến thay đổi của chương trình. Nếu giảng viên sư phạm theo sau sự đổi mới và không tham gia vào tiến trình đổi mới chương trình GDPT thì khó có thể thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực của giáo viên phục vụ chương trình GDPT mới, bản thân các giảng viên sư phạm phải cập nhật và bám sát diễn biến thay đổi của chương trình. Nếu giảng viên sư phạm theo sau sự đổi mới và không tham gia vào tiến trình đổi mới chương trình GDPT thì khó có thể thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên.
Tiến độ xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên cũng phải thuộc vào tiến độ hoàn thiện chương trình, SGK. Vì thế trường sư phạm đôi khi không thể chủ động đi trước những thay đổi về chương trình, SGK.
Chất lượng giáo viên đa dạng, thời gian giáo viên phổ thông có thể dành cho việc bồi dưỡng không nhiều, trong khi đó nội dung bồi dưỡng hoặc đào tạo lại có thể rất cần sự hệ thống và bài bản. Chính vì thế, một thách thức cho trường sư phạm là xây dựng được các chương trình bồi dưỡng bảo đảm yêu cầu chất lượng đầu ra nhưng với thời lượng và cách thực hiện linh hoạt để phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thời gian hạn hẹp của người học.
Vai trò quyết định là năng lực người thầy
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho biết, Chương trình GDPT mới có nhiều tiếp cận tiên tiến và học hỏi của nhiều nước có nền GD phát triển. Chính vì thế, những kinh nghiệm thành công của các quốc gia khác sẽ cho chúng ta bức tranh rõ ràng hơn về cách thức thực hiện đổi mới chương trình.
Vai trò quyết định nhất đối với GD vẫn thuộc về năng lực của người thầy. Kiến thức và năng lực của người thầy, phẩm chất và nhiệt huyết của người thầy sẽ luôn là yếu tố quyết định. Không có thầy giỏi cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức thì khó có thể có một nền GD phát triển. Việc nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông là một trong những giải pháp thiết yếu, cơ bản để công cuộc đổi mới GD hiện nay thành công.