Vai trò "thuyền trưởng" trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục, người đứng đầu là hiệu trưởng giữ vai trò như người cầm lái “con tàu đổi mới”.

Vai trò của người quản lý góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường GD toàn diện. Ảnh minh họa
Vai trò của người quản lý góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường GD toàn diện. Ảnh minh họa

Sự thay đổi tư duy, hành động trong quản lý, điều hành của đội ngũ này vô cùng quan trọng khi thực hiện đổi mới giáo dục bởi tác động đến triết lý, kế hoạch hành động của từng đơn vị.

Đổi mới tư duy, phương thức quản lý

Cùng với việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá... một khâu quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT là chú trọng đổi mới quản lý, quản trị trường học. Trong bối cảnh này, vai trò của hiệu trưởng thực sự quan trọng khi xu hướng phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong thực hiện kế hoạch giáo dục được đẩy mạnh.

Nhấn mạnh quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), cho biết: Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) có yêu cầu khá cao, toàn diện cho mức xếp loại tốt trên cơ sở 5 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí. Như vậy, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có năng lực quản trị thực sự, với yêu cầu ngày càng cao về nhiều mặt. Họ phải là người có tầm nhìn, xác định được chiến lược phát triển nhà trường; đưa mọi hoạt động của nhà trường đi vào kỉ cương, nền nếp, ổn định, đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, hội nhập quốc tế, đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi hiệu trưởng phải đổi mới tư duy, cơ chế và phương thức quản lý. Nếu không thực hiện điều đó, nhà trường sẽ trì trệ, tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Do vậy, hiệu trưởng phải nắm vững lý luận quản lý giáo dục hiện đại và vận dụng sáng tạo vào hoạt động quản lý, lãnh đạo nhà trường nhằm đào tạo những học sinh tự chủ, năng động, sáng tạo, dám dấn thân, chấp nhận thử thách, biết hợp tác, biết chia sẻ, thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

“Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, hiệu trưởng phải là người tiên phong trong các mặt công tác. Một hiệu trưởng giỏi cần có tầm nhìn chiến lược; có ý thức học hỏi và thích ứng với các xu hướng đổi mới. Tiếp đó, hiệu trưởng phải thể hiện được phẩm chất lãnh đạo; có ý thức trách nhiệm về những thành công và thất bại; tìm ra cách thức mới để cải thiện môi trường dạy học, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục. Điều quan trọng, hiệu trưởng phải biết lắng nghe, đề cao dân chủ, đồng thời phải có thái độ công bằng nhưng nhất quán; là người đáng tin cậy trong tiếp cận, xử lý các tình huống nảy sinh trong công tác quản lý” – ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Cùng quan điểm, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long nhấn mạnh: Khi triển khai chủ trương đổi mới giáo dục, đặc biệt là khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, hiệu trưởng nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì mọi đường lối, chính sách, đổi mới cuối cùng sẽ phải được thực hiện ở nhà trường. Trong đó, hiệu trưởng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch giáo dục để cụ thể hóa các mục tiêu đổi mới sao cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khả năng tiếp thu của học sinh. Tóm lại, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm toàn diện từ khâu xác định tầm nhìn, mục tiêu phấn đấu của đơn vị, đến xây dựng kế hoạch và huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch nhằm đạt mục tiêu đã định; giống như người thuyền trưởng xác định hướng đi của con tàu và chỉ huy dàn thủy thủ điều khiển con tàu đi đến mục tiêu đã định.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Đồng Triều, Quảng Ninh) tự tin trong các hoạt động giáo dục. Ảnh: Thế Đại
Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Đồng Triều, Quảng Ninh) tự tin trong các hoạt động giáo dục. Ảnh: Thế Đại 

Thay đổi từ quản lý sang quản trị nhà trường

Theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), quản lý là quá trình vận dụng các hoạt động về kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra nhằm đạt được mục tiêu của nhà trường. Thực chất là tập trung vào mối quan hệ khi thực hiện công việc và nhấn mạnh tới cơ chế phân cấp, phân quyền, trong tổ chức và điều hành. Tức là coi trọng quá trình dẫn đến kết quả.

Còn quản trị lại là quá trình xây dựng các định hướng, quy định, kế hoạch nhà trường và thực hiện nó trên cơ sở tự chủ, giải trình để phát triển nhà trường theo mục tiêu và tầm nhìn đã xác định. Bản chất là tập trung, đề cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm, tính kỷ luật của mọi người để giúp họ hoàn thành công việc có chất lượng tốt nhất. Tức là coi trọng kết quả đạt được chứ không quan tâm nhiều tới quá trình. Điều này đồng nghĩa hiệu trưởng giao quyền tự chủ cho thành viên nhà trường và giám sát, nghiêm thu kết quả đầu ra.

“Chuyển từ quản lý sang quản trị nhà trường đòi hỏi mọi người trong trường phải có sự thay đổi nhận thức, hành vi và hoạt động của mình. Trong đó hiệu trưởng là người đứng đầu, trong vai trò người cầm lái “con tàu đổi mới” rất cần có tư duy tích cực sâu sắc” – ông Đặng Tự Ân cho hay.

Để thực hiện vai trò người cầm lái, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Hiệu trưởng  là người tiên phong với sứ mạng và những phẩm chất nổi bật. Trước hết, hiệu trưởng phải đặt ra các chiến lược, kết hợp cả lãnh đạo và tầm nhìn. Giúp cán bộ, giáo viên, người lao động, kể cả học sinh làm việc dựa trên quy trình để đạt được các chỉ tiêu giáo dục tốt nhất cho nhà trường. Lựa chọn làm những thứ được cho phép, tránh những thứ không được phép làm để đạt mục tiêu dạy học và giáo dục cao nhất. Hiệu trưởng phải có khả năng tổ chức và sử dụng thành thạo các quy trình khi làm việc, có khả năng động viên, thúc đẩy, truyền cảm hứng cho mọi người trong trường; nhạy cảm trước các quyết định đưa ra bị ảnh hưởng bởi cộng đồng, phong tục địa phương, đặc điểm, đặc thù của nhà trường.

“Một nội dung vô cùng quan trọng là hiệu trưởng cần hiểu nhuần nhuyễn và thực hiện hiệu quả phương châm “xã hội hóa”, “dân chủ hóa và tự chủ hóa” trong hoạt động quản trị nhà trường. Qua thực tiễn, người ta  đưa ra một số giải pháp đổi mới quản trị nhà trường, chủ yếu sau: Hiệu trường cùng mọi người trong trường xác định tầm nhìn và sứ mạng nhà trường; xây dựng kế hoạch khả thi hàng năm, dài hạn; có phương pháp quản trị đội ngũ; xây dựng tập thể học sinh tự chủ” – ông Đặng Tự Ân chia sẻ.

Cô và trò Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội. Ảnh: Đại Quang
Cô và trò Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội. Ảnh: Đại Quang

Những động thái tích cực

Thời gian qua, ngành Giáo dục các địa phương đã chú trọng giải pháp để người quản lý nhà trường đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Tại Phú Thọ, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Địa phương đã xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện, GD-ĐT; tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn mức cao. Việc tạo cán bộ nguồn phát triển từ CBQL ngành giáo dục cho địa phương cũng được quan tâm qua đánh giá thực hiện đổi mới giáo dục; lựa chọn CBQL năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới thật sự hiệu quả. Quan tâm đầu tư nguồn lực cho giáo dục địa phương một cách đồng bộ cả về con người, cơ sở vật chất để CBQL có điều kiện thể hiện vai trò của mình trong đổi mới giáo dục.

“Ngành Giáo dục Phú Thọ đẩy mạnh chỉ đạo để đội ngũ CBQL phát huy hết năng lực quản lý chuyên môn. Trên cơ sở xác định đổi mới quản lý là khâu quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngành Giáo dục đã triển khai qua các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho CBQL theo chu kỳ  bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn nội bộ. Đặc biệt, chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và CBQL cơ sở GDPT (ETEP)  được tổ chức thực hiện với quy mô toàn quốc sẽ giúp CBQL linh hoạt, chủ động ứng phó với những thay đổi của thực tiễn giáo dục, nhu cầu đa dạng của học sinh phổ thông và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” – ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Để tạo điều kiện cho hiệu trưởng thực hiện tốt vai trò của người “thuyền trưởng” dẫn dắt đơn vị mình thực hiện thành công các chủ trương đổi mới giáo dục gắn với đổi mới Chương trình, SGK, theo chia sẻ của ông Trịnh Văn Ngoãn: Lãnh đạo sở GD&ĐT Vĩnh Long đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, lựa chọn, bồi dưỡng những người có phẩm chất, năng lực theo điều kiện, tiêu chuẩn của hiệu trưởng trường phổ thông để bổ nhiệm làm CBQL các trường. Tin tưởng giao quyền, gắn với giao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình cho hiệu trưởng. Chú trọng hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng, bồi dưỡng lại để nâng cao năng lực quản trị nhà trường cho hiệu trưởng nói riêng, CBQL các cơ sở giáo dục nói chung. Đánh giá, điều chỉnh, công khai kết quả đánh giá cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đội ngũ kế cận thông qua công tác “quy hoạch cán bộ”. Cuối cùng là dám thay đổi.

“Yêu cầu của công việc ngày càng cao, nhất là giai đoạn toàn ngành đang triển khai quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, do đó có một số CBQL bị tụt lại phía sau, không còn đáp ứng được yêu cầu công việc do nhiều nguyên nhân. Thực trạng đó đòi hỏi lãnh đạo sở GD&ĐT phải có quyết định, tuy khó khăn nhưng chấp nhận thay đổi vì lợi ích chung. Việc thay đổi “đầu tàu” của một đoàn tàu không bao giờ dễ, nhưng vì lợi ích chung đôi khi người quản lý phải can đảm, có nghị lực và dám đưa ra quyết định. Ngoài ra, sự thay đổi cũng cần được thực hiện khi phát hiện chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, đổi mới Chương trình, SGK có vấn đề, lãnh đạo các cấp, nhất là cấp sở phải mạnh dạn kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thay đổi chính sách để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế” – ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.

Hiệu trưởng có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại trong công cuộc đổi mới của từng cơ sở giáo dục. Để đổi mới thành công, trước tiên hiệu trưởng phải là một giáo viên đổi mới. Người đứng đầu vừa xác định mục tiêu, kế hoạch đổi mới, tập trung các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) để thực hiện kế hoạch đổi mới và kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh lộ trình, mục tiêu đổi mới, kiên định với mục tiêu, lộ trình và kế hoạch đổi mới của đơn vị. Khi ấy, công cuộc đổi mới mới thành công. Khi người “thuyền trưởng” có năng lực quản trị, có quyết tâm và kiên định với mục tiêu đổi mới cộng với sự định hướng hợp lý của ngành (sở, phòng), tôi tin chắc rằng đơn vị ấy sẽ đổi mới thành công. - Ông Trịnh Văn Ngoãn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...