Mục tiêu quan trọng là hình thành nhân cách con người
Ông Olli-Pekka Heinoen, Tổng Vụ trưởng Cơ quan quốc gia về giáo dục Phần Lan cho biết, mặc dù được đánh giá là có nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, nước này vẫn không ngừng đổi mới giáo dục. Dưới thời của nữ Bộ trưởng Sanni Grahn Lassnosen, một chương trình giáo dục phổ thông vừa thông qua trên quy mô toàn quốc vào năm 2016.
Ông Olli-Pekka Heinoen, Tổng Vụ trưởng Cơ quan quốc gia về giáo dục Phần Lan
“Trái tim con người quan trọng hơn tất thảy. Những tố chất của con người mà máy móc không có được như ham học hỏi, ham hiểu biết, đồng cảm với người khác sẽ là mục tiêu mà giáo dục vun đắp” – ông Olli-Pekka Heinoen cho hay.
Con người giờ đây đã có thể sống đến trăm tuổi, và do đó vòng đời “sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm rồi về hưu” sẽ được “quay” theo một cách khác. Đón đầu cho xã hội tương lai khi trí tuệ nhân tạo phát triển, Phần Lan xác định 7 kỹ năng cốt lõi để hình thành nên những cá nhân “giàu tính người và có trách nhiệm công dân” trong tương lai.
Còn bà Anneli Rautiainen, Giám đốc Trung tâm đổi mới giáo dục cho biết: “Có rất nhiều vấn đề xảy ra trong xã hội, chúng tôi muốn phát triển lòng nhân ái của học sinh; muốn mỗi học sinh như cá nhân trọn vẹn, không chỉ thấy vấn đề của cộng đồng mình mà còn cả cộng đồng thế giới”.
Do đó, mục tiêu quan trọng trọng trong việc học là tự chủ, học qua tương tác, học cả đời và giúp cho học sinh tự nhận biết mình và tự tin.
Đặt niềm tin ở giáo viên
Chia sẻ thêm về những gì mà nước này đang làm, bà Anile cho biết, học sinh Phần Lan có khá nhiều thời gian dành cho gia đình (số giờ học trên lớp khoảng 19 – 20 giờ mỗi tuần). Vì vậy, ở trường quan trọng nhất là dạy cho trẻ biết tự học.
Giáo viên thích hợp với đòi hỏi này khá nhanh. Bên cạnh đó, công nghệ giúp cho những người còn lại chuyển đổi nhanh nhất. Ở mỗi trường, đều có giáo viên chủ đạo về công nghệ để hướng dẫn những giáo viên khác.
Mục tiêu của giáo dục Phần Lan đang chuyển đổi từ “học cái gì” sang “học thế nào”. Trong quá trình này, học sinh và giáo viên được trao đổi nhiều hơn. Từ một chương trình gọn nhẹ của cả nước, hiệu trưởng và giáo viên sẽ biến đổi cho phù hợp, chủ động xây dựng kế hoạch bài giảng cho mình.
Bà Anneli, Giám đốc trung tâm đổi mới giáo dục
Trả lời câu hỏi của một thành viên trong đoàn “Khi chuyển mục tiêu giáo dục từ “học cái gì” sang “học thế nào” thì Phần Lan đã thay đổi giáo viên ra sao", bà Anile trả lời: Mỗi hiệu trưởng sẽ có một cách, để giáo viên học tập lẫn nhau, tạo ra cơ hội tự phát triển bản thân.
Trao đổi về việc “có phải Phần Lan hiện nay đã xoá bỏ các môn học hay không”, bà Anni cho biết: “Chúng tôi vẫn có các môn học, mỗi môn đều có thời gian học tập nhất định. Nhưng chúng tôi để giáo viên toán và âm nhạc làm việc cùng nhau, tạo thêm trải nghiệm cho học sinh”.
Trong cuộc trao đổi với VietNamNet trước đó, bà Irmeli Halinen, nguyên Giám đốc phát triển Chương trình giáo dục quốc gia nói rõ hơn:
“Khi đổi mới hay làm bất cứ điều gì, chúng tôi luôn mời giáo viên tham gia vào việc hoạch định chính sách, kế hoạch. Điều này tạo cho giáo viên cảm giác được kính trọng, có giá trị.
Nếu như giáo viên luôn mời gọi học sinh trở thành những cá nhân tích cực, thì chúng tôi cũng luôn mời gọi giáo viên là những người tích cực tham gia cùng đổi mới”.
Khi được hỏi “Phần Lan ứng dụng công nghệ trong việc hỗ trợ và phát triển dạy học ra sao”, Anile trả lời ngắn gọn:
"Đã từng đi đầu về công nghệ, và cả ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ giáo viên, nhưng khi tiếp tục phát triển thì chúng tôi quay lại “phát triển con người” vì đó mới là điều quan trọng”.
Dĩ nhiên, để trao quyền tự chủ cho giáo viên, Phần Lan đã có sự chuẩn bị nền tảng bài bản cho khâu sư phạm từ khá sớm.
Theo tác giả, sự trung thực và minh bạch của xã hội là nền tảng cho thành công của giáo dục Phần Lan. Nhờ sự trung thực, trường học không có thanh tra, giám sát, không cần chấm điểm từ lớp 1 đến lớp 6 mà chỉ nhận xét bằng lời hoặc qua văn bản cuối năm,v.v.. nhưng kết quả giáo dục của Phần Lan luôn đứng đầu thế giới và học sinh ra trường thích nghi dễ dàng với cuộc sống.
Tham gia cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tại Phần Lan, bà Đào Thu Hiền, người sáng lập và điều hành Công ty CP Golden Path Academics Việt Nam (GPA) nhận xét:
"Phần Lan đã xây dựng triết lý giáo dục dựa trên nền tảng phát triển khá lâu dài. Sự thay đổi không thể ngay lập tức, mà dần dần trong vài thập kỷ. Phải có cái nhìn dài hạn trong đổi mới giáo dục. Những người tham gia sự nghiệp đó phải kiên trì, kiên định trên con đường của mình, mà trước hết phải đề ra được triết lý và mục tiêu rõ ràng".
Thực hư của "nhập khẩu chương trình giáo dục Phần Lan"
Lãnh đạo các vụ thuộc Bộ GD-ĐT nhìn nhận, nhiều vấn đề giáo dục các nước Bắc Âu đang thực hiện cũng đang là nội dung đổi mới của giáo dục Việt Nam hướng tới.
Ông Nguyễn Đức Hữu,Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay, hướng đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 (không cho điểm trong quá trình đánh giá, tăng nhận xét học sinh) tương đối phù hợp với cách thức đánh giá mà nhiều trường ở đây áp dụng.
Hay như vấn đề “quyền tự chủ của giáo viên” thì hiện nay Bộ GD-ĐT cũng đang đổi mới cách tiếp cận giáo dục theo hướng phân cấp, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, phát triển chương trình nhà trường, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng kết hợp đánh giá quá trình và cuối kỳ...
"Điều đó cho chúng tôi niềm tin về hướng đi đúng, dù còn có nhiều khó khăn vì điều kiện Việt Nam rất khác các nước” – ông Hữu cho hay.
Còn về chương trình đào tạo, sẽ không phải là "nhập khẩu nguyên xi" các chương trình giáo dục, trừ khả năng của một số môn khoa học tự nhiên. Điều này cũng không phải là “bê nguyên" cho toàn quốc, mà chỉ mở cửa để cho cơ sở giáo dục nào có điều kiện thì chủ động tiếp cận, chọn lựa (xem thêm thông tin về trường phổ thông Việt Nam - Phần Lan mở ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng).
Từ khi nổi lên như một hiện tượng “giáo dục thần kỳ”, hơn một thập kỷ qua, đã có hàng trăm đoàn chuyên về giáo dục thế giới tìm đến Phần Lan; còn số lượng nghiên cứu, bài viết về nó thì khó lòng kể hết.
Có lẽ, đã quen với điều này nên trước khi kết thúc bài diễn thuyết của mình, bà Anile chia sẻ:
“Chúng tôi có kiểm tra, đánh giá nhưng mức độ không giống các bạn. Chúng tôi cũng không có hệ thống thi cử quốc gia giống các bạn. Để thực hiện đổi mới giáo dục, chúng ta phải bắt đầu từ chính chúng ta chứ không thể copy từ nơi khác. Điều quan trọng là đổi mới giáo dục phải là sự tham gia cùng nhau của cả cộng đồng, chứ không chỉ riêng ngành giáo dục".