Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những điểm hạn chế của tổ chức thi và tuyển sinh năm 2015 và 2016, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và triển khai phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và những năm tiếp theo trên cơ sở giữ ổn định như năm 2016 với một số điều chỉnh phù hợp: Tổ chức thi tại tỉnh, do Sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp; áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn), mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được tổ chức thành công. Việc đổi mới cách thức tổ chức đồng bộ với đổi mới phương thức thi vừa làm cho thời gian thi được rút ngắn còn 2,5 ngày vừa giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy năng lực sở trường, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, học tủ, dạy tủ hay cắt xén chương trình và việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan đã từng gây bức xúc không nhỏ trong dư luận xã hội; kết quả thi đảm bảo khách quan, công bằng, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để các trường ĐH, CĐ thực hiện tuyển sinh.
Sau 3 năm thực hiện đổi mới, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Do vậy, Bộ GD&ĐT giữ ổn định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tới như năm 2017 với những điều chỉnh hợp lý, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông. Để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ thi và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện theo lộ trình một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình GD phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai Chương trình GD phổ thông mới.
Về các bài thi, môn thi: Trong các năm 2018, 2019 và 2020 việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017; Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GD phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Về tuyển sinh ĐH, CĐ: Rà soát lại các nhóm đối tượng, khu vực và mức điểm ưu tiên để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.
Trước giờ vào phòng thi |
Cử tri tiếp tục đề nghị Bộ GD&ĐT cần tiếp tục nghiên cứu cải cách GD làm sao cho HS giảm bớt giờ học, tăng cường thời gian vui chơi, hoạt động xã hội.
Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Từ nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện chương trình GD phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản; giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường thực hiện chương trình GD một cách linh hoạt; xây dựng kế hoạch GD theo định hướng phát triển năng lực HS phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng của HS; chú trọng GD đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội; tạo điều kiện cho các trường được linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục, các phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt, nhờ đó HS hứng thú học tập hơn, giảm tải được việc dạy và học xét cả về nội dung kiến thức và tâm lý HS.
Tiếp tục chủ trương đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình GD phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS từ năm học 2017 - 2018.
Chương trình GD phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của HS; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; chú trọng GD đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội.
(còn nữa)