Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển giáo dục đại học

GD&TĐ - Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại bên lề Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Triệu Thế Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”, tạo động lực để các trường phát triển.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển giáo dục đại học

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ sẽ báo cáo Tờ trình về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Là thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật lần này?

- Theo những điểm dự thảo Luật trình ra Quốc hội, chúng tôi thấy có nhiều điểm mới. Ban soạn thảo đã rất cầu thị tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý liên quan đến giáo dục.

Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã khắc phục khá nhiều nhược điểm so với Luật hiện hành. Phải nói rằng, năm 2012 lần đầu tiên chúng ta có đạo luật mang tính chất chuyên ngành với giáo dục đại học đó là Luật Giáo dục đại học. Qua đó đã đưa giáo dục đại học thành hệ thống.

Tuy nhiên sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học hiện hành đã bộc lộc những bất cập, vì vậy việc sửa đổi Luật này là cần thiết nhằm thể chế Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo đổi mới căn bản toàn diện theo Nghị quyết 29. Quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhân lực hiện tại và trong tương lai của đất nước.

Một trong những vấn đề cốt lõi của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là về vấn đề tự chủ. Theo đó, Dự thảo Luật đã “cởi trói” cho các trường rất nhiều vấn đề về tự chủ như: Tài chính, học thuật, nhân sự...

Tuy nhiên, khi các trường đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ giao quyền tự chủ, chẳng hạn tự chủ về học thuật thì phải đạt tiêu chuẩn kiểm định về chất lượng. Có đội ngũ giảng dạy đáp ứng, có thương hiệu, thì cơ sở đó sẽ được giao tự chủ về học thuật.

Rõ ràng, Dự thảo Luật lần này đã đi sâu, đi sát hơn so với Luật hiện hành. Điều này tạo điều kiện cho các văn bản dưới luật khi đưa ra triển khai trong vấn đề tự chủ.

Lâu nay, các trường đại học ngoài công lập cho rằng, mình bị thiệt thòi hơn so với các trường công lập khi tiếp cận các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước. Vậy theo ông Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã giải quyết được các vấn đề trên hay không?

- Đại học công lập và tư thục phải như 2 cánh chim của giáo dục đại học. Chúng ta đã cởi mở để các trường công lập tự chủ phát triển thì cũng cần có chính sách cởi mở, thu hút đầu tư đối với các trường tư thục.

Dự thảo Luật lần này, đã giải quyết những khúc mắc trên. Chẳng hạn như về cơ chế đầu tư của Nhà nước, Dự thảo Luật đã không phân biệt đó là cơ sở giáo dục đại học tư thục hay công lập hay có vốn đầu tư nước ngoài. Tất cả đều có quyền như nhau trong việc tiếp cận vốn đầu tư của nhà nước thông qua cơ chế đấu thầu. Tức là các trường hoàn toàn bình đẳng với nhau. Thiết nghĩ đây cũng là một cơ hội rất lớn đối với các trường tư thục để có thể được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Có thể nói, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tạo hành lang pháp lý khá thông thoáng để phát triển giáo dục đại học, tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển giáo dục đại học ảnh 1Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng

“Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Nếu Dự thảo Luật được thông qua ở kỳ họp sau thì sẽ giải quyết được những “điểm nghẽn”, tạo động lực để các trường đại học phát triển”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ