Đổi mới căn bản GD-ĐT mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

GD&TĐ - Hôm nay (8/2), tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Trường Đại học Tôn Đức Thắng- cơ sở đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm như một trường ngoài công lập.

Thủ tướng thăm một phòng sinh hoạt của sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Thủ tướng thăm một phòng sinh hoạt của sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng

GS. NGƯT, Hiệu trưởng Lê Vinh Danh báo cáo Thủ tướng: Tôn chỉ đào tạo của trường là thực hiện dạy người trước, dạy nghề sau. Sinh viên ra trường phải đạt 3 chuẩn về đạo đức (học giỏi – báo hiếu, ý thức kỉ luật, trách nhiệm cộng đồng) và chuẩn đầu ra về kiến thức. 

Lương cán bộ giáo viên được trả theo hai phần, trong đó phần cứng theo bậc của nhà nước, phần mềm căn cứ địa chỉ đào tạo, học hàm, học vị. Mức lương cao nhất là hơn 2.000 USD/tháng, mức lương bình quân toàn trường 10 triệu/người/tháng, Giảng viên khoảng 16-17 triệu/người/háng, Trưởng khoa 30 triệu/người/tháng…đảm bảo cuộc sống tốt cho cán bộ, giảng viên.

Hiện nhà trường đang vướng khó khăn là thiếu đất xây dựng trung tâm giáo dục quốc phòng, Ngoài ra trường dự kiến thành lập khoa dược, khoa y, xây dựng bệnh viện cho người nghèo nhưng chưa có đất.  

GS Lê Vinh Danh mong được TPHCM cấp cho trường 20 hecta đất để đầu tư cơ sở giáo dục, bệnh viện cho người nghèo; cho nhà trường xây dựng hệ thống đào tạo từ lớp 1 đến đại học; hỗ trợ tạo điều kiện cấp thêm đất để trường tiếp tục xây dựng và phát triển. Trong đó, nhu cầu trước mắt, trường cần xây dựng thêm trung tâm giáo dục quốc phòng, khoa dược, khoa y và bệnh viện 1000 giường bệnh để phục vụ cho người nghèo.

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng 

Sớm hoàn thiện cơ chế tự chủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã luôn nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực; khẳng định mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm là mô hình cần tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng đối với giáo dục đại học cả nước.

“Đổi mới căn bản giáo dục đào tạo mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo các cấp học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là bước đột phá để đất nước phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mà một trong những giải pháp là tự chủ. Trước hết là tự chủ tài chính mới có thể trả mức lương thỏa đáng nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi và phát triển cơ sở vật chất, gắn với tự chủ về nhân sự, tổ chức và tự chủ ngành nghề đào tạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chia sẻ: Tôi đi nhiều nước và tham quan nhiều cơ sở đào tạo cho thấy những cơ sở phát triển nhanh đa phần đều được tự chủ, tự chủ trong khuôn khổ luật pháp. Vì vậy, chúng ta cần nhân rộng mô hình tự chủ cho các trường. Chủ trương của Trung ương là cho các trường tự chủ trong khuôn khổ luật pháp. Từ tự chủ tài chính đến nhân sự rồi đào tạo. Nhà nước sẽ hỗ trợ về đất, vay vốn để đầu tư xây dựng mở rộng trường.

Thủ tướng đề nghị Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tập trung phát triển thành công hơn nữa mô hình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Qua đó, khẳng định ngày càng rõ uy tín, vị trí không chỉ trong hệ thống giáo dục đại học trong nước mà cả trong khu vực; tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo và trách nhiệm xã hội cho đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên gắn với quan tâm chăm lo, đời sống, vật chất, tinh thần, nhất là mức thu nhập thỏa đáng.

Được biết, trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường đại học đa ngành trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 2008, với gần 1.000 cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động làm việc tại 46 đơn vị đầu mối, trong đó có 14 khoa với 34 ngành học và 15 trung tâm.

Nhà trường đã và đang đào tạo khoảng 25.000 sinh viên và gần 500 học viên sau đại học. Trên 90% sinh viên có việc làm trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp.

Cơ sở vật chất của nhà trường cũng được đánh giá là đẹp nhất hiện nay, với tổng giá trị tài sản lên tới 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng trụ sở chính trong khuôn viên 10ha đã có tổng diện tích sàn xây dựng hơn 165.000 m2 và tòa nhà thi đấu thể thao đa năng, sân vận động...

Nhờ cơ chế tự chủ tài chính nên Đại học Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục đại học công lập không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhưng vẫn đảm bảo được mức thu nhập khá cao, ổn định cho cán bộ, giảng viên. Đến nay, nhà trường cũng đã hợp tác với 67 trường đại học trên thế giới và triển khai 27 chương trình đào tạo từ đại học đến tiến sỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ