Đổi mới cách dạy luyện từ và câu

GD&TĐ - Phân môn Luyện từ và câu là một môn học giữ vị trí quan trọng trong chương trình Tiếng Việt lớp 4. Ngay từ đầu của hoạt động học tập ở trường, học sinh đã được làm quen với lý thuyết của từ và câu.

Đổi mới cách dạy luyện từ và câu

Sau đó, chương trình được mở rộng thêm và nâng cao dần để phục vụ cho nhu cầu ngày một tăng trong cuộc sống của các em cũng như trong lao động, học tập và giao tiếp.

Khó khăn trong dạy học Luyện từ và câu

Cô giáo Phạm Thị Phượng - Trường Tiểu học Cẩm Châu (Thanh Hóa) cho biết, phân môn Luyện từ và câu là phần kiến thức khó nên một số giáo viên còn lúng túng và gặp khó khăn trong khi hướng dẫn học sinh nắm được yêu cầu và vận dụng vào việc làm các bài tập .

Một số giáo viên chưa chịu đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu để khai thác kiến thức và tìm ra phương pháp phù hợp với học sinh còn lệ thuộc vào đáp án, gợi ý dẫn đến học sinh ngại học phân môn này.

Bên cạnh đó, hình thức tổ chức dạy học của một số giáo viên còn đơn điệu, hầu như ít sáng tạo, chưa thu hút lôi cuốn học sinh. Một số giáo viên còn chưa quan tâm đến việc mở rộng vốn từ, phát triển vốn từ cho học sinh, giúp học sinh làm giàu vốn hiểu biết phong phú về Tiếng Việt.

Đối với học sinh, theo cô Phượng, hầu hết học sinh chưa hiểu hết vị trí, tầm quan trọng, tác dụng của phân môn Luyện từ và câu nên ít có hứng thú học tập, chưa dành nhiều thời gian để học môn này.

Nhiều học sinh chưa nắm rõ khái niệm của từ, câu... Từ đó, việc nhận diện phân loại, xác định hướng làm bài lệch lạc. Việc xác định còn nhầm lẫn .

Học sinh chưa có thói quen phân tích dữ kiện của đầu bài, thường hay bỏ sót, làm sai hoặc không làm hết yêu cầu của đề bài; một số nắm kiến thức một cách máy móc, thụ động và tỏ ra yếu kém thiếu chắc chắn.

Tăng hứng thú học tập bằng sự khơi gợi trí tò mò

Để có thể học tốt phân môn luyện từ và câu, cô Phượng cho rằng, ngay từ đầu tiết học giáo viên phải khơi sự tò mò, hứng thú học tập cho học sinh.

Khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau (Phương pháp trò chơi, phương pháp động não, phương pháp hỏi đáp) phù hợp với từng loại bài.

Ví dụ : Sử dụng phương pháp hỏi đáp khi giới thiệu bài "Mở rộng vốn từ: Trung thực - Tự trọng" - Tuần 5 SGK trang 48-49. Giáo viên đặt câu hỏi: Cậu bé Chôm trong truyện "Những hạt thóc giống" có đức tính gì đáng quý? (Trung thực). Vậy theo em trung thực là gì? Còn tự trọng, em hiểu thế nào là tự trọng? (Học sinh nêu ý kiến).

Giáo viên: Để giúp các em biết thêm nhiều từ, nắm được nghĩa và cách dùng các từ ngữ theo chủ điểm Trung thực - Tự trọng. Hôm nay chúng ta sẽ mở rộng vốn từ theo chủ điểm này.

Để thu hút học sinh vào bài học, ngoài giới thiệu bài, trong khi tổ chức, hướng dẫn làm bài tập giáo viên cũng luôn tạo không khí học tập để khơi gợi sự hứng thú đối với học sinh.

Phân ra các kiểu bài

Một lưu ý khác được cô Phượng nhấn mạnh là giáo viên cần phân ra các kiểu bài trong phân môn luyện từ và câu.

Với mỗi loại bài đều có phương pháp, hình thức tổ chức dạy học khác nhau. Vì vậy để tiết học đạt hiệu quả cao giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung chương trình, xác định các loại bài cụ thể trong phân môn để từ đó vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp.

Đối với dạng bài mở rộng vốn từ: Với mục đích tích luỹ nhanh chóng vốn từ và tạo điều kiện để sử dụng từ một cách dễ dàng, giáo viên nên đưa ra những từ theo một hệ thống và sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp, hình thức dạy học (thảo luận nhóm, trò chơi, đàm thoại, hỏi đáp...) có sự hỗ trợ tích cực của đồ dùng dạy học.

Đối với dạng bài tập về cấu tạo từ - Tìm từ ghép, từ láy: Để làm tăng vốn từ cho học sinh, công việc đầu tiên giáo viên cần phải làm cho học sinh hiểu nghĩa của từ.

Muốn thực hiện được điều này người giáo viên phải hiểu được nghĩa của từ, phải biết vận dụng các phương pháp cũng như hình thức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh.

Đối với các dạng bài tập này, giáo viên tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm. Các nhóm thi làm bài và trình bày kết quả.

Đối với hình thức chia nhóm, giáo viên nên sử dụng theo nhiều cách khác nhau tạo điều kiện cho các em được học hỏi, giao lưu với nhiều bạn khác trong lớp.

Giáo viên có thể chia nhóm theo số điểm danh, theo màu sắc, theo tên các loại trái cây các em yêu thích...Yêu cầu học sinh có cùng số điểm danh, cùng một màu, cùng một loại trái cây yêu thích sẽ cùng vào một nhóm.

Dạng bài về danh từ, động từ, tính từ: Với các dạng bài tập này giáo viên cần cho học sinh phân tích đề bài một cách rõ ràng. Khi cần giáo viên có thể giải thích để các em nắm được yêu cầu của bài tập.

Khi hướng dẫn học sinh làm bài tập, giáo viên cần phải nắm chắc trình tự giảng giải, cần có những dự tính cho những tình huống và những lỗi học sinh mắc phải khi giải quyết bài tập để sửa chữa kịp thời.

Dạng bài tập về câu: Dạng bài tập này cũng được lựa chọn với thực tiễn sinh động hàng ngày để học sinh biết đặt câu đúng, phù hợp với tình huống giao tiếp, đảm bảo lịch sự khi đặt câu.

Vì vậy, khi dạy dạng bài tập này giáo viên cần đặt trong hệ thống chương trình để thấy rõ vị trí của nó đồng thời phải nắm chắc nội dung khái niệm. Đây chính là nội dung mà giáo viên cần đưa đến cho học sinh.

Mục đích cuối cùng của việc dạy câu trong nhà trường là sử dụng chúng một cách có ý thức để thực hiện chính xác tư tưởng, tình cảm trong hình thức nói và viết. Vì vậy, thực hành câu nhất thiết phải được dạy một cách có định hướng, có kế hoạch thông qua hệ thống bài tập câu.

Dạng bài về cách dùng trạng ngữ trong câu: Trong câu, ngoài hai bộ phận chính câu còn có bộ phận phụ là trạng ngữ. Việc nhận diện trạng ngữ cũng là một vấn đề khó đối với các em.

Về vai trò ngữ pháp, trạng ngữ là thành phần phụ không bắt buộc phải có mặt trong câu, nhưng thêm phần trạng ngữ cho câu là để phản ánh đầy đủ tình cảm, nhận thức chủ quan của người nói.

Về cấu tạo trạng ngữ là một cụm từ có hoặc không có quan hệ từ đứng trước. Trạng ngữ có thể đứng ở đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu. Trạng ngữ ở đầu câu dễ gặp nhất, học sinh dễ nhận thấy còn trạng ngữ ở giữa câu và cuối câu học sinh khó nhận diện.

Vì vậy khi dạy dạng bài này giáo viên cần đưa ra những câu hỏi mà học sinh dễ phát hiện ra kiến thức của bài học.

Để việc dạy và học phân môn Luyện từ và câu được tốt, cô Phượng cũng nhấn mạnh việc giáo viên cần chú ý bồi dưỡng đối tượng học sinh khá, giỏi, nâng cao chất lượng đại trà; gắn kiến thức bài học với thực tế.

Kiến thức Tiếng Việt vốn bắt nguồn từ đời sống thực tế, nếu trong khi dạy , giáo viên liên hệ thực tế để học sinh tìm kiến thức thì các em làm bài tập tốt hơn, hứng thú hơn.

Ngược lại sau mỗi hoạt động hoặc mỗi bài, giáo viên cần liên hệ thực tế để giáo dục các em vận dụng những điều đã học vào cuộc sống. có như vậy, các em mới cảm thấy kiến thức bài học thật gần gũi, yêu thích môn học hơn.

Cô giáo Phạm Thị Phượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...