Việc triển khai vắc-xin trên diện rộng sẽ là điểm sáng của năm 2021 nhưng vẫn chưa đủ để có thể giải quyết hoàn toàn đại dịch, vốn được dự đoán sẽ còn trầm trọng hơn năm ngoái.
Những thách thức chính đối với thế giới trong năm nay đều gắn liền với các hệ lụy của đại dịch Covid-19. Tất cả dường như đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi vắc-xin được phát triển với tốc độ kỷ lục và đang được tiêm đại trà tại nhiều nước. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, dù nỗ lực đến đâu thì các loại vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn không thể tới tay toàn bộ gần 8 tỷ dân trên thế giới trong năm 2021.
Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia sẽ càng hiện hữu rõ hơn trong việc phân phối vắc-xin. Những nước phát triển, giàu tiềm lực kinh tế và công nghệ sẽ có nhiều cơ hội được tiếp cận đầy đủ và đại trà hơn đối với loại vũ khí chống dịch bệnh hữu hiệu nhất này. Trong khi đó có khoảng 1/5 dân số thế giới tại các khu vực kém phát triển sẽ phải đợi tới ít nhất năm 2022 mới có thể tiếp cận vắc-xin.
Việc bảo đảm phân phối vắc-xin một cách công bằng thực sự là một bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo thế giới cũng như các tổ chức toàn cầu. Bên cạnh đó, việc các biến thể nguy hiểm của virus liên tục xuất hiện cộng với rủi ro phụ khi vắc-xin được phát triển quá nhanh cũng đặt ra nhiều thách thức khó lường cho sức khỏe con người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo từ cuối năm 2020 rằng, nếu để Covid-19 tiếp tục kéo dài mà không thể sớm dập tắt, thì đại dịch này sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng miễn dịch của con người đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm khác. Về mặt lâu dài thì đây mới thực sự là một thách thức đối với nhân loại.
Ngoài khó khăn trong đối phó với dịch bệnh thì việc khôi phục nền kinh tế bị suy thoái do Covid-19 cũng không đơn giản. Kết thúc năm 2020, chỉ có một vài nước châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi có mức tăng trưởng dương. Đa phần các nước đều rơi vào suy thoái và bóng ma về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do nợ nần là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra xung đột và chiến tranh vẫn đang đe dọa nhân loại khiến sứ mệnh gìn giữ hòa bình của cộng đồng quốc tế trở thành một thách thức lớn. Dù đại dịch đã tàn phá nền kinh tế nhưng ngân sách chi tiêu cho quốc phòng của các nước lớn không ngừng tăng mạnh. Trong đó Mỹ và Nga vẫn coi trọng phát triển các loại vũ khí chiến lược và vũ khí hạt nhân để răn đe.
Riêng tại cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực căng thẳng mang tính lịch sử trong năm 2021. Sự phân hóa nội bộ sâu sắc và tình hình đại dịch nghiêm trọng tại đây sẽ tác động đến cả thế giới. Chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến sẽ có nhiều quyết sách khác với người tiền nhiệm, nhưng cuộc chuyển giao không hề suôn sẻ khiến chính nước này lại trở thành một điểm nóng tiềm ẩn.
Dù có nhiều khó khăn ở phía trước, bức tranh thế giới năm 2021 về cơ bản vẫn mang nhiều gam màu tươi sáng. Đại dịch đang thúc đẩy sự phát triển trong nhiều lĩnh vực quan trọng như vắc-xin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, chuyển đổi số… Điều này giúp con người có thêm nhiều tri thức và khoa học để đối phó với những thách thức lớn hơn trong tương lai.