Đội cứu hộ của những lão nông

GD&TĐ - Cứ đến mùa nước nổi, các đội cứu hộ đầu nguồn lũ của tỉnh An Giang và Đồng Tháp được củng cố nhằm tham gia phòng hộ, ứng cứu kịp thời những trường hợp gặp nạn trên sông, rạch. Địa điểm lập chốt thường đặt ở ngã ba, ngã tư, nơi có dòng nước chảy xiết. Điều đáng nói, các thành viên tham gia đều là tự nguyện dù họ có hoàn cảnh khó khăn và không có chế độ trợ cấp. 

Những lão ông chuyên cứu người gặp nạn ở Vàm Nao
Những lão ông chuyên cứu người gặp nạn ở Vàm Nao

Đội cứu hộ đầu nguồn vùng lũ

Vào mùa nước nổi, phương tiện đánh bắt thủy sản của người dân đầu nguồn tăng lên đáng kể nên tai nạn chìm ghe, xuồng hay đuối nước cũng thường xuyên xảy ra. Vì thế để hạn chế rủi ro tai nạn, chốt cứu hộ cứu nạn (CHCN) đã được thành lập. Hoạt động của các chốt đều xuất phát trên tinh thần tự nguyện của các thành viên.

Năm 2011, huyện Hồng Ngự đã duy trì và thành lập mới được 34 chốt CHCN đặt tại các xã. Đến nay các chốt vẫn còn được duy trì hoạt động với khoảng 300 thành viên tham gia. Hiện tại mỗi chốt có từ 8 - 12 thành viên thay nhau trực 24/24 tại các tuyến sông xung yếu, các ngã ba, ngã tư có nước chảy xiết.

Ông Nguyễn Văn Công (75 tuổi, ngụ ấp Trà Đư, xã Thường Lạc. An Giang) - Đội trưởng đội CHCN ấp Trà Dư - nguyên là thương binh 4/4 thời chiến tranh biên giới Tây Nam, cho biết, gia đình ông sống chủ yếu nhờ vào 6 công đất ruộng và hái rau muống bán hàng ngày.

Hàng năm, thấy vào mùa lũ người dân bị gặp nạn nhiều trong đánh bắt tôm cá nên ông tham gia vào đội CHCN 6 năm nay. “Trước đây, khu vực cầu Trà Đư chưa xây dựng đê bao, mỗi năm có hơn chục vụ tai nạn chìm phương tiện. Việc lập chốt là để ứng cứu học sinh đi học hay tắm trên ruộng bị nước chảy cuốn xuống sông”, ông Công kể.

Đội cứu hộ ấp Trà Đư được đặt tại ngã 3 sông Trà Đư, nơi được xem là điểm nóng tai nạn bởi hàng năm tại khu vực này đều xảy ra nhiều vụ. Đội được thành lập từ năm 2010. Ngoài tham gia công tác CHCN, thời gian bình thường trong ngày, các thành viên đi giăng câu, thả lưới kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Không có đất vườn và nhà là hộ nghèo, anh Huỳnh Nu Hiền (37 tuổi) cho biết: “Công việc ban ngày là ương 150 cặp cá lóc bông bán giống, giăng lưới nên ban đêm rảnh tham gia trực với một số thành viên trong đội CHCN. Anh em ở chốt túc trực nhiệt tình, phát hiện hoặc có tin báo là ứng cứu ngay. Dù không có chế độ đãi ngộ nhưng tất cả đều tham gia tích cực bởi mỗi lần cứu được người mừng hơn nhận được vàng”.

Tại thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), một trong những điểm thường xuyên xảy ra tai nạn là cầu kênh Cá Rô (ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh). Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 6 - 7 vụ chìm ghe, xuồng bởi khu vực này có nước chảy xiết và hố xoáy. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 19 chốt CHCN, với gần 100 thành viên.

Ông Võ Văn Sơn - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Thường Lạc (An Giang), cho biết: “Xã có 2 đội CHCN đặt ở ấp Trà Đư. Hàng năm, các thành viên trong đội đều được tập huấn công tác CHCN. Năm nay, tình hình lũ lớn nên cử thành viên trong đội túc trực 24/24.

Từ ngày có đội CHCN hầu như các vụ tai nạn không có thiệt hại về người. Hiện chưa có quy định về chế độ đãi ngộ đối với các đội CHCN nên địa phương linh hoạt hỗ trợ từ nguồn vận động các mạnh thường quân”.   

“Biệt đội” cứu hộ U60

Tham gia đội CHCN, thành viên nhỏ nhất cũng ngoài 50 tuổi, còn người cao tuổi nhất là gần 70. Dẫu vậy nhiều năm nay họ vẫn ngày đêm canh trực ở ngã ba sông Vàm Nao để ứng cứu người và phương tiện bị nạn. Do vậy họ được người dân quen thuộc gọi là “biệt đội” cứu hộ U60.

Ngồi trước hiên nhà mắt không ngừng nhìn ra ngã ba nước đang chảy cuồn cuộn, ông Đào Văn Hiểu (60 tuổi, ngụ ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) nói: “Tôi được giao nhiệm vụ canh ở ngã ba này và làm tài xế mỗi khi có tai nạn.

Ngoài việc cứu hộ, tôi còn tham gia đi chở cây cất nhà cho người nghèo. Trước đây, vợ chồng sống bằng nghề mua bán trên sông nhưng do tuổi đã lớn đành bán ghe lên bờ sinh sống. Tôi tham gia biệt đội cứu hộ là để tích đức cho con cháu”.

Theo lời ông Hiểu, ngã ba sông Vàm Nao hồi trước nước chảy rất xiết và ban đêm chẳng thể nào ngủ yên giấc vì tiếng nước, tiếng sóng ì ầm. Do vậy tàu ghe qua lại đoạn sông này cứ gặp nạn thường xuyên.

Những bậc cao niên tại đây cho biết khu vực này được xem như “hố tử thần” bởi là điểm gặp nhau giữa dòng nước của sông Hậu và sông Tiền, ghe vài chục tấn đi qua rất dễ gặp nạn. Thời điểm này, năm nào cũng có người chết.

Từ ngày đội CHCN ra đời, các phương tiện gặp nạn được cứu vớt kịp thời nên tình trạng trên hầu như không còn xảy ra. Ông Dương Văn Lợi (68 tuổi), đội trưởng đội CHCN Vàm Nao cho biết:

“Đội cứu hộ thành lập năm 1980, gồm có 17 thành viên, trẻ cũng ngoài 50 còn lớn đã gần 70 tuổi. Chi phí hoạt động một phần do các thành viên đóng góp, khi nào thiếu mới đi vận động bà con. Hiện đội mới thay thế một chiếc ghe 5 tấn, trang bị đầy đủ áo và phao cứu sinh. Mỗi lần nghe “a lô” là các thành viên sẵn sàng xuất phát”.

Nhiều năm tham gia công tác CHCN, các thành viên trong đội cũng rất nhiều lần đi vớt thi thể người chết trên sông. Nhắc lại cái nghề bất đắc dĩ này, ông Lợi kể:

“Cách nay hơn năm, một người tắm bị ngạt nước và gia đình nhờ đi tìm xác. Hai chiếc vỏ lãi chạy tìm 2 ngày đêm mới thấy, cách vị trí chìm gần 30km. Sau khi đưa xác lên giao công an khám nghiệm. máy không thể chạy được phải sửa 3 ngày mới xong. Gần đây, 2 gia đình ở Chợ Vàm và Cái Dầu nhờ đi tìm thi thể người thân, đó là một cụ già 66 tuổi xuống đò gieo mình xuống sông tự tử, còn người nữa đi nhậu về xuống sông tắm bị trôi. Nói chung số thi thể vớt được đến nay không nhớ hết”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.