Dốc sức cho 'học kỳ 3'

GD&TĐ - Từ đầu tháng 6, hàng loạt trường đại học (ĐH) bắt đầu tổ chức học kỳ 3 (thường gọi là học kỳ hè) cho sinh viên có nhu cầu học lại, học vượt.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong một giờ học ở phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong một giờ học ở phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Đa dạng hình thức học kỳ 3

Hè này, Trần Quang Phước, sinh viên năm 2 ngành Kỹ thuật Cơ khí, Trường ĐH Công nghệ TPHCM không về quê mà ở lại để theo học kỳ 3. Phước đăng ký môn Cơ học lý thuyết, Giải tích và Giáo dục Quốc phòng - An ninh. “Hai năm đầu, số lượng môn học còn ít nên em đăng ký thêm các môn bắt buộc, tranh thủ tích lũy trong hè. Điều này tránh việc các năm cuối rơi vào tình trạng quá tải, có thời gian để học các môn chuyên ngành và đi thực tập”, Phúc giải thích lý do đăng ký học kỳ 3.

Trước đó, Trường ĐH Công nghệ TPHCM đã thông báo đến sinh viên thuộc hệ đào tạo đại học chính quy, liên thông, văn bằng 2 đăng ký học phần và đóng học phí học kỳ 3, năm học 2022 - 2023. Lịch đăng ký học phần được chia thành nhiều đợt khác nhau, đợt đầu tiên bắt đầu từ ngày 24/4. Tương tự, nhiều trường đại học bắt đầu triển khai giảng dạy học kỳ 3 (học kỳ hè) từ tháng 6. Phần lớn các trường đã cho sinh viên đăng ký học phần qua mạng từ tháng 4 và 5, chốt danh sách học phần vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Cụ thể, tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Phòng Đào tạo của trường đang rà soát các lớp học phần để chính thức mở lớp. Lịch học của học kỳ 3 bắt đầu từ ngày 5/6. Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhà trường cho sinh viên đăng ký học kỳ 3 theo từng nhóm: Chương trình tiên tiến, chất lượng cao; khóa 2019 trở về trước; khóa 2020, 2021; sinh viên toàn trường và sinh viên học cùng lúc 2 chương trình.

Sinh viên được đăng ký tối đa 12 tín chỉ trong học kỳ này. Với những học phần có điều kiện tiên quyết hoặc học trước, sinh viên phải hoàn thành trong các học kỳ trước mới được đăng ký. Ở Trường ĐH Sài Gòn, học kỳ 3 (gọi là học kỳ phụ) được triển khai đăng ký từ đầu tháng 4. Kết quả đăng ký học phần, thời khóa biểu dự kiến được công bố vào ngày 15/6 và triển khai giảng dạy ngay sau đó.

Thời gian tổ chức học kỳ 3 ở các trường đại học dao động 6 - 8 tuần, bao gồm cả thời gian thi kết thúc học phần. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, học kỳ 3 (gọi là học kỳ hè) được triển khai từ ngày 3/7 đến 6/8. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức học kỳ 3 trong 5 tuần, thi kết thúc học phần trong 1 tuần. Việc đăng ký môn học được ưu tiên cho sinh viên năm cuối, sinh viên học kéo dài so với sinh viên khác.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, thời gian học kỳ này kéo dài 5 tuần, bắt đầu từ 3/7 đến 6/8. Tiếp đó, trường dành 1 tuần để tổ chức thi hết học phần. Với các học phần tại phòng lý thuyết hoặc máy tính, phải có từ 30 sinh viên trở lên đăng ký, trường mới mở lớp. Trong khi đó, với học phần thực hành tại trung tâm thí nghiệm, xưởng thực hành, điều kiện mở lớp từ 20 sinh viên trở lên.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh: NTCC

Cơ hội để sinh viên học vượt, trả nợ môn

Theo ghi nhận ở các trường đại học, phần lớn người học đăng ký học kỳ 3 là sinh viên năm thứ 2 trở lên. Số lượng sinh viên đăng ký học trong dịp hè chiếm khoảng 30 - 40% sinh viên toàn trường.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, hè này có khoảng 8 nghìn trong số hơn 20 nghìn sinh viên toàn trường, đăng ký học tập. Mục đích học kỳ 3 được nhà trường xác định là giúp giảm tải cho học kỳ chính, tạo điều kiện cho sinh viên có thể học lại, cải thiện các học phần, hoàn thành khóa học đúng hạn.

Ngoài ra, học kỳ này còn là cơ hội để sinh viên có nhu cầu học vượt các học phần trong chương trình đào tạo, giúp rút ngắn thời gian tốt nghiệp. “Do đó, đa số sinh viên đăng ký học hè là các em học năm thứ 2, 3 và 4. Sinh viên năm nhất thường về quê sau khi kết thúc các học kỳ chính bởi các em nhớ nhà hoặc chưa có nhu cầu học vượt”, ThS Phạm Thái Sơn giải thích.

Trường ĐH Nha Trang định hướng riêng với tất cả sinh viên năm thứ nhất, sau khi kết thúc học kỳ 1 và 2, được dành toàn bộ thời gian hè cho môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh theo quy định. Trường này có khoảng 2 nghìn sinh viên năm 2, 3, 4 đăng ký học các học phần trong học kỳ hè và khoảng 3,5 nghìn sinh viên năm thứ nhất học Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Với quy mô 15 nghìn sinh viên, số lượng sinh viên học kỳ 3 tại trường chiếm khoảng 30 - 40%.

TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Nha Trang cho rằng, việc tổ chức học kỳ 3 có nhiều mục tiêu quan trọng. Một mặt, giúp sinh viên có cơ hội học trả nợ các học phần chưa đạt điểm tích lũy (bị rớt môn). Mặt khác, thời gian này sinh viên có cơ hội học vượt tích lũy tín chỉ để ra trường trước thời hạn, cải thiện để có điểm tích lũy cao. Ngoài ra, nhiều sinh viên đăng ký học cùng lúc 2 chương trình có điều kiện tích lũy học phần của chương trình thứ hai nhanh nhất có thể.

Theo TS Tô Văn Phương, học kỳ 3 được coi là học kỳ phụ ở các trường nên thường được sử dụng để việc giảng dạy một số học phần chung với nhiều sinh viên có nhu cầu học tập. Đồng thời, nhà trường phải cân nhắc với bài toán đảm bảo giảng viên để giảng dạy các học phần này. “Về phía sinh viên, cần lưu ý, thời gian học kỳ hè thường chỉ bằng một nửa thời gian học kỳ chính nên thời khóa biểu các học phần sẽ tăng mật độ theo tuần. Sinh viên phải hết sức tập trung học tập mới kỳ vọng đạt điểm cao”, TS Tô Văn Phương nói.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng cho rằng, thời gian học kỳ 3 khá hạn hẹp. Các trường đại học thường tổ chức học kỳ 3 trong 8 tuần, so với học kỳ chính kéo dài 15 tuần. “Phần lớn sinh viên năm 2 trở lên nghĩ rằng, việc đăng ký học kỳ hè dễ thở hơn. Tuy nhiên, quan niệm này không đúng, các em phải nỗ lực không kém học kỳ chính mới mong đạt kết quả tốt”, ThS Phạm Thái Sơn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.