Đọc sách để viết câu chuyện của mình

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều hoạt động nhằm gây dựng lại văn hóa đọc được các nhà trường, địa phương tại Nghệ An tích cực tổ chức. Từ đó, khơi dậy niềm say mê, thích thú khám phá thế giới tri thức cho học sinh.   

Thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: T.G
Thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: T.G

Quan trọng hơn từ những cuộc đời, trải nghiệm của nhân vật trong trang sách, các em đã tự viết lên câu chuyện của riêng mình, dù còn ngây ngô hay chưa trọn vẹn.

Xây dựng văn hóa đọc từ nhà trường

Dù còn mới mẻ, nhưng “Tiết học thư viện” được các bạn học sinh Trường Tiểu học xã Đồng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) háo hức mong chờ. Điều đặc biệt của tiết học này là các em sẽ học tại thư viện, trong một không gian thân thiện, gần gũi.

Thầy cô giáo hướng dẫn học sinh đọc truyện, chia sẻ những quyển sách mà các em yêu thích. Hàng tháng, vào tiết chào cờ đầu tuần, nhà trường cũng tổ chức những cuộc thi kể chuyện theo sách để khuyến khích các em đọc sách và học những điều thú vị, bổ ích.

Cô Nguyễn Thị Dung - Hiệu trưởng nhà trường: Với học trò nông thôn, việc có một quyển sách là điều không dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi chọn đầu tư vào thư viện, tạo không gian đọc sinh động cho các em. Qua thời gian hoạt động, các em yêu thích thư viện, phong trào đọc của nhà trường nhờ đó sôi nổi, thiết thực và ý nghĩa hơn.

Là đơn vị gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do xây dựng đã lâu, cơ sở vật chất xuống cấp. Tuy nhiên, Trường Tiểu học xã Đồng Thành vẫn dành 2 phòng học với diện tích gần 100 m2 để xây dựng thư viện cho học sinh. Đồng thời huy động hàng nghìn đầu sách phục vụ bạn đọc nhỏ.

Cô Nguyễn Thị Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với học trò nông thôn, việc có một quyển sách là điều không dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi chọn đầu tư vào thư viện, tạo không gian đọc sinh động cho các em. Qua thời gian hoạt động, các em yêu thích thư viện, phong trào đọc của nhà trường nhờ đó sôi nổi, thiết thực và ý nghĩa hơn.

Tương Dương là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của Nghệ An với đa số học sinh là người dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông… Nhiều trường tiểu học có gần 10 điểm lẻ. Nhưng bất cứ ngôi trường nào cũng đều có thư viện, tủ sách cả ở trong phòng lẫn ngoài trời.

Dù số lượng đầu sách chưa được phong phú, nhưng điều quan trọng là tất cả các em học sinh đều được đọc sách, tìm hiểu những điều mới mẻ. Các thầy cô, nhà trường còn tích cực vận động nhiều nhà hảo tâm, bạn bè, các tổ chức thiện nguyện tặng sách giáo khoa, truyện cho học sinh.

Bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện phấn khởi nói: “Chúng tôi xin được rất nhiều sách cho học sinh và chỉ đạo các trường xây dựng thư viện xanh với nhiều hình thức, phân loại sách cho phù hợp với từng lứa tuổi. Các em cũng có thể mượn sách về nhà đọc. Nếu lỡ làm mất sách cũng không sao, mất thì mua lại hoặc trường, Phòng Giáo dục sẽ đi xin tiếp. Sách để trên giá sẽ là sách chết”.

Cùng với xây dựng thư viện, tủ sách phong trào đọc và làm theo sách cũng được tổ chức khá rầm rộ. Vừa qua, Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP Vinh) tổ chức ngày hội sách với nhiều hoạt động: Trưng bày triển lãm sách; bán các tác phẩm do các em sáng tác; tổ chức ngày hội ẩm thực để gây quỹ giúp đỡ các bệnh nhi bị ung thư.

Tương tự, Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương), nhiều năm nay tổ chức cho học sinh lên vùng cao để chia sẻ, tặng sách đến bạn khó khăn. Trường cũng tổ chức ngày hội đọc, triển khai hoạt động ngoại khóa “chia sẻ nội dung cuốn sách mà em yêu thích vào cánh diều để gửi cho người bạn thân”.

Đến các đại sứ văn hóa đọc

“Ngày trước, mình thích xem phim hoạt hình và chơi trò chơi điện tử, chơi điện thoại. Nhưng kể từ ngày đọc Dế mèn phiêu lưu ký đến nay nếu được lựa chọn giữa việc đọc nguyên tác và xem phim trên màn ảnh, mình sẽ chọn đọc sách. Tại sao? Đó là trí tưởng tượng. Bạn hãy đọc sách với sự đam mê và cả trái tim”, đó là những dòng tâm sự khi viết cảm nhận về một cuốn sách trong bài dự thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2019” của em Nguyễn Trần Minh Ánh (lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương, Nghệ An). Em cũng là một trong 24 đại sứ vừa được trao giải tại cuộc thi này.

Dù mới chỉ là học sinh lớp 5, nhưng Minh Ánh đã thể hiện được vốn từ, sự hiểu biết khá phong phú với những cảm nhận tinh tế, mà với em đó là những điều học được từ sách.

Mong muốn khuyến khích các bạn đọc sách, Minh Ánh còn xây dựng kế hoạch cụ thể: Huy động các bạn góp sách, trao đổi sách với nhau; đề xuất cô phụ trách Đội thành lập CLB đọc sách của trường; vận động mọi người tham gia các cuộc thi viết; kêu gọi tặng sách cho bạn vùng cao…

Còn em Tuấn Minh (Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, TP Vinh) lại sáng tác một câu chuyện về tình cảm của chú chó Max và con mèo Mimi dành cho người chủ của mình. Em còn vẽ tranh minh họa, viết song ngữ Việt - Anh. Cậu bé chia sẻ: Đọc sách và sáng tác truyện tranh từ những điều mình nghĩ, tưởng tượng là sở thích của em.

Tùy vào điều kiện thực tế mà rất nhiều thư viện xanh, thư viện mở đã được thành lập. Ngoài ra còn có tủ sách mini trong mỗi lớp học. Hàng tháng, giáo viên chủ nhiệm sẽ khuyến khích các em mang sách đến lớp để cùng trao đổi với nhau. Cô giáo là người định hướng để lựa chọn cho các em những cuốn sách hay, bổ ích.

Cũng với trí tưởng tượng phong phú, Phạm Ngọc Nữ - học sinh lớp 8A, Trường THCS Cao Xuân Huy (Diễn Châu) đã sáng tạo một câu chuyện nói về vai trò của việc đọc sách hiện nay, thông qua tác phẩm “Câu chuyện về thành phố đọc”.

Ở trong tác phẩm này, Ngọc Nữ xây dựng hình ảnh một thành phố, văn minh, hiện đại của thế kỷ 30. Nhưng càng phát triển, cư dân của thành phố lại càng kiêu căng, tự phụ. Họ dần phụ thuộc vào máy móc, robot không tự tìm hiểu kiến thức, sách báo...

Đến một ngày, khi thư viện cuối cùng đóng cửa, thành phố bị một quái vật xâm chiếm và họ buộc phải đối diện một cuộc đấu trí. Tuy nhiên, cũng chính lúc này, cư dân nhận ra lâu nay không đọc sách, không tích lũy kiến thức, mọi thứ đều trống rỗng.

Và 3 nhỏ Min, Kai, Gyu đã có một hành trình ngược về quá khứ để tìm hiểu xem ngày xưa, mọi người đã sống, lấy tri thức từ đâu… để tìm cách giải cứu thành phố đọc. Chia sẻ về câu chuyện của mình, Phạm Ngọc Nữ cho biết: “Sách không chỉ giúp nâng cao vốn hiểu biết mà còn để em hiểu được chính bản thân mình và từng bước hoàn thiện bản thân...”.

Gần 190.000 bài thi tham dự cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, mỗi bài thi đều thể hiện một ước mơ của học trò đối với việc đọc sách hiện nay.

Ông Dương Duy Tiến - Giám đốc thư viện Nghệ An - thành viên của ban tổ chức chia sẻ: Cuộc thi thành công và đạt kết quả nhiều hơn mong đợi. Chúng tôi thấy được năng lực sáng tạo, khám phá không giới hạn của các em qua ý tưởng viết sách, làm thơ hay sáng tác nhưng câu chuyện tranh thú vị. Các em đã tự khám phá bản thân mình và cũng chính là những đại sứ văn hóa đọc, người lan tỏa tình yêu sách đến mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ