Chợ “xin” chữ phố ông Đồ
Sài Gòn có nhiều chợ, nhưng chợ xin chữ ở phố ông Đồ mỗi năm họp một lần, là điểm quen thuộc của giới trẻ “check-in” khi mỗi dịp Tết đến xuân về.
Liên tục hơn 14 năm qua, phố ông Đồ trên đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 1) được tổ chức, thu hút đông người tới chụp ảnh, xin chữ. Mỗi gian hàng đều được trang trí mang đậm không khí ngày Tết. Mọi ông đồ đều mặc áo dài, khăn đóng khi cho chữ. Hằng năm, với nhiều gian hàng có cả “bà đồ” viết thư pháp.
Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống đã có từ lâu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt Nam. Đây là một nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc.
Đến phố ông Đồ, mọi người sẽ lạc giữa một không gian đậm không khí Tết truyền thống ở Việt Nam với những tiểu cảnh, vườn mai vàng rực. Mỗi năm, phố ông Đồ lại được thiết kế và mở rộng, có thêm nhiều điểm check-in độc lạ, tạo một điểm nhấn khác biệt so với mọi năm.
Những dịp đầu năm mới, trên dọc đường “du xuân” nhiều người dân Sài Gòn lại ghé qua phố ông Đồ, xin đôi câu đối hay một chữ NHẪN, PHÚC, LỘC, AN… đẹp đẽ mang về để treo, với mong muốn một năm mới an nhiên, phúc, lộc đến với mỗi gia đình.
Chợ hoa “Trên bến dưới thuyền”
Nhắc đến chợ hoa ở Sài Gòn, người ta không thể bỏ qua chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông (Quận 8). Đây là một trong những điểm tổ chức bán hoa Tết hàng năm của TPHCM, không chỉ phục vụ cho người dân Quận 8 và khu vực lân cận, mà nơi đây thu hút nhiều người đến tham quan và mua sắm bởi chợ hoa ở đây có giá “hạt rẻ”, hàng hóa lại phong phú.
Bên cạnh đó, chợ hoa Tết bến Bình Đông còn mang nét đặc trưng của dáng dấp miền sông nước, nó không chỉ gợi lên trong chúng ta một cảm giác hoài niệm về Tết quê hương, mà còn mang đến một cảm giác thanh bình bởi sắc xuân riêng có ở Sài Gòn.
Đã từ rất lâu, mỗi năm cứ đến tháng Chạp là các chủ vườn hoa kiểng tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang… lại chất đầy hoa cây cảnh trong mùa Tết theo những chuyến ghe chở hàng xuôi về TPHCM và cập lại ở bến Bình Đông.
Nơi đây, vừa là nơi trung chuyển các loài hoa đến những điểm bán lẻ ở địa bàn khác, vừa là bến lên hàng bán tại chỗ cho người dân trong vùng và khu vực xung quanh, với nhiều loài hoa Tết như hoa mai, vạn thọ, lay ơn, cúc, tắc… càng ngày các loài hoa càng đa dạng và kể cả các loại bonsai nghệ thuật độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu của người tham quan, mua sắm dịp Tết.
Ngoài những thuyền hoa, nơi đây còn là nơi “hội tụ” những chiếc thuyền chở đầy các loại trái cây từ miền Tây, đủ các loại trái chưng ngày Tết như dưa hấu, bưởi, mãng cầu, đu đủ, xoài, quýt… trái cây được bán ở đây luôn tươi, ngon, và “độc lạ”.
Những người bán hoa và trái cây nơi đây thường là các chủ vườn ở miền Tây, họ mang những sản phẩm mình trồng lên bán trực tiếp, hoặc những thương hồ hay những người mua đi bán lại, nhưng dù là ai đi nữa thì nhìn chung họ luôn nhiệt tình và chất phác, niềm nở giới thiệu và chào đón khách, với giá bán rẻ hơn nhiều so với các chợ hoa khác.
Người đi chợ hoa thì có nhiều mục đích khác nhau, có người đi để ngắm hoa, có người đi để tìm cho mình một chậu hoa kiểng vừa ý để chưng Tết, có người đi để “check-in” cùng với bạn bè về không khí Tết quê hương…
Chợ hoa Trên bến dưới thuyền luôn nhộn nhịp người mua kẻ bán tấp nập, nói cười rôm rả, sắc màu của các loài hoa soi mình dưới bóng nước, những con thuyền yên ả neo đậu, hòa quyện cùng không gian cổ kính của những ngôi nhà cổ còn sót lại, tạo cho chợ hoa Tết bến Bình Đông một nét riêng độc đáo chỉ có ở Sài Gòn.
Chợ lá dong
Cứ vào khoảng 20 tháng Chạp, đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình) dài nửa cây số (đoạn từ ngã ba đường Ông Tạ đến gần ngã tư Bảy Hiền), lại phủ một màu xanh mướt mắt từ các loại lá dong, lá chuối.
Đoạn đường này được người dân gọi bằng cái tên dân dã là chợ lá. Lý do là nơi đây bán toàn các loại lá dong, lá chuối, dây lạt, khung, gói bánh chưng, bánh tét. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần nhưng đã trở thành nét đặc trưng của người Sài thành.
Gọi là “chợ” cho oai chứ ở đây không có quầy sạp, phân lô, chẳng ban quản lý… nhưng hoạt động kinh doanh rất trật tự. Ai đến trước xí chỗ trước, người tới sau lấp vào chỗ còn lại, có khi chợ “họp” ngay trước cổng Trường THCS Tân Bình, hay trước UBND phường 7, việc bán mua chỉ diễn ra vẻn vẹn khoảng một tuần.
Ở đây, hàng nào cũng như nhau, chẳng có chuyện nói thách, kỳ kèo. Đến chợ, khách hàng dừng lại, ngó nghiêng, hỏi giá là mua chứ không phải kiểu “hỏi rồi bỏ đi”. Người bán cũng vậy, chân chất, mộc mạc nói thiệt bán hàng chứ không tâng bốc hay “ghim hàng, đẩy giá”.
Theo lời của một người bán, lá có nguồn gốc từ Bà Điểm (H.Hóc Môn), Phương Lâm, Gia Kiệm (tỉnh Đồng Nai)… Nếu như những ngày 20 đến 23 tháng Chạp, người mua lá đa phần là mua sỉ thì từ 25 đến 27 tháng Chạp, khu bán lá lại nhộn nhịp người mua lá về gói bánh cho gia đình để có không khí ngày xuân.