Đình Kim Liên (ở 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa) là một “tứ Trấn” – trấn phía Nam của Kinh thành Thăng Long xưa. Đình còn có tên là đền Kim Liên hoặc đền Cao Sơn. Cụm di tích lịch sử Đình - Đền Kim Liên đã được Bộ Văn hóa công nhận và xếp hạng di tích Quốc gia năm 1990.
Đền vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ). Đình Kim Liên được xây dựng tựa lên một gò đất cao nhất vùng này cũng là nơi mở ra ô Kim Hoa (còn gọi là ô Đồng Lầm), cửa ngõ giao lưu giữa vùng Sơn Nam về với Kinh thành.
Theo tài liệu lưu giữ tại đền, đền này được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tổ ngay khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng mang quân đi chinh phạt, cầm cờ tiết mao, vác bùa hoàng kim. Đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp, lại có ngôi đền cổ bên trong dựng một tảng đá ghi bốn chữ "Cao Sơn Đại Vương". Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ.
Nhiều nghi lễ thể hiện trang nghiêm... (Ảnh: Đăng Chung). |
Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn được lập ở Phụng Hóa. Sau khi nhà Vua lên ngôi, nghĩ đến ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn, năm 1509 vua xin thỉnh ngài về đây và cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở làng Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ. Sau này, dân làng Kim Liên đã lập thêm tam quan ở phía trước đền ngay sát đầm Kim Liên và bổ sung một số kiến trúc mới, tạo thành đình Kim Liên.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch UBND phường Phương Liên đọc tuyên chúc văn khấu “Thượng đẳng tối linh thần Cao Sơn Đại Vương” thiên hạ trong tiếng chiêng, trống oai hùng. (Ảnh: Đăng Chung). |
Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết, các hoạt động diễn ra tại Lễ nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống di sản văn hóa địa phương, giáo dục tình yêu quê hương, đât nước, truyền thống cách mạng, giữ gìn và bảo tồn những thuần phong mỹ tục của nhân dân phường Phương Liên. Trong lễ hội đình và đền Kim Liên còn có nhiều trò chơi truyền thống như: cờ người, bóng bàn, thi đấu võ thuật, ca múa nhạc cùng sự trình diễn của Hội làng nghề cắt tóc Kim Liên thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng tham gia...
Di tích đền Cao Sơn trở thành một hiện tượng đặc biệt về Hà Nội xưa; vừa tạo dựng việc đánh dấu mốc giới phía Nam Kinh thành thời cổ, đồng thời tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ cho Kinh thành. Cùng với thần Bạch Mã ở đền Bạch Mã, thần Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, thần Linh Lang ở đền Thủ Lệ họp thành “Thăng Long tứ Trấn” trên đất nội thành Hà Nội.