Độc đáo dòng tranh trên lá thốt lốt

GD&TĐ - Từ lâu đời các nhà sư ở các chùa Khmer Nam bộ đã biết dùng lá thốt nốt để viết và lưu giữ những pho kinh kệ cổ nhưng dùng lá thốt nốt để “vẽ” tranh thì chỉ mới xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ 20.

Nghệ nhân Võ Văn Tạng tại phòng tranh của mình
Nghệ nhân Võ Văn Tạng tại phòng tranh của mình

Nuôi đam mê hội họa theo năm tháng

Người thực hiện những bức tranh ghép trên chất liệu lá thốt nốt đầu tiên chính là nghệ nhân Võ Văn Tạng ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, An Giang). Ông đã thực hiện hàng ngàn bức tranh theo nhiều đề tài, kích cỡ và được nhiều người yêu thích.

Hiện nay, trong phòng khách của nhiều công sở, khách sạn ở An Giang thường treo một vài bức tranh chép trên lá thốt nốt như: Chân dung Bác Hồ, Quê hương Bảy Núi, Tùng hạc, Chúa sơn lâm, Mã đáo thành công… của nghệ nhân Võ Văn Tạng, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thoại Sơn, An Giang.

Niềm say mê và năng khiếu hội họa của nghệ nhân Võ Văn Tạng đã được bộc lộ từ rất sớm. Hồi còn đi học phổ thông, ông đã có tiếng vẽ đẹp, nhưng khi tốt nghiệp THPT, ông lại thi vào ngành ngân hàng.

Trong những năm tháng làm cán bộ, rồi ở cương vị Giám đốc Chi nhánh ngân hàng, ông vẫn dành thời gian để vẽ như một cách thư giãn và thỏa mãn niềm đam mê. Ông vẽ bằng nhiều chất liệu và có lần đã thử nghiệm vẽ trên lá cây thiên tuế phơi khô nhưng không thành công.

Tranh phong cảnh.
Tranh phong cảnh.
Bức Mã đáo thành công.
Bức Mã đáo thành công.

Luôn trăn trở về một hướng đi mới trong sử dụng chất liệu cho hội họa, ông Tạng không ngừng tìm tòi thử nghiệm. Trong một lần cùng các cộng sự của mình đi thẩm định cho đồng bào Khmer vay vốn thực hiện dự án làm quạt bằng lá thốt nốt ở xã Vọng Thê, (huyện Thoại Sơn) ý tưởng vẽ tranh trên lá thốt nốt đã gợi lên trong ông.

Học theo kinh nghiệm của các nhà sư Khmer dùng lá thốt nốt để ghi chép kinh kệ trong vùng, ông cũng công phu chọn lựa những lá non của những cây thốt nốt có tuổi đời từ 8 năm trở lên để thực hiện tranh, vừa có độ bền, vừa có chất lượng cao.

Theo ông Tạng, thời gian cắt lá thốt nốt tốt nhất là vào đầu mùa nắng, phơi khô trong khoảng 2 tuần, ngâm với nước phèn rồi lại tiếp tục phơi khô lần nữa. Công đoạn tiếp theo là cắt thành từng phiến thẳng và tùy theo kích cỡ của từng bức tranh mà thực hiện các họa tiết trên khuôn.

Để thực hiện các họa tiết của tranh phải dùng bút lửa sử dụng, giống như mũi hàn điện, tỉ mỉ nhấn nhá độ đậm nhạt một cách công phu.

Hầu hết những bức tranh ông thể hiện trên lá thốt nốt là chép từ những bức ảnh phong cảnh, chân dung và những bức tranh nổi tiếng từ cổ chí kim của hội họa trong nước và thế giới. Nhiều bức tranh khổ lớn ông phải thực hiện hàng tháng trời.

Sự công phu làm nên nét độc đáo của tranh ghép trên lá thốt nốt là ở chỗ không dùng sơn màu, mà chỉ phối hợp giữa những họa tiết với 4 màu cơ bản là nâu, đen, vàng sẫm và trắng bằng cách nhấn nhá đường nét lúc đậm, khi nhạt của bút điện (bút lửa).

Tranh vẽ xong được đánh bóng bằng loại dầu bảo vệ lá rồi đóng khung, đó cũng chính là ưu điểm độc đáo làm nên giá trị nghệ thuật của dòng tranh sáng tác, sao chép được thể trên chất liệu lá thốt nốt của ông.

Ưu điểm nổi bật tiếp theo có thể kể đến, chính là tuổi thọ của một một bức tranh lá thốt nốt là gần 100 năm. Đây là một trong những lý do khiến cho nhiều người mê chơi tranh lá thốt nốt.

Nghệ nhân Võ Văn Tạng đang dạy nghề cho các học viên.

Nghệ nhân Võ Văn Tạng đang dạy nghề cho các học viên.

Truyền nghề cho thế hệ trẻ

Kể từ ngày cho ra đời bức tranh chép có tên Tùng hạc trên lá thốt nốt đầu tiên vào năm 1996, đến nay, ông Tạng đã thực hiện hàng chục ngàn tác phẩm với nhiều kích cỡ, đề tài khác nhau rất độc đáo và phong phú.

Năm 2003, sau khi nghỉ hưu, ông Tạng thành lập cơ sở vẽ tranh lá thốt nốt tại địa chỉ số 48 đường Hùng Vương, thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, An Giang). Cơ sở ông có hàng chục lao động do đích thân ông truyền nghề.

Các tác phẩm của cơ sở ông đa dạng về thể tài, từ tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình của làng quê Việt Nam, tranh chân dung, đến tranh thờ cúng (phúc, lộc, thọ)… bức nào cũng sống động và có vẻ đẹp riêng.

Đặc biệt, bức tranh Bản di chúc Bác Hồ khổ 1,22m x 2,24m đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và ông xứng danh là người thực hiện tranh trên lá thốt nốt nhiều nhất, độc đáo nhất ở nước ta hiện nay.

Hơn chục năm trở lại đây, ngoài quan tâm mở rộng quy mô cơ sở vẽ tranh của mình, ông Tạng còn mở lớp dạy nghề vẽ tranh trên lá thốt nốt cho thế hệ trẻ ở địa phương.

Hiện nay, tại cơ sở vẽ tranh của ông thường xuyên có hàng chục em học viên vừa học nghề, vừa làm và được ông trả lương từ 2.000.000-3.000.000 đồng/tháng/học viên. Ông cho biết, ông thấy vui vì đã tạo cơ hội học nghề và việc làm cho các bạn trẻ, ông hy vọng thông qua những lớp dạy nghề này, nghệ thuật vẽ tranh trên lá thốt nốt sẽ được bảo tồn, phát triển không bị thất truyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.