Điều kỳ diệu của nghệ thuật
Trong tư liệu Nhạc sĩ hiện đại Việt Nam, Xuân Hồng tự bạch như sau về gia cảnh của mình: “Tên khai sanh tôi là Nguyễn Hồng Xuân, khi lớn lên đi tham gia cách mạng, trong giao dịch thư từ công tác, thỉnh thoảng tôi nhận được thư ngoài phong bì đề: Mến gởi chị Hồng Xuân.
Qua nhiều lần tôi cảm thấy tự ái vì mình đường đường là con trai mà có ai đó cố ý hay vô tình định lẳng mất đi cái thiên chức mày râu của mình thì thất bại quá, thậm chí nguy hiểm nữa. Dù vậy, tôi vẫn giữ tên ấy trong khai sanh của mình. Nhưng khi bắt đầu sáng tác nhạc, tôi đảo ngược lại theo kiểu hợp âm đảo một, trong luật hòa âm của âm nhạc để nghe cho có vẻ khỏe hơn, nhưng rồi Xuân Hồng cũng chẳng cứng cáp gì hơn Hồng Xuân.
Tuy nhiên, có điều làm tôi thú vị, bởi lẽ, qua văn học nghệ thuật, nói cụ thể là qua chữ nghĩa, nhất là qua tác phẩm, làm cho sự tưởng tượng của con người đẹp thêm lên. Đó chính là điều kỳ diệu của nghệ thuật.
Nhạc sĩ Xuân Hồng
Tuy làm nghề nông, nhưng ông thân sinh ra tôi có chút ít chữ nghĩa, thích đọc thơ, ca, truyện sử. Ông cụ thích nhất là thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu và Truyện Kiều, của Nguyễn Du, biết nhiều sự tích, chuyện đời xưa và yêu âm nhạc, sử dụng thành thạo hai nhạc cụ độc huyền cầm (còn gọi là đàn bầu) và đàn cò (còn gọi là đàn nhị).
Thỉnh thoảng, cụ hòa nhạc với bạn bè, nhưng thường xuyên chơi một mình, nhứt là vào lúc đêm khuya thanh vắng.
Tôi có hai anh em trai (tôi là em) nhưng không biết ba tôi nhận xét như thế nào mà cụ chỉ dạy đờn cho mỗi mình tôi. Cụ hỏi tôi muốn học cây đờn nào, tôi chọn cây đờn độc huyền, còn đờn cò tôi không thích vì thấy người kéo đờn ngồi coi bộ xấu tướng quá.
Lúc tôi lên năm tuổi, ba tôi bắt đầu dạy tôi đờn theo kiểu truyền ngôn và tôi học tương đối nhanh, được các cụ khen là “sáng dạ”. Khi chưa đi học chữ, tôi đã thuộc lòng và có thể đờn được hàng chục bài nhạc cổ loại ngắn như: Bình bán, Kim tiền, Ngũ điểm, Bài tạ, Hành vân, Lưu thủy đoản, Lạc âm thiều, Long hổ hội, Tam pháp nhập môn, v.v...
Sau khi biết đọc, biết viết, cụ bắt tôi phải học cách đọc thuộc lòng theo bản đờn nhạc cổ hò xự xang xê cống... tập đờn và hòa tấu với cụ.
Cuộc đời tôi không may mắn trên con đường học nhạc. Trong lúc tôi đang say mê học tập thì ba tôi lâm bịnh và mất lúc tôi mới mười ba tuổi.
Tuy không có người dạy tiếp nhưng tôi vẫn tiếp tục chơi theo sự hiểu biết. Ngoài những gì đã học, tôi còn bắt chước được vài ngón rao (dạo đờn) của ba tôi mà nhiều người chung quanh nói rằng nghe rất giống tiếng đờn của ông cụ.
Ba tôi mất, cả nhà đều hết sức đau khổ, nhứt là mẹ tôi. Vì quá buồn nên tôi bỏ bẵng đi một thời gian không đờn ca. Đến một lúc nỗi buồn đã nguôi ngoai, tôi lại đem đờn ra chơi và cứ mỗi lần đánh đờn là hầu như lần nào tôi cũng đều có dạo lại vài câu rao đã bắt chước được của ông già.
Thỉnh thoảng về đêm, sau khi học bài, làm bài, tôi lấy đờn độc huyền ra chơi một mình và những lần như vậy đều bị mẹ tôi rầy. Tôi chưa hiểu vì sao khi ba tôi còn sống, mỗi khi ông chơi đờn mẹ tôi rất thích nghe, đối với tôi, mẹ thường nhắc tập đờn, bây giờ mỗi lần chơi đờn bà lại rầy la con.
Đôi lúc tôi nghĩ nông cạn, có lẽ vì không muốn tôi thức khuya ảnh hưởng tới học hành bà mới la rầy khuyên bảo. Về lý do, bà thường nói: “Ban đêm không nên đờn, vì ma quỉ nó vào nó nghe”. Vốn cũng không mấy gì sợ ma, vả lại, ban ngày bận đi học, ít có thì giờ nên tôi thường chơi đờn về đêm.
Nhiều lần rầy bảo mà tôi vẫn không thôi đến nỗi mẹ tôi phải dọa rằng: “Con không nên chơi độc huyền nữa vì chơi loại đờn này sớm muộn gì cũng bị đui mù. Con không thấy mấy người đờn độc huyền đi ăn xin ngoài chợ đó sao”. Và cây đờn độc huyền chấm dứt đối với tôi từ đó.
Ôi ! Sự non dại của tuổi nhỏ, sự khờ khạo vô tình đôi khi thật đáng trách. Tôi có biết đâu mỗi lần nghe lại tiếng đờn độc huyền như gợi lại trong tâm tư mẹ tôi nỗi buồn nhớ khôn cùng về một quá khứ không bao giờ lặp lại được, đó là hình ảnh của cha tôi và tiếng đờn nỉ non ảo não của ông. Giờ đây mỗi lần nhớ đến chuyện ấy tôi vẫn còn thấy nao nao trong lòng vì nỗi ân hận”.
Biểu tượng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” trưng bày tại Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bình Phước). |
Những bài hát để đời
Thời kỳ này một số bài hát tân nhạc thịnh hành cũng đã “đến tai” cậu thiếu niên Xuân Hồng, như Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Biệt ly của Doãn Mẫn, Thiên thai của Văn Cao... khiến cậu thích thú và muốn tìm hiểu thêm về nhạc Tây.
Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Tây Ninh. Tham gia Thanh niên tiền phong, Xuân Hồng say sưa hát những hành khúc của Lưu Hữu Phước, Tạ Thanh Sơn, Đỗ Nhuận, Hoàng Quý, Phan Huỳnh Điểu v.v..., và bị âm nhạc Cách mạng lôi cuốn từ đây.
Với bản tính hồn nhiên, chân chất nhưng cũng mạnh mẽ, tự tin, Xuân Hồng với vốn âm nhạc của mình đã tự xướng âm và hát được nhiều bài hát của người khác, cũng như tự đệm đàn “nghe được” cho mình.
Sau một thời gian, ông tham gia hoạt động văn nghệ chiến trường, đến năm 1949 cho ra mắt một vài ca khúc đầu tiên nhưng không phổ biến lắm. Mãi đến năm 1960, ông viết đều tay hơn và bắt đầu nổi tiếng với ca khúc Bài ca may áo thật đặc trưng chất giọng Nam Bộ được yêu thích rộng rãi…
Đặc biệt, sau này ông có bài hát Cây đàn guitar của Đại đội 3 vui nhộn, như một phản quang từ cây đàn độc huyền buồn bã của người cha mà ông may mắn được kế thừa từ thuở ấu niên.
Bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo được nhạc sĩ Xuân Hồng viết hoàn chỉnh vào năm 1966 là một tác phẩm có sức sống mãnh liệt, tạo nên một huyền thoại đẹp của người S’tiêng.
Nguyên vào đầu năm 1965, diễn ra chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài, với vai trò là nhạc sĩ của Cục chính trị Quân giải phóng, Xuân Hồng đã đến các buôn, sóc ở vùng Bù Đăng sinh hoạt và ở lại với đồng bào S’tiêng, vận động đồng bào tiếp gạo cho chiến dịch. Thế là ở sóc Bom Bo ánh đuốc lồ ô bập bùng thắp sáng, tiếng chày giã gạo thâu đêm. Âm hưởng của tiếng chày giã gạo đã làm trỗi dậy nơi nhạc sĩ Xuân Hồng nguồn cảm hứng, khơi dòng cho giai điệu, tiết tấu của bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo.
Và rồi ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo ra đời, vang vọng khắp nơi, được biểu diễn trên nhiều sân khấu, từ trong nước đến ngoài nước, để mọi người cùng biết đến một sóc Bom Bo của người dân tộc S’tiêng nhỏ bé nhưng hào hùng.
Sau này, khi trở lại thăm sóc Bom Bo, nhạc sĩ Xuân Hồng được đồng bào S’tiêng đón tiếp theo một nghi thức trang trọng nhất của dân tộc mình. Già làng của sóc đã thay mặt đồng bào S’tiêng bày tỏ tình cảm với ông như một sự tri ân sâu sắc khi nói rằng chính ông là người làm cho nhân dân cả nước biết về cái sóc này.
Ngày nay, cạnh Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có một con đường mang tên Xuân Hồng, còn bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo luôn được biểu diễn như một tiết mục chính chào mừng khách du lịch đến tham quan.