(GD&TĐ) - Không biết có tự bao giờ, nhưng đã thành lệ, mỗi năm chợ họp một lần vào dịp cuối năm. Chợ đồ cổ nằm ở phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp và kéo dài cho tới 30 Tết.
Tháng chạp hàng mã, tháng giêng chợ viềng
Câu ca đã ăn sâu vào tâm trí biết bao thế hệ người Hà Nội, chợ được thành lập từ bao giờ không ai biết chỉ biết rằng nó xuất phát từ việc những gia đình khá giả của Hà Nội gặp lúc thất cơ lỡ vận, nhưng cuối năm vẫn phải có mâm cơm cúng các cụ, đón xuân về đành mang đồ “gia bảo” ra bán. Đây có lẽ là lý do hợp lý nhất khiến “chợ” chỉ được họp từ 20 tháng chạp trở đi, nơi họp chợ cũng liền kề với “chợ” hoa Hàng Lược-Cống Chéo.
Sau này, khi đời sống đã có phần được cải thiện, cái cảnh phải rứt ruột bán lư hương, đỉnh đồng, hoành phi câu đố… để lấy tiền ăn tết đã không còn. Thế nhưng người ta vẫn giữ lệ họp chợ vào những ngày cuối năm để nhớ một thời và cũng là cơ hội để những người yêu cổ vật gặp bạn bè có dịp ôn cố tri tân. Có lẽ vì vậy không hẹn mà nên cứ từ 20 tháng chạp dân chơi đồ cổ lại đổ về nơi đây họp chợ.
Gọi là chợ cho sang, chứ thực ra nó nằm dọc trên con phố Hàng Mã và có khoảng hơn chục sạp hàng. Có điều lạ tất cả những món đồ cổ bày bán tại đây từ những món đồ đắt đỏ đến rẻ tiền đều được bày xuề xòa ở hai bên vỉa hè. Ông Trần Hải (Yên Mỹ, Hưng Yên), một người sưu tầm đồ cổ gần 25 năm đang mải mê ngắm nghĩa những món đồ cổ, ông bảo: Nhiều năm trước, ông được một người bạn giới thiệu đến khu chợ đồ cổ này. Ngay lần đầu đến chợ đã khiến ông mê mẩn bởi chợ mà lại không phải là chợ bởi cả người bán và người mua đều không tính toán đến lợi ích kinh tế.
Từ đó đến nay, năm nào ông cũng lên tham gia. Theo ông Đào Phan Long-Tổng thư ký hiệp hội Gốm và Cổ vật Thăng Long, chợ họp không phải để buôn bán nhằm mục đích buôn bán kiếm lời, mà chủ yếu để những người có chung niềm đam mê trao đổi, giao lưu đồ cổ với nhau: “Chợ họp vào những ngày giáp tết, mỗi người chọn cho mình vài món đồ để rồi cứ hết một năm, người đi xa kẻ ở gần lại gặp nhau, tụ họp tại đây. Có thể năm nay mua món đồ này, năm sau mang ra bán lại. Được gặp gỡ trò chuyện về đồ cổ với những người cùng “nghề chơi” đó mới là niềm vui thật sự của những người trong giới chúng tôi”.
Không chỉ những người sành đồ cổ mới đến nơi này mà chợ còn cuốn hút cả lớp thanh niên ham hiểu biết. “Mới học ở Hà Nội được ba năm nhưng giáp Tết năm nào mình cũng đến đây. Chợ này không chỉ thỏa mãn trí tò mò về các món cổ vật quý giá mà còn giúp những bạn trẻ như mình học hỏi được nhiều hơn về cách cư xử trong cuộc sống hằng ngày”, Nguyễn Thị Thủy - sinh viên khoa Sử trường Đại học Xã hội & Nhân văn tâm sự.
Cái gì cũng bán
Không giống như những chợ buôn bán khác, ở đây thượng vàng hạ cám cái gì cũng có. Cứ cái gì có thể bán được là họ bày, nhưng nhiều nhất và phổ biến vẫn là đồ gốm, đồ đồng mĩ nghệ, đồ sắt… Cũng có rất nhiều “đồ cổ” là những thứ được sử dụng trong thời “bao cấp” nay đã lùi vào quá khứ nhưng sự xuất hiện của nó khiến nhiều người, nhất là những người trẻ ngỡ ngàng như: bàn là than, quả cân đĩa…
Theo những người có thâm niên bán đồ cổ ở chợ phiên này, thường thì những người có niềm đam mê với cổ vật, và phải “chịu chơi” mới tìm đến phố này dịp cuối năm. Lý do đơn giản là giá những món đồ này so với đồ thường, đều cao gấp mấy chục lần. Một chiếc bát sứ men lam cổ hay bát ngọc nhìn cũ, bẩn, bám đầy bụi giá có thể lên đến tiều triệu. Nhiều chủ hàng khu chợ này tâm sự: Nhiều người hiện nay có đam mê với những món đồ cũ kỹ in dấu thời gian, nhưng do tầm hiểu biết và khả năng tài chính không cho phép nên mặc dù rất thích đồ cổ, họ cũng tạm hài lòng với những món đồ giả cổ. Có lẽ vì thế nên ở chợ này không chỉ có những món đồ cổ “xịn”, mà còn có đồ giả cổ hoặc là đồ cũ được sản xuất cách đây vài chục năm.
Tiếng là chợ đồ cổ nhưng ở đây hàng giả cổ khá nhiều nên để có thể mua được một món đồ “cổ” đúng nghĩa cũng là điều không hề dễ. “Trước còn có nhiều đồ cổ thật do người dân nhặt nhạnh mang về bán, chứ giờ còn rất ít. Không phải là người sành đồ cổ thật sự thì có thể dính đồ “dởm” ngay”, ông Trần Văn Tuấn - một người có gần 20 năm chơi đồ cổ ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ. Cách đây khoảng dăm năm, ông ra chợ và “tậu” được chiếc độc bình men rạn, hoa văn rồng cổ màu lam đậm. Chiếc bình này được người bán quảng cáo là cổ trăm phần trăm nên giá lên tới tiền triệu. Mãi sau này, có dịp về thăm làng gốm Bát Tràng phát hiện loại độc bình men rạn giả cổ giống hệt chiếc ông đang trưng ở nhà, giá chỉ hơn 100.000 đồng.
Đi chợ để “mua lại ngày xưa”
Không giống những cái chợ khác, khách đến chợ là phải mua bán, ở chợ đồ cổ ai cũng có thể ngồi ngắm nghía, mân mê, tần ngần hồi lâu rồi lại đặt đồ xuống mà không sợ chủ hàng buông một tiếng phàn nàn. Nếu khách có nhu cầu tìm hiểu lai lịch xuất xứ món đồ bán tại chợ cũng được chủ hàng nhiệt tình giải thích, khách chán buông lời cảm ơn rồi lững thững đi mà không sợ bị “đốt vía”, giải đen.
Tại khu chợ này, do người bán, người mua đều là những người sành hoặc có chút ít hiểu biết về đồ cổ nên họ gặp nhau như những người bạn tri âm, cùng bàn luận, sẻ chia, trao đổi những món đồ cổ mà mình biết, mình có. Nhẹ nhàng, lịch sự trong từng lời ăn, tiếng nói của cả người bán và người mua, làm nên một nét đặc sắc trong phiên chợ cuối năm giữa lòng Thủ đô. Với nhiều người, đi chợ đâu chỉ để ngắm, để nghe, bàn luận về những thứ đã từng “vang bóng” mà còn để tìm lại phép lịch sự, nhẹ nhàng trong giao tiếp của người Hà Nội xưa, cái thứ chỉ còn vương vấn lại rất ít, mà có lẽ chỉ có ở phiên chợ ngắn ngủi này.
Chiều 30 Tết, trong khi nhiều người còn tiếc nuối bởi chưa chọn được món đồ cổ nào nhưng bù lại họ lại được thưởng thức nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội trong phiên chợ đồ cổ cuối năm. Sau nhiều năm hoạt động, chợ đồ cổ dần dần đã trở thành điểm dừng chân tìm hiểu văn hóa Việt của nhiều người cả trong và ngoài nước. Có lẽ vì vậy mà giữa cảnh phố phường tấp nập, cứ mỗi độ xuân về tết đến là chợ đồ cổ lại nhóm họp nơi góc phố Hàng Mã, duy trì hình ảnh “vang bóng một thời”, một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.
Hà An-Lê Nam