Đọc 'Biểu' trong Sử ký Tư Mã Thiên để hiểu lịch sử Trung Quốc rõ hơn

GD&TĐ -'Sử ký' của Tư Mã Thiên luôn được coi là một trong những bộ sử xuất sắc nhất của người Trung Quốc cũng như của thế giới.

Ảnh minh họa: Tiên Long
Ảnh minh họa: Tiên Long

Nó không chỉ được các nhà nho Trung Quốc dùng làm tư liệu chính để học tập, mà cả ở nước ta thời phong kiến.

Thời xưa, sĩ tử nước Nam đều đọc Sử ký bằng chữ Hán. Đến đầu thế kỷ XX, đã có các học giả dịch bộ sách sang tiếng Việt, từ Phan Khôi, Nhượng Tống, Phan Ngọc, Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi… Tuy nhiên, do nhiều lý do, hầu hết các bản dịch đều chưa thể dịch trọn vẹn tác phẩm vĩ đại này.

Sử ký của Tư Mã Thiên gồm năm phần: Bản kỷ, Thế gia, Liệt truyện, Thư và Biểu. Hầu hết các bản dịch tiếng Việt trước đây đều tập trung vào các phần Bản kỷ, Liệt truyện, Thế gia, vì đây là các phần quan trọng nhất, nói về tiểu sử, phả hệ của các hoàng gia, chư hầu, các nhân vật nổi bật trong lịch sử Trung Quốc. Phần Thư và Biểu thường được lược bớt, không dịch hoặc không in vì sẽ khiến bộ sách quá đồ sộ so với nhu cầu và túi tiền của người đọc.

Mới đây nhất, bản dịch của Nguyễn Đức Vịnh (NXB Văn học và Đinh Tị Book phát hành năm 2022) đã bổ sung phần khiếm khuyết, với tập đầu tiên được ra mắt gồm 2 phần Bản kỷ và Biểu. Đây là lần đầu tiên, phần Biểu của Sử ký bằng tiếng Việt được ra mắt độc giả.

Sử ký có 130 quyển thì phần Biểu chiếm 10 quyển, từ quyển thứ 13 đến quyển 22. Đây là phần lập bảng ghi các mốc thời gian quan trọng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, cho thấy sự tiếp nối của các triều đại, các sự kiện quan trọng và bản phả hệ của hoàng gia, bao gồm từ thiên tử nhà Chu đến các chư hầu.

Tư Mã Thiên đã viết rằng: “Biên niên sử rất khó để theo dõi khi có quá nhiều dòng phả hệ khác nhau tồn tại cùng một lúc”. Do đó, nếu đối chiếu phần Biểu thì có thể biết được trong cùng một mốc thời gian, việc gì xảy ra ở đâu, liên quan đến nhân vật nào…

Ấn bản lần này của NXB Văn học có 718 trang, thì phần Biểu chiếm tới 404 trang, tức 56%. Phần Biểu được đặt ngay sau phần Bản kỷ, giúp bộ khung về lịch sử được mở rộng và củng cố hơn. Đọc phần Biểu, độc giả có thể hình dung cơ bản về dòng chảy lịch sử Trung Quốc.

Theo dịch giả Nguyễn Đức Vịnh, phần Biểu là công trình vĩ đại của Tư Mã Thiên, vì vào thời đại của nhà sử học này, giấy còn chưa được phát minh ra, công cụ ghi chép chủ yếu là thẻ tre và lụa, vậy mà tác giả có thể kẻ ra những tấm bảng với một chiều có thể lớn tới hàng chục ô, một chiều có thể lên tới hàng trăm ô, chỉ riêng công việc ấy đã gian nan biết chừng nào.

Ngoài ra, còn phải sắp xếp sử liệu, xác định thời gian, địa điểm và đặt chúng vào những vị trí chính xác. Điều đó cho thấy Tư Mã Thiên là một nhà nghiên cứu cẩn trọng, làm việc cực kỳ tỉ mỉ.

Trong phần Biểu, ngoài phần Tam đại thế biểu chép về Ngũ Đế và thời Tam đại, phần Thập nhị chư hầu niên biểu là biểu về mười hai nước chư hầu, nhưng thực tế chép về 13 nước, gồm Lỗ, Tề, Tấn, Tần, Sở, Tống, Vệ, Trần, Thái, Tào, Trịnh, Yên, Ngô, ngoài ra còn có nhà Chu và cột năm Can Chi để xác định thời gian. Dịch giả đã bổ sung thêm cột ghi năm Dương lịch để độc giả tiện theo dõi. Theo tiến trình lịch sử, các quyển sau lần lượt là Lục quốc niên biểu, Tần Sở chi tế nguyệt biểu…

Nhìn vào từng dòng trên phần Biểu, có thể nắm được các sự kiện diễn ra cùng năm. Ví dụ ở Thập nhị chư hầu niên biểu, xem dòng năm 672 TCN, ta biết ở nhà Chu lúc đó là năm Chu Huệ vương thứ 5, năm đó mẹ của thái tử mất sớm, Huệ hậu sinh được Thúc Đái.

Bên nước Tề, có sự kiện Trần Hoàn từ nước Trần chạy sang, dòng tộc của Điền Thường bắt đầu từ đấy. Bên nước Tấn, tiến hành cuộc thảo phạt người Ly Nhung, có được Ly Cơ. Bên nước Tần xây dựng Mật Chỉ. Ở nước Sở, em vua là Uẩn giết vua Đổ Ngao để tự lập. Bên nước Trần, con của Trần Lệ Công là Hoàn chạy sang nước Tề.

Ở nước Trịnh, năm đó Trịnh Văn công là Tiệp lên ngôi… Phần Thập nhị chư hầu biểu bắt đầu từ năm Cộng Hòa nguyên niên (841 TCN) sau khi Chu Tuyên vương lên ngôi đến sau khi Khổng Tử qua đời (477 TCN), các phần tiếp theo tiếp tục nối tiếp niên đại, đến khoảng năm 97 TCN, và còn được đời sau còn chép thêm niên biểu cho đến năm 87 TCN mới chấm dứt.

Dù được cho là phần ít giá trị văn học nhất trong bộ Sử ký, nhưng đây lại là phần có giá trị nhất về phần sử học, nó khiến cho vô số nhân vật không bị bỏ quên và vô số sự kiện có dịp được nhắc đến. Nếu yêu lịch sử, chắc chắn đây sẽ là tài liệu quan trọng để độc giả kết nối mối liên quan giữa các dữ kiện, nhân vật và có cái nhìn bao quát đối với từng sự kiện trong bối cảnh rộng lớn của thời cuộc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.