Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách TP năm 2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mỗi ngày TP.HCM đặt mục tiêu thu ngân sách 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước thực tế kẹt xe như hiện nay, trên tổng số 40.000 phương tiện vận tải đang hoạt động, trung bình mỗi giờ, TP có thể phải chịu thiệt hơn 2 tỷ đồng.
Quản lý một doanh nghiệp vận tải ở quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, những ngày cao điểm kẹt xe, doanh thu của công ty giảm đến 10% vì hàng hóa tồn kho, chi phí xăng dầu, nhân công vận chuyển cũng phải tăng.
Trung bình nếu tình trạng ùn ứ, kẹt xe diễn ra khoảng 1 giờ đồng hồ thì một phương tiện vận tải phải tốn thêm 5 lít dầu.
Trước tình hình đó, để hạn chế chi phí lỗ, nhiều công ty đã phải cắt giảm số lượng nhân sự, xe tải, thay đổi khung giờ giao hàng. Tuy nhiên, chuyện kẹt xe trong TP vẫn diễn ra đều như cơm bữa. Điều này không chỉ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM mà còn khiến các ban ngành TP.HCM lo lắng.
Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hiện nay khiến ngân sách TP.HCM có thể mất đến 2 tỷ đồng mỗi ngày.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, hiện nay nhiều doanh nghiệp không còn xuất nhập hàng tại cảng của thành phố nữa mà đưa về những cảng ở các tỉnh thành xung quanh như Phước Long, Phú Hữu, Cát Lái... Nguyên nhân là vì đường TP luôn trong tình trạng kẹt xe, chính điều này đã khiến nguồn thu ngân sách của thành phố bị ảnh hưởng.
Để cải thiện tình trạng giao thông ở TP.HCM, nhiều giải pháp được đưa ra như xây dựng thêm nhiều cầu vượt, mở rộng đường nhưng tình trạng kẹt xe không mấy khả quan bởi xử lý hết điểm kẹt này lại xuất hiện điểm kẹt khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân nằm ở chính sách phát triển đô thị ở nước ta. Trong khi ở nước ngoài, hạ tầng giao thông đi trước phát triển đô thị, thì ở Việt Nam thì đang làm điều ngược lại.
Video: Đường phố ùn tắc sau mưa lớn ở Thủ đô
Chính quyền TP liên tục cấp phép đầu tư dự án xây nhà ở, trong khi các công trình cầu đường thì lại làm quá chậm. Ngoài ra, nhiều dự án phát triển nhà ở quy hoạch đầy đủ các tiện ích trên, nhưng khi bán nhà xong là rút đi, không đầu tư vào các công trình như trường học, bệnh viện, công viên... Đây cũng là lý do khiến tình trạng kẹt xe, ùn tắc trong nội thành không giảm, thậm chí có xu hướng tăng.
Theo số liệu từ Sở GTVT TP.HCM, trên địa bàn TP có 37 điểm nguy cơ ùng tắt giao thông thường xuyên, đặc biệt tại các tuyến đường ra vào kho bãi, cảng hàng hóa, sân bay, trường học, bệnh viện.
Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn thành phố rất thấp. Tính đến tháng 9/2017, diện tích đất dành cho giao thông khoảng 7.987 ha (theo quy hoạch là 22.305 ha). Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,73% (theo quy hoạch là 22,3%).