Doanh nghiệp “sống khỏe” nhờ được bơm vốn

GD&TĐ - Đơn giản các thủ tục vay vốn, đẩy nhanh dòng tiền cho vay, áp dụng mức hỗ trợ lãi suất ưu đãi, hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đang trở thành “bà đỡ” giúp doanh nghiệp (DN) đóng chân trên địa bàn không ngừng lớn mạnh, khẳng định rõ nét vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Doanh nghiệp “sống khỏe” nhờ được bơm vốn

Với sứ mệnh đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho các dự án đầu tư, các đối tượng khách hàng, những năm qua, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực vượt bậc để đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh hiện có 19 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng HTX, 32 quỹ tín dụng nhân dân. Mạng lưới các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã vươn đến tận các địa phương trong tỉnh, phục vụ nguồn vốn cho phát triển KT-XH.

Vai trò của các ngân hàng đóng góp đáng kể trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các thành phần kinh tế. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng đã triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và nông thôn; góp phần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Soái - Giám đốc DN tư nhân đồ gỗ Thiên Soái (xã Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, khi ông thành lập công ty đến lúc mở rộng quy mô sản xuất, mọi nguồn vốn đều vay từ Ngân hàng Á Châu. Nhờ đó, DN có thêm tiềm lực để xây dựng hạ tầng chuyển ra sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Thái Yên; đồng thời, đầu tư mua sắm thêm một số máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Nhờ đó, DN không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo, đáp ứng nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng mà còn mở rộng được nhiều đối tác, tăng hiệu quả trong kinh doanh.

Sau sự cố môi trường biển, ngư dân vùng biển phải “vật vã” để khắc phục hậu quả, khó khăn nhất là nguồn vốn để mở rộng đầu tư. Lúc này, Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tĩnh đã đứng ra cho các DN, cá nhân vay vốn. “Khi phương tiện khai thác còn hạn chế, ngư dân chỉ khai thác ở vùng lộng. Câu chuyện đánh bắt thủy hải sản chỉ thực sự bước sang trang mới khi Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho chúng tôi vay 18,9 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Giờ đây, tàu to không lo sóng lớn và mang về số lãi trên 400 triệu đồng mỗi chuyến ra khơi” - ông Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Đại Trường Phát (TX Kỳ Anh) hồ hởi.

Theo ông Phan Hồng Nhật - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng ACB Hà Tĩnh, đồng hành cùng cộng đồng DN Hà Tĩnh, thời gian qua, đơn vị đã cho trên 500 DN vay vốn với tổng dư nợ trên 600 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng dư nợ của chi nhánh. Ngoài hỗ trợ các DN xây lắp - công nghiệp, thương mại - dịch vụ vay vốn lưu động, đầu tư dự án, ngân hàng còn chú trọng hướng tới các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đầu tư vào chăn nuôi, phát triển các làng nghề trên cơ sở hỗ trợ lãi suất ưu đãi ở từng thời điểm cụ thể.

Dù mới vào thị trường Hà Tĩnh hơn 1 năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Hà Tĩnh cũng xác định tín dụng DN là một lĩnh vực “màu mỡ”. Ông Hồ Quang Thắng - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng SHB Hà Tĩnh cho hay: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong tiếp cận nguồn vốn, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp như: Giải quyết nhanh gọn hồ sơ, thủ tục; hỗ trợ lãi suất vay vốn (6,5%/năm). Qua đánh giá, 100% DN sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, trả nợ đúng kỳ hạn nên đến thời điểm hiện tại, đơn vị không phát sinh nợ xấu trong lĩnh vực này”.

Được ví như một “ông lớn” trong tín dụng DN, hiện Vietinbank Hà Tĩnh đã “bơm” 3.300 tỷ đồng cho hơn 150 DN đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, chiếm trên 61% tổng dư nợ của đơn vị. “Nguồn vốn phục vụ DN của đơn vị luôn dồi dào. Đồng hành cùng cộng đồng DN phát triển, chúng tôi triển khai nhiều chính sách hỗ trợ với nhiều gói vay phù hợp từng đối tượng, dự án, thời gian đầu tư với lãi suất ưu đãi nhất. Có cơ chế hỗ trợ về hồ sơ pháp lý, thủ tục vay vốn theo hướng tinh gọn, thời gian giải quyết dần được rút ngắn; cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ tiện ích…” - ông Nguyễn Đình Khánh - Phó Giám đốc Vietinbank Hà Tĩnh, cho hay.

Đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng không nằm ngoài cuộc, họ đã cho 44 khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất vay vốn với doanh số cho vay 15,91 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và tỉnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xây dựng nông thôn mới… Tính lũy kế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 43 nghìn lượt khách được vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số đạt 8.693 tỷ đồng, số lãi được hỗ trợ hơn 348 tỷ đồng.

Trong tổng số hơn 6.000 DN trên địa bàn tỉnh thì có đến 98% DN vừa và nhỏ. Đây được xem là “rường cột” phát triển kinh tế của toàn tỉnh. Đối với nhóm khách hàng này, hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh công tác huy động vốn tại chỗ, tăng cường tư vấn, hướng dẫn khách hàng mở rộng cho vay… Đầu năm đến nay, dư nợ cho vay đối với DN vừa và nhỏ đạt 7.094 tỷ đồng, chiếm 17,47% tổng dư nợ toàn địa bàn với 1.728 DN còn dư nợ…

“Hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều DN, hộ gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh, qua đó, giải quyết việc làm mới cho người lao động, nâng cao giá trị sản xuất” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến đánh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.