Dự án đầu tư hệ thống các trường học thông minh là một trong những bước chuẩn bị để cùng với TP thực hiện đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Các hạng mục trường học thông minh bao gồm hạ tầng CNTT; phòng học tiên tiến, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như máy tính nối mạng, bảng tương tác...; phòng tin học, ngoại ngữ, thi trắc nghiệm; thiết bị thực hành thí nghiệm; phòng thư viện; phòng học theo phương pháp STEM; phòng họp và môi trường đào tạo trực tuyến; hệ thống camera giám sát; hệ thống thông tin giáo dục của nhà trường; hệ thống thông tin quản lý giáo dục...
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục; đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Tham gia trường học thông minh, giáo viên sẽ sử dụng bảng tương tác, thường xuyên áp dụng bài giảng e-Learning trong dạy học, ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học. Việc tổ chức thi, kiểm tra được thực hiện trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân... Còn đối với HS, học trong môi trường trực tuyến, có SGK điện tử và tương tác, nhận được sự trợ giúp của giáo viên, bạn bè xung quanh. Đặc biệt, HS sẽ có thời gian hình thành, rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm để trở thành công dân toàn cầu.
Thời đại công nghệ 4.0, muốn ứng dụng công nghệ để đào tạo con người cần phải có một môi trường thông minh, đó chính là trường học thông minh. Những lợi ích của trường học thông minh đã thấy rõ, vấn đề là triển khai thế nào cho hiệu quả.
Không phải ngẫu nhiên mà TPHCM khởi động trường học thông minh với các trường chuyên và trường chất lượng cao trước. Địa phương này đã cân đong đo đếm khá khôn khéo khi chọn những đơn vị có điều kiện thuận lợi (về cơ sở vật chất, giáo viên, học sinh, khả năng đầu tư tài chính của Nhà nước và phụ huynh) để triển khai thí điểm. Vì thực tế, mô hình mới này không dễ khi triển khai đại trà do điều kiện giữa các trường vùng ven sẽ khác nội thành, sĩ số HS mỗi lớp học giữa các trường không giống nhau, trình độ và kỹ năng giáo viên khác nhau.
Đặc biệt là vấn đề kinh phí để thực hiện. Muốn triển khai trường học thông minh, trước hết đòi hỏi nhà trường phải đáp ứng cơ sở vật chất, phương tiện. Chỉ tính theo các hạng mục đầu tư cho một lớp học thông minh theo tiêu chí của Samsung Smart School (do Samsung tài trợ cho một số trường THPT) đã trên một tỉ đồng. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư sẽ rất khó. Ngược lại, vận động xã hội đóng góp càng khó hơn vì kinh phí đầu tư lớn, nếu không khéo sẽ dẫn đến cái gọi là lạm thu.