Doanh nghiệp sẽ theo đến cùng vụ kiện Sở VH-TT Hà Nội

GD&TĐ - Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội bị một doanh nghiệp tổ chức sự kiện nghệ thuật khởi kiện với lý do gây phiền hà, khó khăn, chậm cấp phép biểu diễn.

Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vắng mặt trong phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vắng mặt trong phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội bị một doanh nghiệp tổ chức sự kiện nghệ thuật khởi kiện ra toà với lý do gây phiền hà, khó khăn, chậm cấp phép biểu diễn khiến vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” thất thu.

Được cấp phép nhưng quá muộn

Từ ngày 1/8, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Công ty VietArt và bị đơn là Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội.

Trong vụ án này, VietArt khởi kiện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vì cho rằng đã kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình “Ngôi sao Phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh”.

Đại diện VietArt cho biết, trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có hành vi kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định pháp luật, gây phiền hà, khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như - đại diện VietArt cho biết, vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” là vở diễn kinh điển, được đánh giá cao, biểu diễn khắp cả nước. Chương trình “Ngôi sao Phương Nam” nhằm đưa các nghệ sĩ cải lương ra miền Bắc biểu diễn sau nhiều năm vắng bóng.

Từ ngày 5/8/2022, Công ty VietArt nộp hồ sơ đến Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội xin tổ chức biểu diễn chương trình. Trong hơn một tháng sau đó, Sở này có 3 văn bản phúc đáp đề nghị VietArt bổ sung hồ sơ liên quan quyền tác giả, tác quyền; thông báo về việc giao Tiểu ban Sân khấu, tạp kỹ thẩm định về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật; thông báo tiếp tục thẩm định lần 2 sau khi chỉnh sửa kịch bản. Ngày 3/10/2022, Sở chấp thuận tổ chức biểu diễn cho VietArt.

Được cấp phép trước thời điểm biểu diễn 9 ngày, VietArt cho rằng không có đủ thời gian để quảng cáo, bán vé khiến chương trình bị thua lỗ. “Đây là chương trình cải lương, khán giả chủ yếu là trung niên trở lên nên phải quảng cáo bằng băng rôn, trực tiếp chứ khó dùng nền tảng Internet.

Ít ngày như vậy nên càng khó bán vé. Hai đêm biểu diễn chúng tôi xuất 1.100 vé với giá trung bình một triệu đồng/vé, nhưng chỉ bán được 200, thu về 200 triệu đồng. Số vé còn lại, chúng tôi mang hết đi biếu, tặng”, đại diện VietArt trình bày.

Do đó, VietArt khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Tại phiên toà, đại diện VietArt thay đổi yêu cầu bồi thường thiệt hại, yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính không hợp pháp gây ra hơn 672 triệu đồng.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng yêu cầu đơn vị này bồi thường thiệt hại về danh dự là 1.000 đồng.

Buổi biểu diễn vở cải lương 'Tiếng trống Mê Linh' trong tối 15/10/2022. Ảnh: VietArt.

Buổi biểu diễn vở cải lương 'Tiếng trống Mê Linh' trong tối 15/10/2022. Ảnh: VietArt.

Tổng duyệt cải lương trên sân khấu ca nhạc

Do vắng đại diện bị đơn, chủ tọa công bố văn bản giải trình của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội gửi đến. Theo đó, năm 2022 có 355 hồ sơ gửi đến Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tất cả đều được Sở xử lý theo đúng trình tự, thủ tục.

Ngoài vở kịch này, năm 2022 VietArt còn đề nghị tổ chức biểu diễn 4 chương trình nghệ thuật khác và được Sở giải quyết “không chậm, muộn”. Vì thế VietArt nói Sở gây phiền hà, khó khăn là chưa khách quan.

Giải thích về các vấn đề bị khởi kiện, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng, chương trình vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” chưa xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nên đơn vị mới đề nghị công ty này bổ sung văn bản chấp thuận. Mặt khác, dù ngày 3/10/2022 Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội mới có văn bản chấp thuận cho VietArt tổ chức chương trình, nhưng doanh nghiệp này đã quảng cáo bán vé trên mạng xã hội từ đầu tháng 9.

Về vấn đề đẩy thời gian tổng duyệt lên sớm hơn 3 ngày so với ngày biểu diễn, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng để có thời gian xem và thẩm định nội dung biểu diễn, đặc biệt là về lời thoại, trang phục diễn viên. Từ đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội khẳng định không gây thiệt hại nên đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của VietArt.

Về vấn đề này VietArt cho rằng, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tự ý thay đổi lịch tổng duyệt chương trình, yêu cầu VietArt tổng duyệt chương trình trên sân khấu ca nhạc, do cùng ngày tại địa điểm diễn ra chương trình sẽ tổ chức chương trình đêm nhạc “Phú Quang - Miền ký ức”.

Cho rằng việc tổng duyệt vở kịch cải lương trên sân khấu ca nhạc là không hợp lý, và việc thay đổi sẽ khiến lịch di chuyển của đoàn nghệ sĩ phải thay đổi theo, gây tốn kém cho doanh nghiệp nên VietArt đã kiến nghị Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội thay đổi lịch tổng duyệt như trong đề nghị của doanh nghiệp, nhưng không nhận được sự đồng ý.

Đại diện VietArt khẳng định, việc thay đổi thời gian tổng duyệt của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội là hành vi gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Trình bày quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, về trình tự thủ tục ban hành các văn bản của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội là đúng quy định trình tự thủ tục thẩm quyền, không gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VietArt.

Sau thời gian nghị án, chiều 2/8, TAND TP Hà Nội tuyên án, theo đó bác toàn bộ yêu cầu như trong đơn khởi kiện của VietArt.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như - đại diện VietArt cho biết sẽ kháng cáo để theo đuổi công lý đến cùng.

“Theo luật sư Hoàng Văn Hướng - Đoàn Luật sư Hà Nội: Luật Sở hữu trí tuệ quy định thỏa thuận về tác quyền là quan hệ dân sự, giữa các chủ thể với nhau. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội không có thẩm quyền yêu cầu VietArt phải cung cấp giấy tờ chứng minh việc thực hiện tác quyền khi giải quyết thủ tục hành chính cấp phép biểu diễn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ