Doanh nghiệp đóng góp ý kiến về Dự thảo thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch

GD&TĐ - Các doanh nghiệp, hiệp hội đã chủ động nghiên cứu và mạnh dạn đóng góp nhiều ý kiến với dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 27/9, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ có báo cáo khẩn tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội về dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gửi Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo hướng dẫn này được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng và đang lấy ý kiến hoàn thiện.

Theo Ban IV, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với Covid-19 sẽ là nội dung điều chỉnh hết sức quan trọng của cả nước trong giai đoạn tới đây. Vì thế, các doanh nghiệp, hiệp hội, với vai trò, trách nhiệm và tinh thần xây dựng rất cao, đã chủ động nghiên cứu và mạnh dạn đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo hướng dẫn.

Tổng hợp từ ý kiến của gần 20 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, Ban IV cho biết, để các hướng dẫn mới tạo được hiệu ứng cân bằng giữa các mục tiêu phòng, chống dịch với mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện dịch vẫn tồn tại ở cộng đồng, các hiệp hội đề xuất, những nguyên tắc đã được Thủ tướng chỉ đạo, công bố hoặc nhất trí tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào sáng 26/9/2021 cần được truyền tải, ghi nhận cụ thể, rõ ràng và chính thức tại tài liệu hướng dẫn quan trọng này để làm “kim chỉ nam” cho việc xây dựng, áp dụng các chính sách ở các bộ, địa phương và được thực thi hiệu quả ở từng cấp doanh nghiệp, người lao động, người dân trên cả nước.

Đó là, thay đổi mạnh mẽ nhận thức, cho phép doanh nghiệp/cụm doanh nghiệp trở thành các chủ thể tham gia vào công tác quản lý sự an toàn trong bối cảnh dịch thay vì chỉ là đối tượng “chịu sự quản lý” như thời gian trước đây. Trong mọi bối cảnh của dịch bệnh, các cấp chính quyền và người dân, doanh nghiệp luôn phải duy trì sản xuất kinh doanh để đảm bảo nguồn lực cho chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội.

Yếu tố hợp tác công - tư là điều kiện then chốt để tập hợp sức mạnh, nguồn lực cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cần được thực thi nghiêm túc ở mọi cấp, ngành. Các biện pháp đánh giá, khoanh vùng, triển khai cần được thực thi theo từng cấp độ nhỏ nhất, thậm chí ở cấp tổ dân phố, khối phố hoặc cao nhất là cấp phường (xã) để đảm bảo tính chất linh hoạt cho giai đoạn mới…

Từ các chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng, nhằm đảm bảo tính nhất quán, nghiêm minh trong việc thực thi các hướng dẫn, thể hiện rõ nét, mạnh mẽ thông điệp mới của Chính phủ đối với người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội đề xuất sửa đổi tên mục “3. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp” trong phần “III. Biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch” của dự thảo tài liệu hiện nay thành phần “IV.  Nguyên tắc thực hiện”.

Đồng thời, đề nghị bổ sung hai nguyên tắc quan trọng là: Áp dụng thống nhất và xuyên suốt nguyên tắc về hoạt động tập trung ngoài trời và trong nhà cho mọi loại hình ngành nghề và hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ trường hợp cho phép số lượng tập trung nhiều hơn; việc thực hiện hướng dẫn này không được phép làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, doanh nghiệp.

Để giải quyết triệt để tình trạng các địa phương chỉ tập trung truy vết,  khoanh vùng dịch mà không quan tâm mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng tại tài liệu hướng dẫn này giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương (hoặc một số bộ đầu mối về kinh tế) nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giao chỉ tiêu “duy trì/mở cửa hoạt động của doanh nghiệp” cho từng tỉnh, thành phố bên cạnh các chỉ số/chỉ tiêu khác về chống dịch. 

Bên cạnh việc quy định các chỉ số, chỉ tiêu, biện pháp..., các hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất với Chính phủ giao cho bộ, ngành đầu mối phối hợp với các chuyên gia y tế, kinh tế nghiên cứu, tham mưu xây dựng khung đánh giá, giám sát quá trình thực thi để nhanh chóng phát hiện các thiếu sót, bất cập, nhằm hiệu chỉnh quy định hoặc nhìn nhận được những nội dung thực sự hiệu quả để có thể đẩy mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ