Doanh nghiệp “chậm lớn” vì… “đói” đất

GD&TĐ - Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cải cách nhằm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp (DN) phát triển. Tuy nhiên, tiếp cận đất đai để mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh vẫn là bài toán khó, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (VVN)…  

Khối các DNVVN đang đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách, nhưng do thiếu đất đai nên rất khó để phát triển
Khối các DNVVN đang đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách, nhưng do thiếu đất đai nên rất khó để phát triển

Nhiều bất cập

Để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, những năm gần đây Chính phủ đã có nhiều cải thiện về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn quá nhiều trở ngại đối với cộng đồng DN, đặc biệt là lĩnh vực đất đai. Cụ thể như trường hợp của Công ty Cổ phần May Phú Thọ (cơ sở 2) được chính quyền huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) cho thuê đất làm nhà xưởng nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng DN vẫn chần chừ chưa hoàn tất thủ tục bởi lo ngại rủi ro liên quan đến chính sách đất đai có thể thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tính - Phó Giám đốc điều hành cho biết, dưới góc độ DN, nhất là DNVVN, công ty bà đã tìm kiếm DN nào thừa đất, hoặc chưa sử dụng hết để thuê lại. Theo bà Tính, lý do phải thuê lại của DN khác sẽ có thời hạn rõ ràng, nhất quán hơn. Bởi nếu đi thuê của Nhà nước, chính sách sẽ rất dễ thay đổi, vì một khi lãnh đạo bị luân chuyển hoặc về hưu… lãnh đạo mới nên rất có thể DN không được thuê nữa. “Cứ mỗi lần di chuyển nhà xưởng rất mất thời gian, công sức cũng như tiền bạc, nên chúng tôi chọn giải pháp an toàn là đi thuê lại của một DN nào đó, hoặc của tư nhân cho an toàn” - bà Tính cho biết.

“Không có điều kiện để tiếp cận như các DN lớn, chúng tôi đành đi thuê lại hoặc nhận chuyển nhượng của các đơn vị đang có quyền sử dụng đất vì chi phí rất cao nên cạnh tranh rất khó. Bởi vậy, để bình đẳng giữa các DN khi tiếp cận nguồn lực đất đai, các địa phương cần minh bạch thông tin thì các DNVVN mới có niềm tin đầu tư, cũng như cơ hội phát triển…” - bà Tính nói.

Không riêng với DN trong nước gặp trở ngại về thuê đất đai, bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc điều hành hãng sơn Lavisson miền Bắc - kiêm Giám đốc thương mại thuộc Công ty Cổ phần Lavis

Brothers Coating (tỉnh Bình Dương), cho biết, thực sự thị trường Việt Nam đang rất được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ để thu hút nguồn vốn này, đặc biệt là thủ tục khi liên doanh hoặc thuê đất đai.

Theo bà Trang, công ty bà có mặt và thuê đất tại Việt Nam cách đây 20 năm, cuối năm 2020 mới đến thời gian gia hạn thuê đất. Nhưng mới đây chính quyền đã có văn bản thông báo cuối năm 2018 này sẽ thu hồi đất mà công ty đang thuê khiến DN không kịp trở tay. “Không riêng công ty tôi, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài khác cũng lo ngại về những quyết định hành chính liên quan đến vấn đề đất đai làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển…” - bà Trang nói.

Rất cần sự bình đẳng

Theo Báo cáo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện chỉ có khoảng 32% DN nằm trong quy hoạch đất đai của các tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN; 25% DN cho rằng, các tỉnh cung cấp dữ liệu không thuận tiện; 25% trả lời họ không khó khăn gì khi thực hiện các thủ tục hành chính mua, chuyển nhượng hoặc thuê đất - so với số liệu công bố PCI năm 2016 là 29,7% thì năm 2017 25% đang ở mức thấp kỷ lục.

Đánh giá về những khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nhiều chuyên gia cho rằng, khâu yếu nhất của Việt Nam chính là vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Bởi ngay từ việc lập, cũng như công bố quy hoạch không ai nắm rõ, trong khi Luật Đất đai nói rất rõ là phải công bố công khai. Chính vì vậy, các DN rất lo ngại khi phải đối mặt với những rủi ro, nên khá e dè trong việc đầu tư tiền của và công sức vào khu đất mà không biết nay mai sẽ ra sao.

Theo bà Tính, chính quyền địa phương vẫn thiếu sự bình đẳng trong vấn đề đất đai giữa các DN lớn và các DNVVN. Bà Tính cho rằng, vẫn biết các DNVVN không có điều kiện để tiếp cận những khu đất lớn mà chính quyền địa phương thu hồi cho các dự án lớn, bởi họ cũng không thể đủ lực để làm. Do vậy trong “cuộc đua” cạnh tranh quỹ đất, chắc chắn các DNVVN sẽ yếu thế nên rất khó để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ