Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào GD-ĐT

GD&TĐ - “Số lượng đơn vị sự nghiệp được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong những năm vừa qua, Nhà nước đã và đang xóa bỏ cơ chế bao cấp, trừ một số hoạt động sự nghiệp quan trọng thiết yếu đến cuộc sống và sức khỏe của người dân”- Kết quả Tổng điều tra Kinh tế được Tổng cục Thống kê công bố hôm qua (19/9, tại Hà Nội) nêu rõ - “Chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp diễn ra mạnh ở lĩnh vực y tế và giáo dục”.

Ngày 19/9/2018, Tổng cục Thống kê họp báo công bố kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2017. (Ảnh: Bắc Sơn)
Ngày 19/9/2018, Tổng cục Thống kê họp báo công bố kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2017. (Ảnh: Bắc Sơn)

Doanh nghiệp trong lĩnh vực GD-ĐT tăng 155%

Ông Nguyễn Bích Lâm (Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương) cho biết: “Doanh nghiệp không chỉ tăng về số lượng, mà còn tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề mới, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, số doanh nghiệp (DN) mới thành lập tăng cả về số lượng và thu hút lao động, điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh có dấu hiệu cải thiện tốt, thể hiện tinh thần về một Nhà nước kiến tạo. Nếu xét về quy mô lao động, nhìn chung lao động bình quân trên một đơn vị kinh tế thay đổi không đáng kể so với năm 2012 và có sự khác biệt giữa các đơn vị kinh tế và khối hành chính, sự nghiệp. Lao động bình quân một DN giảm từ 32 người xuống 27 người. Trong đó DN Nhà nước, DN Ngoài nhà nước đều giảm tương ứng là 20 người và 3 người/DN.

Đáng chú ý là các DN khối FDI tăng bình quân 15 người/DN so với năm 2012. Khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều có sự giảm nhẹ. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, điều này phù hợp với xu hướng cổ phần hóa DN Nhà nước và khuyến khích DN ngoài Nhà nước, kinh tế tư nhân phát triển. Còn về năng suất lao động theo quy mô, DN có số lượng từ 50 - 99 lao động có năng suất lao động là cao nhất; DN có 100 - 299 lao động có năng suất lao động cao đứng thứ 2.

Ông Nguyễn Trung Tiến (Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê) chỉ rõ: Khu vực dịch vụ có số lượng DN lớn nhất với 362.000 DN, chiếm 70% tổng số DN, tăng 57% so với năm 2012 trong đó 354.000 DN đang hoạt động, tăng 61% so với năm 2012.

Đáng chú ý một số ngành có số lượng DN tăng mạnh như: GD-ĐT tăng 155%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 106%, chuyên môn khoa học công nghệ tăng 87%, y tế tăng 84%, vận tải kho bãi tăng 63,9%, kinh doanh bất động sản tăng 63%... Ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng, sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đã phản ánh hiệu quả của chủ trương xã hội hóa chuyển các đơn vị hoạt động sự nghiệp sang mô hình DN.

Những năm gần đây, các DN đầu tư mạnh vào hoạt động GD-ĐT (ảnh: HS của Hệ thống GD Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội)
  • Những năm gần đây, các DN đầu tư mạnh vào hoạt động GD-ĐT (ảnh: HS của Hệ thống GD Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội)

Xã hội hóa diễn ra mạnh trong giáo dục

Theo Tổng cục Thống kê, có một thực tế là số lượng đơn vị sự nghiệp được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong những năm qua, Nhà nước đã và đang xóa bỏ cơ chế bao cấp, trừ một số hoạt động sự nghiệp quan trọng thiết yếu đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

 DN tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với gần 216,2 nghìn DN chiếm tới 41,7% tổng số DN, trong đó lớn nhất là TPHCM với 172,6 nghìn DN, chiếm tới 33,3% tổng số DN và đây cũng là vùng thu hút nhiều lao động nhất với hơn 5,3 triệu lao động, chiếm 37,7% số lao động trong các DN của cả nước. Vùng Đồng bằng sông Hồng đứng thứ 2 với số DN đạt 161,1 nghìn DN, chiếm 31,1%, lao động đạt gần 4,6 triệu người chiếm 32,5%. Vùng Tây Nguyên có ít DN nhất với 13,3 nghìn DN, chiếm 2,6%.

Chủ trương xã hội hóa hoạt động sự nghiệp đã và đang được triển khai quyết liệt trong thời gian qua và tới đây. Tuy nhiên, qua tổng điều tra cho thấy, số lượng đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao với 70,2% số cơ sở sự nghiệp công lập, tương đương 55,4% số lao động.

Các đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên mới chỉ ở mức 15,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập với 25,4% số lao động. Các đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên và đầu tư vận dụng cơ chế như DN hoặc đề án thí điểm tự chủ, đơn vị tự bảo đảm toàn bộ hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tổng số cơ sở của cả 3 loại hình cơ sở này chưa đến 4%, lao động khoảng 5%...

Riêng về chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp đã diễn ra mạnh ở lĩnh vực y tế và GD. Theo kết quả tổng điều tra, tại thời điểm 1/7/2017 có 46.000 cơ sở GD khối hành chính sự nghiệp, tăng 2,9% so với năm 2012; Có 1,8 triệu lao động, tăng 12,3% so với năm 2012. Cơ sở GD-ĐT là đơn vị sự nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 62,5% cơ sở và thu hút gần 70% lao động khu vực sự nghiệp.

Những năm gần đây, các DN cũng đầu tư mạnh vào hoạt động GD-ĐT, với 5,1 nghìn cơ sở, tăng 81%. Chưa kể khu vực cá thể, tổng số cơ sở GD thuộc khối DN và đơn vị sự nghiệp là 51,1 nghìn và thu hút 1,86 triệu lao động, tăng tương ứng là 7,6% và 14% so với năm 2012.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ