Theo đó, tính đến thời điểm 1/7/2017, cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012, mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức tăng 5% của thời kỳ 2007 - 2012. Doanh nghiệp là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động. Theo đó, năm 2017, cả nước có gần 517.900 DN đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012. Theo đó, số lượng DN đang hoạt động, có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước đạt 505.000 DN. Số DN còn lại mới đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dù số lượng DN như trên nhưng chỉ có 10.100 DN lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%. Số DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tới 98,1%. DN tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Bộ với gần 216.000 DN, chiếm 41,7%, trong đó dẫn đầu là TPHCM.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016 của DN được cải thiện hơn 5 năm trước đây. Mặc dù, số lượng DN Nhà nước chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn với 0,5% tổng số DN nhưng nguồn vốn chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn. Vốn bình quân trên một DN năm 2016 đạt 51,6 tỷ đồng/DN, tăng 5,8 tỷ đồng/DN so với năm 2011.
Doanh thu thuần của khu vực DN năm 2016 đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% (7.450 tỷ đồng) so với năm 2011. Doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011 - 2016 tăng 11,4% (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng). Khu vực DN ngoài Nhà nước có doanh thu thuần cao nhất với 55,9% tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN…
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có hiệu suất sinh lời trên tài sản cao vượt trội với 4,8%. Hai khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và dịch vụ hiệu suất sinh lời trên tài sản đạt tương ứng là 2,0% và và 1,6%.