Trong những tập thơ đã xuất bản của Đoàn Thị Lam Luyến, gần như mở trang nào, bài nào ta cũng gặp những câu thơ đắng chát, có đôi chút dỗi hờn nhưng thật là khổ đau của chị.
Tôi đã có lần nói với Lam Luyến: “Đừng tự làm mình khổ như vậy, “đứa nào” không yêu mình nữa thì hãy quên luôn, vì nó không xứng đáng để mình thương nhớ và trân trọng.
Hãy cứ sống một mình tự tin và vui vẻ, hy vọng dù đến rồi đi, nhưng lại sẽ có một tình yêu khác. Hãy trân trọng dù một phút yêu nhau, sau thì buông bỏ cho nhẹ lòng nhà thơ ơi!”.
Nói là nói vậy, chứ tôi cũng bao đêm khóc vì mình thì yêu nhớ, mà “nó” thì đã gần như mất tăm(!). Chỉ có điều là tôi không làm được những câu thơ, bài thơ đắng lòng mà tài hoa như Đoàn Thị Lam Luyến. Khát vọng là bài thơ của chị được nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc mà nhiều người vô cùng yêu thích, với những câu như cào xé ruột gan:
“Em muốn ôm cả đất/ em muốn ôm cả trời/ mà sao không ôm nổi/ trái tim một con người’’… “Em trao cả cho anh/ một con tim dào dạt/ anh lại trả cho em/ nỗi buồn đau tan nát”...
Nhưng ít người nhớ tới những câu có vẻ dung dị hiền lành hơn, cũng trong bài đó: “Nếu ta gửi tình yêu/ Vào một nơi chân thật/ Thì tình yêu của ta/ Sẽ thành hương thành mật…”. Và: “Khi trong ta khô khát/ Không một ngụm nước lành/ Khi tim ta oi bức/ Không một ngọn gió xanh/ Ta trao cả cho anh/ Một con tim dào dạt…”.
Có thể nói, trong các nhà thơ nữ hiện nay, Đoàn Thị Lam Luyến là người tài hoa, dám viết ra những mất mát, đau xót trong tình yêu mà phái nữ đã và đang gánh chịu.
Thực thì chị có rất nhiều fan, trong đó có nhiều chàng theo đuổi nồng nhiệt. Nhiều lần dự trại viết cùng chị vào những năm xa ấy, tôi đã chứng kiến mỗi trại sáng tác,
ít nhất cũng có một chàng vừa gặp là săn sóc nhiệt tình: đưa chị ra phố gội đầu, đem thư chị viết về Hà Nội ra bưu điện, kỳ cạch đánh máy bài thơ chị mới viết xong (hồi đó chưa có máy vi tính và mạng như hiện nay).
Nhưng các mối tình thường chỉ thoảng qua, hoặc có gắn bó cũng không lâu lắm. Và Lam Luyến, dù biết lẽ đời, nhưng vẫn cứ xót xa: “Chỉ có thể là điên, điên chẳng thể một lần/ Điên để thế gian này không bắt chước/ Điên để trắng và đen không hiểu được/ Điên để tình và hận mãi song đôi/ Để muôn đời cười trách Xúy Vân tôi” (Vân dại).
Và chị luôn lo sợ tình yêu mà chị đang nắm giữ rồi sẽ mất: “Em đã đón anh về/ Nhưng chắc gì giữ anh được lâu hơn?/ Rồi sẽ có một người đàn bà khác/ Anh-vốn yếu mềm và biếng nhác.../ Em sửng sốt nghĩ tới ngày anh lại bỏ ra đi!”.
Bởi vì Đoàn Thị Lam luyến nhìn thấy một khía cạnh đáng sợ trong tâm lý đàn ông: “Bên nào cũng muốn sang chơi/ Bên lở mía ngọt, bên bồi ngô non”...
Có thể, đọc thơ buồn của chị, đâu đó có người cho rằng Đoàn Thị Lam Luyến dễ yêu nên dễ thất vọng. Nhưng tôi đã được chị tâm sự về mối tình đầu, về đám cưới giản dị thời gian khó và kết quả là bé trai kháu khỉnh bây giờ đã hơn 40 tuổi. Tôi hiểu chị đã yêu và đau xót ra sao khi chia xa mối tình ấy.
Cũng như tất cả mọi phụ nữ trên trái đất này, Đoàn Thị Lam Luyến mong muốn một tình yêu trọn vẹn, một gia đình hạnh phúc vẹn tròn. Bài thơ Nếu đã là chồng vợ của chị nói lên điều đó, dù là khi đã chia tay:
“Ở gần không hòa hợp/ Đi xa cũng nhớ mong/ Vì lửa lầm, rơm bén/ Hay lòng chẳng hiểu lòng?/ Anh đã đi xa rồi/ Em ngậm ngùi đau khổ/ Chẳng lẽ duyên lại tan/ Vừa thành đôi đã vỡ?/ Nếu đã là chồng vợ/ Xin chín bỏ làm mười…”. Để rồi chị phải than lên một tiếng: “Bỏ nhau chẳng khó đâu/ Chỉ thương nhau mới khó!”.
Con trai chị, khi đọc bài thơ Những đứa con mang họ mẹ của chị, đã giãy lên: “Sao mẹ lại viết “Không hoang cây chỉ hoang đồi/ tôi hoang con bởi có người đi hoang?”. Thế này thì ai đọc cũng sẽ nghĩ con là con hoang của mẹ mất thôi! Mẹ phải sửa ngay đi”.
Lam Luyến thấy con nói có lý, chị loay hoay sửa chữ “tôi” thành chữ “ai”, rồi chữ “em”... nhưng đều thấy không ổn. Chị tâm sự với con trai:
“Con ơi, muốn thơ được người đọc cảm thông chia sẻ, người viết phải đặt mình vào chính nhân vật mà mình viết, ở đây là thân phận người đàn bà không có chồng mà có con.
Nhan sắc của bài thơ, nếu có, thì người viết - là mẹ - phải biết hy sinh nhan sắc của chính mình con ạ”. Con trai chị hiểu mẹ hơn, đành lắc đầu thông cảm. Và chị giữ nguyên câu thơ như đã viết: “tôi hoang con”(!) Đó chính là tiêu chí làm thơ của Đoàn Thị Lam Luyến.
Thơ tình của chị đã được nhiều người đón nhận và yêu thích, vì chị đã bộc lộ niềm đam mê chân thực của mỗi người đàn bà trên trái đất này: “Suốt cuộc đời tôi tìm kiếm tình yêu”.
* * *
Nhưng tôi muốn nói đến một khía cạnh khác mà chính tôi đã cảm nhận và yêu quý chị: Đoàn Thị Lam Luyến đã thân với bạn gái nào là rất hết lòng.
Chính chị đã mang giấy đề nghị xét giải thưởng Nhà nước đến giục tôi viết rồi lại đến nhà lấy ba tập thơ của tôi đem đi nộp theo yêu cầu của ban xét giải thưởng. Tôi rất biết ơn chị về điều này.
Rồi Lam Luyến còn dẫn tôi đến nhà may nổi tiếng, may cho tôi bộ áo dài nhung thêu mà theo chị là rất đẹp, để tôi mặc cho đỡ... nhà quê.
Năm ngoái, Lam Luyến còn lần lượt tổ chức sinh nhật cho mấy bạn gái mà chị thân quý, trong đó có tôi. Nhưng đến ngày sinh của chị thì bọn tôi hình như ... chẳng có đứa nào nhớ ra(!)
Vậy mà chị không hề trách giận. Cũng như mấy bạn gái mà chị đã làm thơ: “bạn gái thì lừa bạc”( ví dụ chị cho vay tiền mà không trả hoặc lừa chị nộp tiền mua nhà rồi biến mất...), chị cũng không hề trách giận mà cho là… tại số!
Nhưng nói gì thì nói, Đoàn Thị Lam luyến cũng vẫn có nhiều người không ưa. Ngay trong giới văn chương, tôi biết, có chị, nếu biết thơ mình cùng đăng trên một trang với Đoàn Thị Lam Luyến là đòi rút ra ngay, không đăng nữa.
Rồi có người chê chị làm giám đốc Trung tâm Bản quyền văn học của Hội Nhà văn Việt Nam bao nhiêu năm, chỉ thấy chị thỉnh thoảng đi nước này nước khác, mà chẳng thấy trả được cho các hội viên bình thường xu nào - còn các vị lãnh đạo hội thì không biết nên không dám nói.
Thực thì tôi - một hội viên bình thường - có được trả một lần, nhưng lại là tiền do Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc chuyển sang. Nhưng tôi chỉ nêu ví dụ vậy để các bạn thấy là ai cũng có mặt trái. Riêng tôi, lúc nào tôi cũng thương và quý nhà thơ xinh đẹp mà đa đoan, bạn gái thân thiết Đoàn Thị Lam Luyến của tôi.
Người sành rượu nay ăn chay
Trước đây, cùng với Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến là người rất sành rượu. Hai chị chỉ nếm qua là biết rượu thuộc loại nào, ở đâu sản xuất và ngồi nhâm nhi rất lâu để cùng thưởng thúc – khiến bọn làm thơ nữ chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên.
Vậy mà bây giờ, khi mời chúng tôi đến chơi, chị vẫn nấu nướng chu tất, đủ gà, tôm, cá, mực, bia rượu... nhưng bản thân thì chị chỉ dùng nước khoáng và ...ăn chay.
Thời gian đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, Lam Luyến lặng lẽ hơn, có vẻ buồn hơn, nhưng chị vẫn một tay chăm sóc mẹ già, giúp đỡ bạn gái lỡ có con mà chưa lấy chồng, chăm sóc con của bạn như con mình...
Tôi vẫn yêu quý và thương mến chị, nhưng giờ chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau. Thế hệ chúng tôi (dù Lam Luyến kém tôi hàng chục tuổi) ai cũng nhiều tuổi quá rồi, cũng ngại ra đường và có lẽ không viết được thơ tình nữa rồi. Chỉ còn hy vọng những câu thơ trẻ mãi cùng năm tháng...