Theo đó, tổ 2, Đoàn công tác số 1 (Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) do ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT.
Tổ công tác làm việc về một số nội dung cụ thể: Việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch, chỉ đạo của thành phố về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; việc sắp xếp, thành lập các trường liên cấp, liên xã; quản lý biên chế viên chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo...
Đặc biệt, tổ công tác lắng nghe những thuận lợi, khó khăn của ngành Giáo dục thành phố khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và ghi nhận đề xuất, kiến nghị từ cơ sở.
Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nêu những vấn đề trọng tâm cần làm rõ. |
Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố báo cáo tổ công tác về các nội dung trọng tâm, kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trong việc quán triệt, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2023, Hải Phòng có 638 ĐVSNCL, giảm 62 đơn vị so với năm 2015, giảm 54 đơn vị so với năm 2021. Việc cơ cấu lại các ĐVSNCL cũng có kết quả bước đầu khi toàn thành phố có 22 trường học liên cấp, 28 trường liên xã.
Ngành Giáo dục Hải Phòng cũng tích cực tham mưu về việc sắp xếp, quản lý và nâng cao chất lượng nguồn lực trong toàn ngành. Tại các trường THPT và đơn vị trực thuộc Sở trong giai đoạn 2015-2023 đã giảm 200 biên chế; sắp xếp kịp thời số lượng Phó hiệu trưởng dôi dư; triển khai chính sách tuyển dụng giáo viên môn chuyên tại Trường THPT chuyên Trần Phú, thu hút giáo viên có chất lượng trong và ngoài thành phố…
Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố báo cáo tổ công tác các nội dung làm việc. |
Trong 3 năm gần đây, Sở GD&ĐT thu hút được 4 dự án đầu tư trường mầm non, phổ thông tư thục quốc tế. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác giáo dục với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, tồn tại và thách thức đặt ra, điển hình như: Các hoạt động giáo dục vẫn phụ thuộc vào nguồn lực công, việc đầu tư cho giáo dục đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng thực tiễn; hành lang pháp lý cho việc thực hiện xã hội hoá giáo dục chưa thông thoáng để thu hút đầu tư; việc phân cấp tại các địa phương trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn bất cập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động, nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế…
Qua phân tích từ thực tế triển khai, ngành Giáo dục Hải Phòng kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo.
Sở Giáo dục Hải Phòng kiến nghị sửa đổi Nghị định số 120 của Chính phủ quy định số lượng cấp phó trong trường phổ thông nhiều cấp, trường THPT có quy mô từ 28 lớp trở lên. Đề nghị Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL theo ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hải Phòng mong muốn sớm có đề xuất Chính phủ cho phép địa phương được thực hiện 100% hợp đồng lao động giáo viên còn thiếu so với số chênh lệch giữa số người làm việc được giao và định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tổ công tác ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục Hải Phòng đã thực hiện được trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là việc tham mưu của ngành với thành phố ban hành các Nghị quyết thực hiện chính sách đặc thù thu hút, đãi ngộ nhân tài, tuyển dụng giáo viên trường chuyên.
Thành viên tổ công tác cũng làm rõ một số nội dụng đảm bảo tính phù hợp, thực tiễn, kịp thời của chính sách; phân tích, ghi nhận những vướng mắc để tập hợp báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.