Các nước EU giáp Biển Baltic đang thảo luận về việc phát triển các cơ chế pháp lý để cho phép kiểm tra và bắt giữ hàng loạt tàu chở dầu mà họ tin rằng có thể là một phần của "hạm đội bóng tối" của Nga.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) - ông Alexei Zhuravlev bình luận sáng kiến như vậy là cực kỳ nguy hiểm và kêu gọi Liên minh châu Âu kiềm chế các hành động khiêu khích.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm Abzats, ông Zhuravlev tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào tàu chở dầu của Nga đều phải được coi là hành vi xâm lược chống lại Moskva.
“Các nước Baltic có thể làm bất cứ điều gì họ muốn: thông qua luật mà chỉ họ thích, ngắt kết nối khỏi hệ thống năng lượng của Nga. Nhưng Estonia, Latvia và Litva cộng lại, có lực lượng hải quân 'mạnh' đến mức chỉ cần hai khẩu súng máy cỡ lớn gắn trên bất kỳ tàu chở dầu nào cũng đủ sức đánh chìm toàn bộ đội tuần tra của họ".
"Họ sẽ lại nhờ NATO giúp đỡ. Nhưng tôi hy vọng rằng ở Hoa Kỳ, nơi về cơ bản kiểm soát liên minh, sẽ có những người sáng suốt hơn nhiều so với các quốc gia ở vùng Baltic”, ông Zhuravlev nhấn mạnh.
![Nga sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu tàu chở dầu bị bắt giữ. gf4hifexsaapsea.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/cdb150776b030707bae16d2464c6237adcd43bc0a142de0fec804bf20968c04c241d9094bbdaec3aba94813912b08ec0/gf4hifexsaapsea.jpg)
Tình hình xung quanh "hạm đội bóng tối" của Nga đã trở thành chủ đề nóng trong những tháng gần đây giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với Moskva ngày càng gia tăng.
Các nước phương Tây cáo buộc Nga tạo ra một mạng lưới tàu thuyền nhằm lách lệnh trừng phạt quốc tế bằng cách vận chuyển dầu và các hàng hóa khác mà không tuân thủ những hạn chế đã được thiết lập.
Đáp lại, các quan chức Nga gọi những cáo buộc như vậy là vô căn cứ và chỉ ra mong muốn của châu Âu trong việc tăng cường sức ép kinh tế lên Nga với lý do chống lại “vận tải bất hợp pháp”.
Tập thể châu Âu, đặc biệt là các nước cộng hòa Baltic, từ lâu đã ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động vận tải biển ở Biển Baltic. Theo nguồn tin châu Âu, một số biện pháp đang được thảo luận bao gồm việc đưa ra điều khoản pháp lý mới cho phép bắt giữ tàu bị nghi ngờ trốn tránh lệnh trừng phạt, điều này có thể dẫn tới leo thang căng thẳng đáng kể giữa Nga và EU.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng những nỗ lực bắt giữ tàu chở dầu của Nga có thể gây ra hành động trả đũa từ Moskva. Nga có lực lượng quân sự đáng kể ở khu vực Baltic, bao gồm Hạm đội Baltic, được coi là một trong những hạm đội mạnh nhất trong khu vực.
Các nhà phân tích quân sự Nga cho biết: "Bất kỳ hành động bắt giữ tàu nào của chúng tôi cũng sẽ nhận được câu trả lời ngay lập tức".
Căng thẳng ở Biển Baltic đang gia tăng trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và EU ngày càng xấu đi. Kể từ khi áp dụng lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga vào năm 2022, Liên minh châu Âu đã thực hiện nhiều bước đi nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, điều này đã gây ra phản ứng gay gắt từ Moskva.