Đô vật Lê Thị Huệ và cuộc chiến khốn khổ suốt 12 năm

Những người làm thể thao sẽ không bao giờ có thể quên khóe mắt tuyệt vọng, không khóc nổi của tuyển thủ Lê Thị Huệ trước thềm SEA Games 2003...

Đô vật Lê Thị Huệ và cuộc chiến khốn khổ suốt 12 năm

Những người làm thể thao sẽ không bao giờ có thể quên khóe mắt tuyệt vọng, không khóc nổi của tuyển thủ Lê Thị Huệ trước thềm SEA Games 2003, khi biết rằng mình phải mãi xa thảm đấu, có thể trở thành người tàn phế suốt đời sau chấn thương thảm khốc.

Thương tật 81%, hỗ trợ 2,6 triệu đồng/tháng

Đã 12 năm trôi qua, cựu đô vật xứ Thanh vẫn bền bỉ từng ngày chiến đấu chống lại nghịch cảnh, trong sự bất lực và tuyệt vọng trước tật bệnh quái ác. Giờ đã 36 tuổi, Lê Thị Huệ từng là vận động viên vật số một của tỉnh Thanh Hóa và Việt Nam. 

Năm 2003, Huệ giành Huy chương Vàng hạng 55kg Giải Vô địch quốc gia và được coi như một niềm hy vọng vàng của vật Việt Nam ở SEA Games 22 trên sân nhà. 

Tháng 5/2003, trong một buổi tập đối kháng chuẩn bị SEA Games, Huệ bất ngờ ngã cắm đầu xuống thảm, bị chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, dập tủy sống dẫn tới liệt tứ chi. Huệ trở về quê nhà với tấm thân tàn phế trên chiếc xe lăn, chịu đựng nỗi đau lớn cả thể xác lẫn tinh thần.

Đô vật Lê Thị Huệ và cuộc chiến khốn khổ suốt 12 năm
Đô vật Lê Thị Huệ và cuộc chiến khốn khổ suốt 12 năm

Vượt qua bệnh tật, Lê Thị Huệ vươn lên thích nghi cuộc sống.

Qua 4 lần điều chỉnh, hiện tại mỗi tháng Huệ cũng chỉ nhận được khoản hỗ trợ 2,6 triệu đồng/tháng cho hạng thương tật lên tới 81%. Mà đấy là tổng cho cả hai đối tượng gồm chính Huệ và bà mẹ là người chăm sóc. 

Một thời gian trước đó, thậm chí Huệ chỉ nhận được 580.000 đồng, cộng thêm 450.000 đồng cho mẹ - một mức không đủ để thỉnh thoảng mua thuốc khi người quá đau nhức.

Chút an ủi cuối đường hầm

Suýt chút nữa Lê Thị Huệ sẽ mãi mãi bị lãng quên trong cảnh bệnh tật và nghèo túng. Mới đây, khi truyền thông chợt phát hiện tình cảnh khốn khó và bất công của cựu đô vật để lên tiếng, cả xã hội gần như dậy sóng trước sự bi đát đến cùng cực của cựu đô vật xứ Thanh và cùng chung tay chia sẻ, giúp đỡ. 

Nhờ thế, Huệ mới có được 3 tháng ra Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, hồi phục phần nào sức khỏe và chứng chân tay co quắp. Nhờ thế, Huệ mới có được một ít tiền ủng hộ để chi dùng hàng ngày, nhất là cho việc mua thuốc.

Một mạnh thường quân giấu tên còn gửi tặng Huệ chiếc xe lăn chạy bằng ắc-quy thay cho chiếc xe lăn cũ không còn sử dụng được. Thậm chí, các nhà hảo tâm còn chung sức, góp tiền làm giúp đoạn đường vào nhà Huệ.

Huệ bảo, chính tình thương của mọi người đã giúp chị tìm thấy ánh sáng dưới đường hầm, ở thời điểm muốn buông xuôi tất cả. Chị thấy mình phải cố gắng sống tốt, trước hết để tự cứu mình, sau đó không phụ tình cảm, sự chia sẻ đồng cảm của rất nhiều người. 

Mỗi khi cơ thể đau nhức đến mức tái tê không còn cảm giác, hay đầu nóng rừng rực tưởng như chẳng thể chịu đựng nổi, Huệ lại nhớ đến điều đó để trấn tĩnh và hồi tâm lại.

Và sự bất lực

Niềm vui sống lớn nhất hiện tại của Huệ chính là quán tạp hóa nhỏ được gia đình mở cho ở nhà chị gái ruột, gần mặt đường liên thôn xã Quảng Chính. Nhờ cửa hàng nhỏ này, Huệ cảm thấy mình vẫn có ích và được giao tiếp với mọi người, dù ngay cả việc bán hàng của Huệ cũng phải có mẹ trợ giúp.

Dù đã được điều trị tích cực, giờ cũng có tiền để mua thuốc chữa trị, song điều Huệ nản nhất là tình trạng tật bệnh vẫn không có gì thay đổi. Chị vẫn đi lại vô cùng khó khăn, phải dùng nạng. Huệ vẫn chỉ quanh quẩn ở trong nhà, mỗi khi muốn ra ngoài lại phải ngồi xe lăn. Cứ thay đổi thời tiết, cựu đô vật lại đau khắp cả người, chân tay cứng đơ.

Bà Hường - mẹ Huệ - lúc nào cũng phải chảy nước mắt vì thường con khi ngày nào chị cũng nỗ lực tập đi với cái nạng từng bước, tự làm những việc cá nhân đơn giản mà cũng không nổi. Tay chân và mặt Huệ luôn có những thâm bầm, sước sát do bị ngã.

Mong ước lớn nhất của Huệ suốt 10 năm nay là làm sao sức khỏe khá lên, tự đi lại được, tự phục vụ bản thân vẫn chưa thành hiện thực.

Lê Thị Huệ không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc nhưng cuộc chiến chống lại nghịch cảnh tàn phế của chị hãy còn dang dở và có thể không bao giờ thành công. Chính Huệ cũng cảm nhận rõ về sự bất lực và vô hiệu. Và giờ đây, dù muốn hay không, người ta lại phải nhắc lại chuyện buồn đau cũ. Giá như khi gặp nạn, Huệ được điều trị phục hồi tốt hơn, rất có thể tình cảnh đã không đến nỗi.

Theo suckhoedoisong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các học viên dù đã cao tuổi nhưng rất nỗ lực đến lớp đều đặn.

Sáng đèn lớp học bên sông

GD&TĐ - Những con người đã qua nửa đời người vẫn ngày ngày kiên trì học chữ, vượt sông, vượt núi để mong thoát khỏi bóng tối mù chữ đeo đẳng cả đời.