Đổ lỗi cho nạn nhân - lực cản sự tiến bộ xã hội

GD&TĐ - Trên các phương tiện truyền thông hay trong cuộc sống, ta vẫn thường nghe thấy hay chứng kiến những hành vi tiêu cực. Sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều về sự việc, trong đó có một xu hướng không đẹp – “Đổ lỗi cho nạn nhân” (victims blaming).

Đổ lỗi cho nạn nhân - lực cản sự tiến bộ xã hội

“Đổ lỗi cho nạn nhân” (victims blaming) là gì?

Đổ lỗi cho nạn nhân là một hiện tượng xảy ra khi nạn nhân của các vụ án hay các tấn thảm kịch phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy đến với họ. Đó cũng là sự cố gắng thoái thác trách nhiệm bằng cách đổ tội, đổ trách nhiệm sự vụ cho nạn nhân. Khi một hiện tượng tiêu cực xảy ra, kẻ thủ phạm tìm cách nguỵ biện bằng cách đổ lỗi cho nạn nhân; những người ngoài cuộc, thay vì lên án thủ phạm lại hướng sự công kích về phía nạn nhân theo kiểu : “không có lửa làm sao có khói?”, “Chắc phải có gì đó chứ bình thường làm sao lại bị như thế được”?... Đổi lỗi cho nạn nhân cho phép người ta tin rằng những sự kiện như vậy sẽ chẳng bao giờ xảy đến với họ.

Đổ lỗi cho nạn nhân” (victims blaming)- cách hành xử tàn nhẫn

Nạn nhân của những hiện tượng tiêu cực như bạo hành gia đình, xâm phạm tình dục, bạo lực học đường, … phải chịu những nỗi tổn thương về thể xác và tinh thần. Vậy nhưng, khi họ dám lên tiếng, dám tố cáo để vạch trần thủ phạm thì ngay lập tức, không ít người đã phải hứng chịu “búa rìu dư luận”, những lời bình phẩm ác ý theo hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Xu hướng đó cho rằng, cái sai là thuộc về nạn nhân, không lí nào tự nhiên lại xảy ra việc ấy?

Chẳng hạn, khi một vụ bạo hành xảy ra, có người chỉ trích: người đó có lẽ đã khiêu khích thủ phạm? Nạn nhân xâm hại tình dục thì bị quy kết không biết tự bảo vệ mình, xoi mói nhân cách của họ…

Điều đó đã làm cho sự tổn thương của nạn nhân tăng lên gấp bội. Hành vi ấy thự sự tàn nhẫn khi xát muối lên vết thương lòng đã rất đau đớn của họ; bủa vây họ trong mặc cảm, tự ti, và tuyệt vọng. Sự đàm tiếu làm gia tăng mặc cảm tội lỗi, có khi nó dồn nạn nhân vào bước đường cùng.

Sự đổ lỗi cho nạn nhân đã mở đường cho sự khắc nghiệt, cho lối sống thờ ơ vô cảm trong xã hội. Trước hết, nó bịt mất lối thoát của nạn nhân - vì sợ bị đàm tiếu, nhiều khi nạn nhân sẽ chọn im lặng, thay vì đi tìm công lí, không dám lên tiếng khi có chuyện xấu xảy ra với mình.

Nguy hiểm hơn, sự đổ lỗi cho nạn nhân gián tiếp kéo lùi xu hướng hành xử văn minh của xã hội. Vô tình, nó gián tiếp cung cấp “tình tiết giảm nhẹ” cho kẻ phạm tội. Và thay vì ngăn ngừa tội ác, hành vi này lại tạo điều kiện cho nó xảy ra nhiều hơn; ngăn cản công lí được thực hiện.

Hiện nay, với sự bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, hành vi “Đổ lỗi cho nạn nhân” (victims blaming) dường như ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng. Cư dân mạng có thể do thờ ơ, có thể do thiên vị, có thể sử dụng quyền tự do ngôn luận để thoải mái bình phẩm về các sự việc theo nhiều góc độ, trong đó có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân.

Hãy ngừng đổ lỗi cho nạn nhân

Nhưng đáng nói là không có một toà án nào xét xử những hành vi này ngoài toà án lương tâm, ngoài sự ý thức của mọi người trong xã hội. Hãy nên nhớ, nỗi đau của nạn nhân là có thật. Dù họ là ai, dù họ có làm gì thì cũng không có ai đáng là thủ phạm của chính họ. Đừng dùng những lời tàn nhẫn xát muối lên vết thương của họ.

Đổ lỗi cho nạn nhân không giúp được gì cho nạn nhân mà còn gây tổn thương cho họ gấp bội. Điều đó không giúp bạn bảo vệ chính mình và người thân. Từ đó, cái xấu, cái ác vô tình được tiếp tay, sự tàn nhẫn vô cảm gia tăng, cản trở sự tiến bộ của xã hội.

Vì vậy, hãy ngừng lại hành động tàn nhẫn này. Hãy ngừng đổ lỗi và đặt trách nhiệm đúng chỗ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.