1. Bài thơ này nằm gần cuối tập Nam trung tạp ngâm, trong chùm thơ viết tại Quảng Bình, cùng một số bài khác như Nễ giang khẩu hương vọng (ở cửa sông Ròn ngóng về quê), Giản Công bộ Thiêm sự Trần (thư cho ông Thiêm sự bộ Công họ Trần), Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An (tiễn ông Ngô Nhữ Sơn ra làm Hiệp trấn Nghệ An), Đại tác cửu thú tư quy (làm thay người đi thú lâu năm mong về)…
Phiên âm:
Bình sa tận xứ thủy thiên phù,
Hạo hạo yên ba cổ độ thu.
Nhất vọng tân nhai thông cự hải,
Lịch triều cương giới tại trung lưu.
Tam quân cựu bích phi hoàng diệp,
Bách chiến tàn hài ngọa lục vu.
Bắc thướng thổ dân mạc tương tị,
Táp niên tiền thị ngã đồng châu.
Dịch nghĩa:
Cuối bãi cát phẳng là nơi trời nước
dập duềnh,
Mênh mang khói sóng, vẻ thu
trên bến đò xưa.
Ngước trông bến sông thông ra biển lớn,
Cương giới các triều đại [phân chia]
ở giữa dòng.
Lũy cũ (1) ba quân, lá vàng rơi,
Xương tàn trăm trận chiến
nằm nơi bãi hoang xanh rì.
Người dân vùng Bắc xin chớ nên
xa lánh nhau,
Ba mươi năm trước cũng là người
cùng châu với ta (2).
Sông Gianh, tên chữ Linh giang hoặc Đại Linh giang, địa giới tự nhiên chia Đàng Trong - Đàng Ngoài thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, là con sông gắn liền với nhiều biến cố lớn của lịch sử dân tộc. Do đó, ngay từ thời trung đại, đã có không ít nhà thơ viết về dòng sông lịch sử này.
Ngoài Nguyễn Du, còn có Thái Thuận với Độ Linh giang ngẫu thành, Phan Huy Ích với Độ Đại Linh giang, Nguyễn Khuyến với Quá Linh giang, Ngụy Khắc Tuần với Linh giang vãn diểu, Nguyễn Tu Giản với Linh giang dạ độ, Khiếu Năng Tĩnh với Linh giang tảo độ…
2. Cũng như nhiều tác giả khác, Nguyễn Du viết về sông Gianh với cảm hứng chủ đạo là chiêm nghiệm lịch sử. Ở ba dòng thơ đầu, cảnh sông Gianh được miêu tả ấn tượng với bút pháp quen thuộc của Đường thi:
Cuối bãi cát bằng, trời lẫn nước
Thu về bến cũ, khói mênh mông
Bãi bờ một hướng thông biển lớn
(Ngô Linh Ngọc dịch thơ).
Không gian như mở ra vô tận. Thời gian nhuốm màu quá khứ như ngưng đọng. Đứng trên bến đò xưa giữa một ngày thu, trước cái mênh mang của khói sóng, sông biển, nước trời và sự hiện diện của các dấu tích còn lại, nhà thơ hoài niệm về quá khứ và chiêm nghiệm về những thăng trầm của lịch sử, những biến động của thời cuộc.
Cõi chia Nam Bắc khởi đầu là đây
Xương bách chiến lấp đầy nội cỏ
Lũy ba quân lá đổ tà huy
(Quách Tấn dịch thơ).
Đứng trước dòng sông chứng nhân của sự chia cắt đất nước, mỗi người sẽ có một cách nhìn, cảm xúc khác nhau. Với Ngụy Khắc Tuần, Linh giang là tượng dài ghi dấu những chiến công lừng lẫy: Bách chiến uy do tại/[…] Thảo mộc diệc tư công (Uy danh trăm trận vẫn còn/[…] Cỏ cây cũng nhớ đến chiến công; Linh giang vãn diểu).
Với Nguyễn Khuyến, sông Gianh là hình ảnh bước đi vội vã của thời gian, của đời người: Hành nhân tam quá thử/Mao mấn tiệm thành ông (Người đi ba lần qua đây/Râu tóc đổi thay dần thành ông lão; Quá Linh giang).
Phan Huy Ích lại nhìn thấy một dòng Linh giang hiền hòa, thanh bình sau hai trăm năm đã cuốn phăng đi bao tang thương thời cuộc: Nhị bách niên lai y đới trở/Hướng kim nhất vĩ thiếp tình ba (Hai trăm năm qua, một giải áo phân cách/Nay một lá thuyền yên bình trong sóng lặng; Độ Đại Linh giang).
Khiếu Năng Tĩnh gần với Nguyễn Du ở cái nhìn về sự vô nghĩa của chiến tranh, của sự chia cắt, tương tàn: Bách tuế di hài tiềm thổ lý/ Thiên thu bích thảo chấn oan thanh (Trăm năm xương lạc giấu trong đất/Nghìn thu cỏ biếc vọng tiếng oan; Linh giang tảo độ).
Với Nguyễn Du, những trận đánh long trời lở đất, những chiến công oanh liệt giữa hai bờ Linh giang rồi cũng bị bụi thời gian phủ mờ như đồn lũy xưa giờ chỉ còn lá vàng rơi lả tả (Tam quân cựu bích phi hoàng điệp) nhưng bao cái chết oan uổng vì chiến tranh, cái giá đắt phải trả cho bao cuộc tương tàn vô nghĩa thì vẫn còn đó muôn đời (Bách chiến tàn hài ngọa lục vu).
Nguyễn Du là nhà thơ phản chiến với những tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Thơ ông thể hiện rõ điều này. Trong đó, Độ Linh giang là một tác phẩm tiêu biểu.
3. Nhưng Đại thi hào Nguyễn Du còn đi trước thời đại mình qua cái nhìn đối với nhiều vấn đề lịch sử. Đứng trước dòng Linh giang gần 150 năm chia cắt đất nước, nhà thơ không chỉ nhìn về quá khứ mà còn nêu ra một vấn đề vô cùng quan trọng cho hiện tại và tương lai. Đó là vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc được thể hiện trong hai câu kết:
Chớ xa lánh, dân Bắc ơi!
Ba mươi năm trước cũng người đồng châu.
(Duy Phi dịch thơ).
Đất nước ta thời Nguyễn Du là một dải thống nhất từ Bắc vào Nam, không còn chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài. Nhưng trên thực tế, ít nhiều những di chứng do chia cắt hai Đàng vẫn còn để lại, trong nhận thức, ứng xử không những của giới trí thức mà còn của cả người dân thường (thổ dân).
Không chỉ ngậm ngùi trước những đổi thay, thăng trầm của lịch sử, Nguyễn Du có lẽ còn xót xa trước tình trạng phân biệt, chia cách giữa hai Đàng. Ông tha thiết nhắn gửi về người dân bên kia bờ Bắc sông Gianh, rằng xin đừng xa lánh nhau (Bắc thướng thổ dân mạc tương tị) bởi ba mươi năm trước, ông và họ đều là người cùng một châu3 (Táp niên tiền thị ngã đồng châu).
Nhưng vấn đề Nguyễn Du nêu ra không chỉ mang tính cá nhân. Hai câu thơ cuối có thể xem như một ẩn dụ mang hàm nghĩa sâu rộng hơn và lời nhắn gửi của Nguyễn Du còn là tiếng nói thiết tha về vấn đề hòa giải, hòa hợp giữa hai bờ sông Gianh.
Nguyễn Du là nhà thơ khiến hậu thế chưa bao giờ hết ngỡ ngàng về mình. Với Độ Linh giang, ông là một trong những người đầu tiên nêu ra vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc trong lịch sử văn học Việt Nam.
Có thể nói, Độ Linh giang là một trong những tác phẩm quan trọng của Nguyễn Du. Bài thơ không chỉ thành công trên nhiều phương diện nghệ thuật, mà còn mang tư tầm tư tưởng lớn của một nhà thơ vĩ đại. Người ta sẽ còn nói nhiều về Độ Linh giang, về tư tưởng hòa giải, hòa hợp dân tộc đi trước thời đại của đại thi hào.
1. Nguyên văn “cựu bích” (tường cũ), chỉ Lũy Thầy.
2; 3. Thời Hậu Lê, châu Bắc Bố Chính (vùng đất phía Bắc sông Giang) và huyện Nghi Xuân (quê của Nguyễn Du) đều thuộc trấn Nghệ An. Cho nên, nhà thơ mới viết dân Bắc Bố Chính là “người cùng châu” với mình. Từ thời Tây Sơn trở đi, Bắc Bố Chính thuộc về Quảng Bình.