Sau Thế chiến 2, vĩ tuyến 38 được ấn định là ranh giới phân chia hai nửa bán đảo Triều Tiên, Mỹ kiểm soát nửa phía Nam; Liên Xô quản lý nửa phía Bắc. Đây cũng được ấn định là đường biên giới giữa CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) và Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc) sau khi hai quốc gia được thành lập năm 1948.
Năm 1950, chiến tranh liên Triều bùng nổ. Phải đến ngày 27/7/1953, khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền mới được thành lập, sau khi chính phủ hai bên đặt bút kí vào bản hiệp định ngừng bắn. DMZ trên bán đảo Triều Tiên có chiều dài 250km cùng chiều rộng trung bình 4km. Do vị trí địa lý cùng những thông tin liên quan mật thiết đến lịch sử hình thành mà khu vực phi quân sự này thường được gắn liền với Vĩ tuyến 38.
Ở phía Tây của DMZ là Panmunjom, hay còn được gọi là Bàn Môn Điếm. Đây là tên một ngôi làng từng nằm phía Bắc của khu vực phi quân sự giữa hai nước, nơi Hiệp định đình chiến lịch sử được kí kết. Ngày nay, cái tên này được sử dụng để chỉ Khu vực Anh ninh chung (JSA). Khu vực này có các dãy nhà dài, là nơi gặp mặt thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo hai bên. Các khu nhà được sơn màu xanh dương, được cắt đôi bởi đường Phân giới Quân sự (MDL). Đây cũng được xem là một trong những di tích cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sự hiện diện của một khu vực phi quân sự không làm giảm đi tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia Đông Á này. Trái lại, khu vực này còn được đánh giá là một trong số những khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới. Máy quay an ninh, hàng rào dây thép gai có điện, cùng hơn một triệu quả mìn được bố trí rải rác trong toàn bộ khu vực ngăn cách hai quốc gia. Hàng trăm nghìn binh lính Nam - Bắc cũng được cắt cử, canh gác nghiêm ngặt khu vực biên giới.
|
Nhiều sự kiện đáng chú ý cùng những vụ xung đột đã xảy ra trong suốt hơn 66 năm qua tại khu vực đặc biệt nhạy cảm này. Một trong những vụ việc nổi tiếng nhất chính là cái chết của 2 sĩ quan quân đội Mỹ vào tháng 8/1976. Hai quân nhân Mỹ bị binh sĩ Triều Tiên đánh chết bằng búa khiến Mỹ phải điều máy bay ném bom B-52 đến bán đảo Triều Tiên nhằm dằn mặt đối thủ.
Một sự kiện đáng chú ý khác diễn ra vào tháng 11/1984. Vasily Matuzok, một du khách Liên Xô, trong lúc đang tham gia chuyến thăm tới JSA do Bắc Triều Tiên tổ chức, đã bất ngờ chạy qua biên giới và hô to ý muốn đào tẩu sang miền Nam. Binh lính 2 miền buộc phải truy đuổi theo Matuzok và xả đạn về phía đối phương do lo ngại về an ninh. Kết quả, một lính Hàn Quốc và ba lính Triều Tiên mất mạng trong vụ xung đột, còn Matuzok thì không bị bắt.
Bất chấp những xung đột trong quá khứ, khoảng 2 năm trở lại đây, khu vực phi quân sự ở bán đảo Triều Tiên đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc lịch sử trong quan hệ hai nước. Sau những nỗ lực đàm phán tích cực, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở ngay khu vực Bàn Môn Điếm.
Sau cái bắt tay cùng lời chào hỏi thân mật, nhà lãnh đạo Triều Tiên dang tay mời Tổng thống Donald Trump bước sang lãnh thổ đất nước mình. Và 20 bước chân của nhà tỉ phú 73 tuổi đã đưa ông trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất nước được mệnh danh là bí ẩn nhất hành tinh. Sự kiện lịch sử này rất có thể sẽ là tín hiệu đầu báo hiệu cho một tương lai hòa bình trọn vẹn trên bán đảo Triều Tiên.