Diva Thanh Lam và dàn nghệ sĩ Táo Quân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân

GD&TĐ - Trong danh sách hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân lần thứ 10, Diva Thanh Lam cùng dàn nghệ sĩ Táo quân gồm Quốc Khánh, Chí Trung, Xuân Bắc đã vinh dự được xướng tên.

Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" lần thứ 10 do Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng cấp Bộ. 

Trong lĩnh vực Âm nhạc, có 23 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" trong đó có các nghệ sĩ: Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Xuân Bình (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thanh Lam (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam), Nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Hồng Năm (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam)… và 57 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú".

Ở danh sách nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đặc biệt có diva Thanh Lam.

Diva Thanh Lam.

Diva Thanh Lam.

Thanh Lam tên thật là Đoàn Thanh Lam, sinh ngày 19 tháng 6 năm 1969, lớn lên trong một gia đình nghệ thuật tại Hà Nội. Cha là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ nghệ sĩ đàn dân tộc Thanh Hương, em trai là DJ Trí Minh.

Ca sĩ Thanh Lam được biết đến là 1 trong 4 diva của làng nhạc Việt, là người mở đường, định hướng cho nền nhạc nhẹ Việt Nam từ đầu thập niên 1990.

Thanh Lam cũng là ca sĩ tự do đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ngoài ra, cô là nghệ sĩ giành được 1 Giải Cống hiến và 13 đề cử, đứng thứ tư trong danh sách những người được đề cử nhiều nhất chỉ sau Tùng Dương, Mỹ Tâm và Hà Anh Tuấn.

Thanh Lam cũng là người tiên phong trong việc kết hợp giữa cách hát truyền thống dân tộc (khép chữ - lấy độ vang ở sau chữ như hát ru, dân ca, ca trù, quan họ...) với lối hát mới bel canto ở Tây phương (lối hát mở - mở rộng âm thanh tạo ra những quãng âm vang, rộng nhưng vẫn tròn vành, rõ chữ).

Đây là sự kết hợp khó vì Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết, mỗi tiếng, mỗi chữ chỉ có một vần, không dính kết vào nhau và không có nối âm như một số ngôn ngữ dạng hòa kết, tổng hợp như của phương Tây.

Hơn nữa, kỹ thuật bel canto tốt nhưng đóng, mở “chữ” không hợp lý hoặc mở quá hát không rõ lời hoặc khép quá hát sẽ không có âm thanh, thành ra khô vụn, vận dụng cứng nhắc, máy móc, “tròn vành” nhưng không “rõ chữ”. Vì vậy, Thanh Lam có thể hát theo lối nhạc nhẹ mà vẫn có thể giữ lại bản sắc ngữ âm Tiếng Việt (khởi - mở - đóng chữ, 6 thanh điệu trầm bổng).

Trong lĩnh vực Sân khấu, có 25 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, trong đó có các nghệ sĩ: Nghệ sĩ ưu tú Lê Đại Chức, Nghệ sĩ ưu tú Đức Trung, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Chí Trung (Nhà hát Tuổi trẻ), Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Doãn Bằng (Nhà hát Tuổi trẻ), Nghệ sĩ ưu tú Lê Ngọc Huyền, Nghệ sĩ ưu tú Đức Khuê, Nghệ sĩ ưu tú Quốc Khánh, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc (Nhà hát Kịch Việt Nam)…

Dàn nghệ sĩ Táo quân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Dàn nghệ sĩ Táo quân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Có thể thấy trong danh sách hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân lần thứ 10 này, dàn nghệ sĩ Táo quân gồm Quốc Khánh, Chí Trung, Xuân Bắc đã vinh dự được xướng tên.

Được biết, "Ngọc Hoàng" - Trần Quốc Khánh ở lần phong tặng trước, vào năm 2018, có nhiều ý kiến đáng tiếc khi anh không có tên. Tuy nhiên ở thời điểm đó, nghệ sĩ Quốc Khánh cho biết, do thời điểm hiện tại anh chưa đủ tự tin để làm hồ sơ đề nghị chứ không có lí do nào khác.

"Nam Tào" - Xuân Bắc hiện là Giám đốc nhà hát kịch Việt Nam. Năm 2018, Xuân Bắc là một trong 4 cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Tuy nhiên đến phút chót, Xuân Bắc đã làm đơn xin rút hồ sơ với lý do rút đơn là vì điều kiện cá nhân. Sau đó, Hội đồng cấp Bộ tôn trọng và chấp thuận nguyện vọng của nghệ sĩ và không xét hồ sơ của Xuân Bắc.

"Táo Giao thông" - Chí Trung hiện là Giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ. Chí Trung đã 2 lần "lỡ duyên" ở các lần xét tặng. Lần 1 năm năm 2015, Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung đã làm hồ sơ xin xét tặng nhưng bị "trượt". Lần 2 thì do vướng về thủ tục nộp hồ sơ.

Trước đó, Tự Long (Táo Xã hội) và Công Lý (Bắc Đẩu) đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào các năm 2015 và 2019.

"Gặp nhau cuối năm - Táo Quân" là chương trình thường niên được phát sóng vào đêm 30 Tết. 

Quốc Khánh, Chí Trung, Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý là dàn nghệ sĩ Táo quen thuộc đối với khán giả truyền hình.

Chương trình được xây dựng dựa trên truyền thuyết vào dịp cuối năm ông Táo sẽ chầu trời để báo cáo Ngọc Hoàng về những việc đã xảy ra trong suốt một năm.

Thông qua những nhân vật như "Táo Giáo dục", "Táo Y tế", "Táo Giao thông",... chương trình cũng lồng ghép những tình tiết gây cười nhằm phản ánh, trào phúng hài hước về những vấn đề nổi cộm của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.